Chúng ta
Thứ năm, 11/3/2021 | 14:55 GMT+7

Người F rủ nhau làm điều tử tế

Nơi nhận không biết người gửi là những ai, nguồn quỹ đến từ đâu. Họ chỉ bày tỏ lòng cảm kích với một cái tên chung: FPT!

Người F rủ nhau làm điều tử tế

Nơi nhận không biết người gửi là những ai, nguồn quỹ đến từ đâu. Họ chỉ bày tỏ lòng cảm kích với một cái tên chung: FPT!

Trưa ngày 12/12/2020, cô bé Lê Thị Liên đi học về đã thấy mấy “cô chú FPT” đang hì hụi lắp dàn máy tính ở góc phòng. Liên nở nụ cười thật tươi khi cô Nguyễn Thị Quỳnh My, Trường Đào tạo cán bộ FPT, làm quen và đưa quà mới.

Cất cặp xong, Liên liền được chú Trần Thiện Khiêm (FPT Software) hướng dẫn sử dụng máy với loạt phần mềm tự học tiếng Anh, vi tính cài sẵn. Trong khi đó, chú Nguyễn Đức Hiền hì hụi đi dây lại cho gọn để hoàn thành phần lắp đặt.

Bộ máy tính là món quà hợp lực của hai đồng nghiệp nhà Phần mềm khiến Liên thích thú. Liên bảo mấy năm nay phần lớn phải “học chay” bởi cả trường chỉ có vài chiếc. Với quà mới, cô học trò vùng biên An Giang có thể vừa vọc máy tính lại có thể học ngoại ngữ bài bản.

Sản phẩm công nghệ chỉ là một phần trong số quà mà nhóm “Cùng Liên đến trường” mang xuống An Giang.

6h30 thứ Bảy trung tuần tháng 5 năm 2016, khi những ánh nắng đầu tiên phủ khắp cánh đồng biên giới Tịnh Biên (An Giang), nhóm vài người áo cam được thầy Lê Văn Hạp - Hiệu trưởng trường Tiểu học B An Phú - dẫn xuống bến kênh Vĩnh Tế, cách biên giới vài trăm mét.

Nhà Liên nằm bên dòng Vĩnh Tế, nép mình dưới những hàng cây đẹp như tranh. Ngược với tên ấp Phú Nhứt (giàu nhất), nhà Liên và hàng xóm đều rất nghèo. Cả gia đình 6 người sống trong một căn nhà không thể tuềnh toàng hơn. Trong bếp, chỉ chỏng chơ mỗi chai nước mắm còn một phần ba.

Lần này nhóm đồng nghiệp FPT trao món quà là nhu yếu phẩm cùng số tiền “lớn nhất mà tôi từng nhận”, như lời cụ Lê Văn Ban, ông ngoại Liên, tiết lộ. Số tiền đó dùng để mở một tài khoản ngân hàng như phần đảm bảo cho việc học hành của Liên sau khi đủ 18 tuổi. Quan trọng hơn, nhóm đồng nghiệp FPT thông báo sẽ tự gây quỹ để chung tay chăm lo cuộc sống cũng như việc học hành của cô bé học sinh lớp 4 trường Tiểu học B An Phú này.

Từ đó, đều đặn mỗi quý, nhóm thường chọn tối thứ sáu để đi xe giường nằm xuống biên giới An Giang. Sáng thứ bảy vào nhà thăm hỏi tình hình, trao quà rồi trở lại Sài Gòn trong khoảng 24h đồng hồ cả thảy. Sau 5 năm, nay Liên đã là nữ sinh lớp 9 trường xã.

Bằng giọng thều thào, ông Ban kể, nhà có hai người tâm thần. Gia đình không có ruộng nên chỉ còn cách đi làm thuê kiếm sống. Ai kêu gì làm nấy. Lúc hái ớt, khi nhổ cỏ hay nuôi lợn thuê… Những khi túng quá lại phải đi vay bà con hàng xóm... "Vợ chồng tôi giờ có thể chết bất cứ lúc nào, chỉ lo cho con và cháu. 5 năm nay, mối lo ấy được các bạn FPT san sẻ. Gia đình cảm kích vô cùng. Thật không gì có thể đền đáp cái ơn đó của các bạn", ông Ban vừa nói vừa chỉ lên bức tường dành riêng để treo giấy khen của Liên.

