Hội nghị lãnh đạo nhà Viễn thông đã diễn ra trong hai ngày 28-29/11 với chủ đề “Amazing Experience” (Trải nghiệm tuyệt vời). Ngày đầu tiên của Hội nghị, các thành viên tham dự đã được lắng nghe chị Chu Thanh Hà - "nữ tướng" nhà "Cáo"; anh Hoàng Việt Anh - TGĐ FPT Telecom và anh Nguyễn Văn Khoa - CEO FPT chia sẻ về định hướng chiến lược, tầm nhìn sứ mệnh nhà "Cáo" cũng như những bài học xương máu trong hành trình phát triển.
Sang ngày thứ hai, Chủ tịch FUNiX cũng có buổi trò chuyện cùng các thành viên của “Amazing Experience” bằng tư cách diễn giả. Với những câu chuyện rất thật về hành trình 10 năm đầu ở FPT cùng giọng kể đầy chất “hóm”, anh Nguyễn Thành Nam đã mang tới Hội nghị những bài học giá trị và không thiếu những tràng cười nghiêng ngả.
Trước khi anh phát biểu, "nữ tướng" FPT Telecom - chị Chu Thanh Hà dành những lời trân trọng bày tỏ lòng biết ơn đối với người anh đáng kính, người đã “đỡ đầu”, khuyến khích chị làm việc khó. Trong thời điểm khó khăn nhất, chị từng tìm đến anh Nam và nhận được lời khuyên: “Hãy thử tới trước cửa nhà xác bệnh viện đứng nửa tiếng, em sẽ thấy đời mình đẹp hơn rất nhiều”. "Cách động viên của anh Nam bao giờ cũng kỳ lạ như thế, nhưng đã tiếp thêm cho tôi rất nhiều động lực đi tiếp", chị bồi hồi.
Đến với Hội nghị, anh Nam tự nhận mình đã băn khoăn không biết phải trình bày gì trước các lãnh đạo nhà Viễn thông. Bởi vậy, nhà sáng lập FUNiX quyết định sẽ… kể chuyện. Anh bắt đầu chia sẻ những câu chuyện từ thuở sơ khai thành lập nhà F. 10 năm đầu tiên ở FPT, anh chỉ “đi học”. Ấy là học lập trình, học bán hàng và học… chơi.
Nói về học lập trình. Những năm đầu, trung tâm CNTT chỉ có 6 người, gồm: anh Nguyễn Thành Nam, anh Nguyễn Chí Công, anh Đỗ Cao Bảo, anh Võ Mai, anh Bùi Quang Ngọc, anh Nguyễn Trung Hà. Anh Công thì trăm công nghìn việc, thỉnh thoảng chỉ lượn qua mượn quyển sách. Theo lời kể của anh Nam, anh Trung Hà lúc đó đã xác định rõ nghề lập trình này “vớ vẩn” nên quyết định đi… buôn vật liệu vì nghĩ rằng công nghệ của FPT “có ma nào dùng”, chưa kể chuyên gia hàng đầu trung tâm là anh Nguyễn Chí Công còn đang… cắm cúi đọc sách. Anh Võ Mai khi ấy đang được giao nhiệm vụ rất lớn là nghiên cứu tên lửa.
“Đâm ra còn mỗi anh Bảo, suốt ngày ngồi lập trình ở công ty nên tôi ngồi xem. Đại khái là xem anh làm như thế nào, khi nào anh có việc ra ngoài chút tôi sẽ tranh thủ… làm thử”. Đến lúc anh ấy về, bí chỗ nào lại hỏi.
Anh Nam bồi hồi khi nhớ về quá trình 10 năm đầu tiên tại FPT với rất nhiều bài học quý báu. Ảnh: BTC. |
Được độ gần một năm, anh Bùi Quang Ngọc bảo với Nguyễn Thành Nam: “Học thế đủ rồi. Đi làm đi”. "Thế là tôi làm dự án đầu tiên, có tên là Typo4", anh Nam hồi tưởng. Nền tảng của cuốn sách đầy đủ; và cho đến bây giờ anh vẫn có thể tự tin tranh luận với các kỹ sư trẻ về công nghệ lập trình.
Từ đó, anh rút ra rằng cách dạy 1-1 là rất hữu ích. 30 năm sau khi bắt tay làm FUNiX, anh Thành Nam tái sử dụng phương pháp đó trong dạy lập trình, tức là cần hai thứ: Một là sách, hai là mentor (người hướng dẫn) bên cạnh. Anh ngẫm: “Về sau nhìn lại, tôi thấy tất cả những điều chúng ta từng làm đều có ích theo một cách nào đó”.
Nói về học bán hàng, anh tự nhận mình không thích kinh doanh: “Cái gì động đến tiền là tôi tránh xa”. Nhưng người tính không bằng trời tính, cũng có ngày Nguyễn Thành Nam buộc phải đi bán hàng bởi “hoàn cảnh đưa đẩy”. Anh nhớ lại những ngày đầu khi FPT cải tổ, bộ phận phần mềm được tách ra để kinh doanh độc lập và quá trình vất vả để có được hợp đồng trị giá 3 triệu đô đầu tiên (đạt mục tiêu của anh Trương Gia Bình đặt ra khi ấy). "Thế là tôi rút ra được mấy bài học. Một là bán hàng cần phải bị ép, mục tiêu càng vô lý thì mới thôi thúc tìm ra cách thức mới. Hai là phải thực sự hiểu rõ khách hàng muốn gì".