Liên đã học cấp 2, nhưng thầy Hiệu trưởng Lê Văn Hạp vẫn dõi theo cô trò nhỏ. Mỗi khi gặp thầy đều hỏi: “Nhóm FPT quý này đã xuống nhà chưa?”. Thầy bảo rất vui khi Liên luôn giữ vững phong độ học tập, cuộc sống gia đình cũng được cải thiện hơn xưa. “Món quà của các bạn FPT quá tuyệt vời. Đây là lần đầu tôi chứng kiến một quỹ do các cá nhân chung tay mà bền bỉ và ý nghĩa đến vậy”, thầy Hạp nói.

Cách biên giới An Giang hơn 1.200 km, 11h30 trưa ngày 19/1/2021, trời Cố đô se se lạnh. Một nhóm các bà các cô bán vé số hẹn nhau trước trụ sở FPT Telecom Huế ở mũi tàu đường Phạm Hồng Thái giao với Ngô Quyền để lấy cơm trưa.

"Cô bác anh chị em nhớ đeo khẩu trang và rửa tay rồi vào lấy cơm nhé. Bọn con chuẩn bị cơm canh và đồ ăn đầy đủ rồi nhưng văn phòng hơi nhỏ, mọi người lấy rồi mang về ăn trưa ngon miệng ạ", lời một nữ nhân viên áo cam vọng ra. Sau lời chào, nhóm đồng nghiệp FPT Telecom Huế nhanh nhẹn đưa cho mọi người những hộp cơm được đơn vị đóng hộp cẩn thận, gồm: thịt, cá, rau xào và món canh.

Suốt buổi trưa, văn phòng FPT Telecom Huế vận hành như quán cơm đắt khách chuyên bán mang về. Người ra vào tấp nập. Chủ và khách cười nói vui vẻ. Nhưng khác quán ăn bình thường, những suất cơm ấy có giá 0 đồng do CBNV chi nhánh chung tay, trao tặng.

Bà Lan, một phụ nữ ngoài 50 làm nghề bán vé số dạo, cùng nhóm bạn ăn luôn phần cơm ở công viên nhỏ phía trước chi nhánh: "Nhà tui có 3 người làm nghề vé số dạo. Thường ngày chỉ bữa tối là tự nấu ăn, còn bữa trưa sẽ ghé các quán mua cơm. Mỗi suất thường người ta bán 20-25 ngàn thì mình mua hộp 10 ngàn thôi, ít thức ăn, ít cơm lại xíu".

Được người quen mách ở FPT Telecom Huế tháng nào cũng có cơm 0 đồng với phần ăn đầy đủ, mỗi tháng mẹ con bà Lan thường canh lịch để ghé qua nhận. "Đỡ được vài chục ngàn cũng quý lắm. Tính cả năm cũng bộn à. Quan trọng là phần ăn rất tươm tất", bà Lan thể hiện niềm vui bằng tràng cười.

Sớm tinh mơ một ngày cuối năm 2019 nơi cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình. Cái lạnh tháng 12 không ngăn nổi niềm háo hức của các em nhỏ trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Dân Hóa. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Chương cũng bồn chồn xen lẫn mừng vui.

Đúng giờ hẹn, chuyến xe chở những người áo cam lăn bánh tới. Thùng xe chứa cơ man sách truyện văn học, đồ dùng học tập, rồi bàn ghế, đèn học, lại cả mấy bộ máy tính cùng những đồ ăn nhiều dinh dưỡng như bánh, sữa… Vừa đến nơi, các thành viên trong đoàn nhanh chóng bắt tay vào việc. Người trang trí sân khấu, người khuân vác đồ đạc, người trò chuyện, giao lưu, làm quen với các em. Tiếng cười nói rộn cả một góc trời biên giới.

Chẳng mấy chốc buổi giao lưu bắt đầu. Từng phần quà, quyển sách, cái bánh cái kẹo… được trao tận tay các cô bé, cậu bé học sinh nghèo. Những cánh tay bé xíu gầy guộc khoanh tròn lại, ríu rít tiếng “Con xin cô chú”, “Con cảm ơn”. Niềm vui long lanh trong đáy mắt.

Đứng lặng hồi lâu, thầy Nguyễn Văn Chương lúc bấy giờ mới bồi hồi chia sẻ: “Những món đồ như sách vở, máy tính rất đỗi bình thường với các em học sinh vùng xuôi, nhưng ở vùng biên giới này thì đó là cả một ước mơ to lớn”.

Còn nhớ chuyện về cô bé Liên được bắt nguồn từ dòng trạng thái kèm bức ảnh kêu gọi gây quỹ được chia sẻ lên Facebook cá nhân của một thành viên trong nhóm trên chuyến xe từ biên giới An Giang về Cần Thơ dự lễ phát động “Người FPT Vì cộng đồng” hồi tháng 3/2016.

Lời kêu gọi ngay lập tức nhận được hưởng ứng, do đồng cảm với gia cảnh éo le của cô bé. Từ đó cho đến nay, nhóm vẫn duy trì được hơn 10 người đồng hành, góp quỹ đều đặn. Ngoài tiền mặt, nhóm còn tổ chức nhiều hoạt động như tặng sách, máy tính, những chia sẻ hay định hướng để Liên có nghề nghiệp, có thể tự nuôi sống bản thân và thành người có ích cho xã hội.

Trong 5 năm, các thành viên đã đến thăm nhà Liên khoảng 30 lần. Ngoài định kỳ hàng quý, nhóm cũng thường có các chuyến đi đột xuất khi 1 thành viên nào đó ở Hà Nội vào phía Nam công tác hoặc onsiter ở nước ngoài về. Mỗi lần như thế, căn nhà bên kênh Vĩnh Tế rộn tiếng cười. “Dù không thể đi mọi chuyến, tôi luôn cố gắng sắp xếp thăm Liên và gia đình. Tận mắt chứng kiến những đổi thay của cô trò nhỏ năm xưa, tôi thấy chia sẻ của mình thêm phần ý nghĩa”, anh Nguyễn Sĩ Hiếu chia sẻ.

Hàng xóm, và đôi khi là gia đình Liên, không biết những ai chung tay hay nguồn quỹ đến từ đâu. Họ chỉ gọi với cái tên: đoàn FPT xuống thăm.

“Đoàn FPT” cũng lan tỏa yêu thương từ chính nơi làm việc của mình. Cách bệnh viện khoảng 500m, trụ sở FPT Telecom Huế (số 46 đường Phạm Hồng Thái) như một địa chỉ thân thuộc của các bệnh nhân điều trị nội trú. Họ là những người nghèo, khánh kiệt vì bệnh tật, đến đây để nhận những suất cơm 0 đồng. Cùng với đó, là các cô lao công, những người bán vé số. Cứ như thế, mỗi tháng hàng trăm suất ăn chan chứa nghĩa tình được sẻ chia đến với những lao động thu nhập thấp.

Chị Trần Thị Lan Hương - Trưởng phòng Hành chính Nhân sự FPT Telecom Huế - trải lòng, quỹ có sự chung tay, đóng góp của tất cả CBNV chi nhánh, trong đó người nêu ý tưởng và cũng là mạnh thường quân góp nhiều nhất là Giám đốc Nguyễn Mậu Nhật Khánh. Người góp tiền, người góp sức. Để có một bữa cơm trưa, nhóm đồng nghiệp FPT Telecom phải chuẩn bị từ hôm trước. Sáng tranh thủ giải quyết công việc chính rồi ai nấy tất bật với bữa cơm.

Không banner quảng cáo, không truyền thông, “bữa cơm 0 đồng” âm thầm qua chuỗi chương trình. 200 suất cơm luôn được phát hết trong khoảng 30 phút. Lần gần nhất, anh em chi nhánh góp được đến 400 suất.

Những chiếc máy tính dành tặng học sinh và chiến sĩ biên phòng cửa khẩu Cha Lo cũng không phải do được tài trợ mà có. Hằng năm, Phó Chủ tịch Công đoàn FPT Software Nguyễn Thị Hải Vân luôn trực tiếp đến tận các phòng ban, lau chùi cẩn thận từng bộ máy tính lập trình được duyệt đem đi thanh lý. Chị đề xuất lãnh đạo mang máy tính đến tặng nhiều trường học vùng sâu vùng xa, cho các em nhỏ được tiếp cận với công nghệ, với nguồn tri thức mở.

Tâm niệm “tích tiểu thành đại”, chị Vân không ngừng động viên duy trì các nguồn quỹ nhỏ tại từng phòng ban, từng tỉnh thành như Câu lạc bộ VLC tại Đà Nẵng, FPT Software TP HCM, hay quỹ Tấm lòng ở Hà Nội… để chủ động triển khai các chương trình thiện nguyện một cách độc lập và nhanh chóng. “Bền bỉ nhất đến nay chính là Quỹ Tấm lòng tại Hà Nội. Mô hình đơn giản chỉ là một bàn nhỏ tại mỗi tầng làm việc, vậy mà đã tồn tại được đến 10 năm nay” - chị Vân tự hào.