Giới thiệu về anh Nguyễn Thành Nam, chị Chu Thanh Hà giọng đầy cảm xúc: "Anh không chỉ là ông tổ xuất khẩu phần mềm, mà còn xứng đáng là cha đỡ đầu của FPT Telecom". Và mỗi khi gặp khó khăn, chị đều tìm đến anh Nam để nhận lời khuyên. Ảnh: BTC. |
Nhớ lại hệ thống trao đổi email và mạng “Trí tuệ Việt Nam” của FPT những năm đầu, anh Nguyễn Thành Nam đưa ra lời khuyên cho FPT Telecom về tầm quan trọng của việc chọn lựa nội dung. Nhà Viễn thông phải đặt mục tiêu đánh bại đối thủ trên mặt trận Internet. Cần mang lại những trải nghiệm “amazing” (tuyệt vời) về đường truyền, tốc độ và nội dung. "Điều khán giả cần nhất là bật thiết bị lên xem ngay được".
Hiện đại hoá là xu hướng khắp nơi - thuật ngữ này gần gũi hơn chuyển đổi số. Khách hàng sẽ tự có nhu cầu hiện đại hoá, anh nhận định. “Và FPT cần chứng minh mình là cao thủ”.
Anh Nguyễn Thành Nam cũng cho rằng có thay đổi mới có phát triển và phồn thịnh. “Người ta e sợ trước tương lai thay đổi nhiều, nhưng tôi chẳng sợ. Càng thay đổi nhiều càng tốt. Tôi không sợ làm cái mới, không bao giờ sợ đi vào công nghệ mới”.
Hết học lập trình và bán hàng, cuối cùng là học chơi. “Ông tổ của STCo” đã chia sẻ những kỷ niệm và nguồn gốc ra đời những bài hát “chế” kinh điển của người nhà F. Cuối cùng, anh nhận định, “chơi” một cách có tổ chức sẽ được tôn vinh thành văn hóa doanh nghiệp. “Ai bảo công ty không phải là chỗ chơi”.
Các thành viên tham dự Hội nghị ai nấy đều say sưa lắng nghe và thích thú trước phần chia sẻ gần gũi của nhà sáng lập FUNiX. Ảnh: BTC |
Đúc kết, Hiệu trưởng Đại học FUNiX nhắn nhủ tới mọi người rằng không có điều gì mỗi người tận tâm học là lãng phí. Đó đều là những điểm sáng. Đến một ngày đẹp trời, tất cả sẽ kết nối lại và trở thành con đường chúng ta đã đi. “Chính là “connecting points” (tạm dịch: điểm nối) như nhà sáng lập Apple Steve Job vẫn nói”.
Và với anh, mọi bí quyết thành công đều bắt nguồn từ những việc nhỏ. Làm được việc nhỏ, sau sẽ làm được những việc rất lớn. Anh tin tưởng đội ngũ FPT Telecom sẽ làm được nhiều việc lớn. “Tuy nhiên, chúng ta phải biết tìm trận mà đánh. Vì các bạn đánh nhau rất nhiều nhưng đánh vào đâu, đánh từ đâu, đánh bằng gì cũng rất quan trọng", anh Nam dành cho người nhà Cáo những lời khuyên quý báu trước khi kết thúc bài chia sẻ. Các thành viên tham dự Hội nghị đều rất hào hứng và thích thú trước những câu chuyện “nhiều muối”, chân tình và cũng đầy giá trị của anh Nguyễn Thành Nam.
PGĐ Trung tâm Đào tạo FPT Telecom - chị Trần Hạnh Dung bày tỏ sự thích thú với phần chia sẻ của anh Nam. "Mới đầu nghe cảm giác rằng anh nói cho vui nhưng sau mới thấm thía sự sâu sắc và các ý rất cô đọng mà anh muốn nhắn gửi. Và tôi thích nhất là khi anh nói về tinh thần học hỏi, học ở bất cứ lúc nào, ở đâu, hình thức nào. Học có thể chưa dùng ngay ở thời điểm đó nhưng sau đó sẽ có khi dùng đến và rất có ích cho sự phát triển của cá nhân và tổ chức".
Trong khi đó, Giám đốc Kinh doanh Vùng 4 - anh Nguyễn Thế Quang chia sẽ cảm xúc: "Lúc nghe cười không nhịn được. Lúc đọc lại thấm không cười được".
Hội nghị chiến lược FPT Telecom đã diễn ra đầy cảm xúc tại khách sạn Pullman, Vũng Tàu. Với chủ đề chính là Amazing Experience (Trải nghiệm tuyệt vời), mỗi thành viên tham gia Hội nghị đều được phục vụ như một khách hàng. Đặc biệt là có những "trải nghiệm tuyệt vời" từ việc đi lại, ăn, ngủ, vui chơi và ngay cả trong cuộc họp.
175 đại biểu đã được chia thành 7 nhóm để tham gia vào các hoạt động thảo luận và trò chơi tập thể. Cạnh chương trình Hội nghị là các hoạt động Teambuilding và Gala dinner. Gần 200 đại biểu đã có những trải nghiệm thú vị với trò chơi đua thuyền kết hợp với mò cua bắt ốc, kết bè. Đêm Gala tối 28/11 được tổ chức theo phong cách game, vừa thi đấu vừa mang màu sắc âm nhạc, đồng thời kết hợp các thông điệp quan trọng của FPT Telecom.
>> FPT Telecom khởi động tìm 'viên kim cương'
Khánh Linh - Hà An
Ý kiến
()