Trên những chiếc bàn nhỏ đó bày đầy đủ đồ ăn vặt: mì tôm, xúc xích, bánh mì ăn liền, bim bim, mì trẻ em, bánh đa... Một thùng tiền be bé để tự nguyện đóng góp, giản dị vậy thôi mà có thể đem lại nguồn quỹ lên tới gần trăm triệu đồng mỗi năm.

Với số tiền ấy, hằng năm chị Vân cùng người nhà Phần mềm ở đầu cầu Hà Nội đã mang những phần quà “nhỏ bé” của mình đến trại thương binh, trại trẻ em khuyết tật, người già neo đơn hay bệnh viện, gom góp yêu thương cho cuộc sống. Bên cạnh đó, mỗi năm chị còn tham gia hàng chục chuyến thiện nguyện cùng công ty đến với bà con ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất, trao cho họ những hiện vật thiết thực.

Những buổi gói quà, đóng thùng hàng có kéo dài đến nửa đêm, thời gian di chuyển có mất cả ngày trời, đường đi có lầy lội, thậm chí sạt lở, người Phần mềm vẫn không hề nản chí. Bởi khi nắm được những bàn tay, nhìn được niềm vui trong mắt những người nhận giúp đỡ, với họ mệt nhọc đã tan biến đi từ lúc nào.

Mỗi lần “suất cơm 0 đồng” diễn ra, hàng dài người nhà, bệnh nhân xếp hàng từ sớm trước chi nhánh FPT Telecom Huế. Còn bên trong, chị Hương và đồng nghiệp lại tất bật đóng gói sao cho nhanh nhất, chuyển ra ngoài. Có lần, một chú bán vé số bước ra từ chi nhánh, gặp ai cũng bảo: “FPT phát cơm đấy. Vào mà nhận”, nói rồi cầm hộp cơm ra một gốc cây to, lót chiếc dép nhựa, ngồi bệt ăn với vẻ phấn khởi.

Những khoảnh khắc ấy tuy ngắn ngủi nhưng luôn khiến nữ Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự FPT Telecom Huế cảm thấy hạnh phúc, nhận ra những giá trị từ sự chung tay đóng góp của nhiều tấm lòng nhân ái. “Chúng tôi mong muốn duy trì đều đặn 1 lần/tháng. Để những bệnh nhân, người lao động đang gặp khó có thêm chỗ dựa, có thêm niềm tin vào cộng đồng”, chị Hương cho hay.

Chị Nguyễn Thị Hải Vân thì tiết lộ, năm nay, Quỹ Tấm lòng đang ấp ủ ước mơ lớn mang tên “Từ gói bim bim đến cây cầu hy vọng”. Họ mong muốn dùng số tiền quyên góp được để xây nên những cây cầu bê tông chắc chắn, kiên cố cho bà con vùng sâu vùng xa.

Chị Vân tâm sự, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên chẳng có quê xa, nhưng chính công việc thiện nguyện đã cho chị cơ hội được đi, gặp bao con người xa lạ, chứng kiến bao nỗi buồn niềm vui. “Mình cứ nghĩ: Còn công việc nào cho mình được nhiều hơn thế? Yêu thương không tự nhiên đến mà là kết quả từ sự gom góp, chung tay của nhiều người”, chị mỉm cười hồn hậu.

Đại diện nhóm “Cùng Liên đến trường” nhẩm tính, trung bình mỗi thành viên sẽ góp khoảng 13.000/ngày. Với mỗi cá nhân thì ít, nhưng hơn 10 người chung tay sẽ tạo ra một khoản tương đối. “Nhóm chúng tôi đã đủ mạnh thường quân đồng hành. Qua câu chuyện, chúng tôi mơ ước sẽ có nhiều người F chung tay tạo nên những nhóm quỹ mới chia sẻ với các hoàn cảnh trong xã hội”.

Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT - Trương Thanh Thanh cho rằng, song song với các hoạt động thiện nguyện lớn do FPT và các công ty thành viên triển khai, hành trình chia sẻ với cộng đồng luôn được người F mọi miền hun đúc và giữ lửa. “Tôi luôn trân trọng và cổ vũ các hoạt động thiện nguyện do người F rủ nhau thực hiện. Dù bất cứ cách nào, như FPT Telecom Huế, Quỹ tấm lòng của FPT Software hay Cùng Liên đến trường, các bạn đều đã mang hình ảnh đẹp và tử tế của FPT đến cộng đồng”, chị Thanh bày tỏ.

Nội dung: Hạ My Huy

Thiết kế: Chungta

Ý kiến

()
 
Tags: