Chúng ta

'36 kế' dạy học online mùa dịch của giảng viên FPT Edu

Thứ năm, 20/2/2020 | 17:24 GMT+7

Nhiều phương pháp dạy học mới như sử dụng Facebook, Zalo hoặc quay video... đều được các giảng viên nhà F sử dụng, với mong muốn giúp học sinh không bị nhàm chán khi học online kéo dài. 

Giữa diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp Covid-19, học sinh, sinh viên FPT Education đồng loạt được nghỉ học để phòng, chống dịch. Kỳ nghỉ kéo dài buộc đội ngũ giảng viên phải đưa ra những phương pháp dạy học online để giúp các em duy trì việc học. Dù đã khá quen với việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy nhưng dạy, học và tương tác online 100% vẫn đặt ra thách thức cho giáo viên và học sinh.

2-8498-1582192326.jpg

Lớp học online của cô giáo Thu Hà - trường TIểu học và THCS FPT Cầu Giấy. Ảnh: FPT Schools Cầu Giấy.

Cô Thu Hà, giáo viên Toán trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy, cho biết, để học sinh có hứng thú với việc học, giáo viên phải thiết kế bài giảng, nội dung sao cho hấp dẫn, đa dạng hóa cách truyền tải như tạo trò chơi, cuộc thi,... Để có được một bài giảng trực tuyến hiệu quả, Thu Hà "tiết lộ" 5 nước cơ bản cho một ngày dạy học online: Kiểm tra lịch học rồi chuẩn bị bài, phiếu bài tập, phiếu chữa từ ngày hôm trước; Quay video hướng dẫn các bài điển hình theo các dạng; Đặt báo thức đúng 8h để giao bài, gửi video lên Google Classroom; Livestream giải đáp thắc mắc bằng Zoom-meeting và Chấm bài trên Classroom. 

"Lúc quay video, cảm giác ngồi trước màn hình máy tính cười cười nói nói một mình, tự hỏi rồi tự trả lời, tôi thấy nhớ khung cảnh các con ngồi trong lớp học vô cùng. Những lúc livestream chữa bài cũng có phút giây "dở khóc dở cười" vì khi thì "Cô ơi, con không nghe thấy tiếng", "Cô ơi, sao cô không đeo khẩu trang","Cô ơi, con đói, con ăn bánh cô nhé. Con mời cô"... Ấy thế mà nghe phụ huynh phản hồi "giọng cô truyền cảm quá" hay "học online thật tuyệt vời", rồi nhìn thấy lũ học sinh hỉ hả: "Con muốn đi học", "Mai con đến trường nhé cô" là tôi có thể mỉm cười mà tiếp tục hành trình", cô Hà chia sẻ. 

Với các môn nghệ thuật như âm nhạc, đội ngũ giáo viên FPT Schools Cầu Giấy đã nghĩ ra phương pháp quay video giảng dạy từ xa cho các em. Theo đó, các thầy cô sẽ cho học sinh nghe bài hát được dạy rồi hát mẫu, đệm đàn, hướng dẫn và lưu ý học sinh những lỗi thường gặp khi tập luyện. Video đầu tiên được sản xuất là bài hát “Bài ca tôm cá” do cô giáo Đinh Vũ Hoài Nga và thầy Nguyễn Hưng trực tiếp tham gia hướng dẫn. 

Cô Đinh Vũ Hoài Nga cho biết: “Ý tưởng làm một bộ những video dạy học online tôi đã ấp ủ từ khá lâu rồi, cũng xuất phát từ mục tiêu “chuyển đổi số trong giáo dục” mà FPT Edu đã đặt ra. Đối với môn nghệ thuật thì đó là một thách thức, vì có những đặc thù cần đến sự tương tác trực tiếp, không thông qua ứng dụng hay phần mềm được. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn cố gắng thử làm một điều gì đó. Có thể nó chưa hẳn là “chuyển đổi số” nhưng cũng ứng dụng được công nghệ vào môn học và giúp học sinh có thêm một phương pháp tiếp cận khác với các môn nghệ thuật”.

Ở trường THPT FPT, học sinh đều dùng sách giáo khoa điện tử và laptop nên việc “online hóa” triển khai khá thuận lợi. Giao nhận bài tập trên hệ thống group lớp học online Facebook, Zalo… kiểm tra đánh giá kết quả học tập qua phần mềm giáo dục trực tuyến: VioEdu; Shub; Microsoft Office 365 là những phương án THPT FPT áp dụng. 

Đánh giá về việc học tập online, cô Nguyễn Thanh Huyền, Tổ trưởng tổ Tiếng Anh, nhận định: “Khoảng 85% học sinh hoàn thành bài. 15% còn lại học sinh làm bài ra giấy hoặc bản mềm rồi chụp gửi lại cho giáo viên do phần mềm shub.edu.vn có lúc chưa ổn định. Tuy nhiên, chất lượng làm bài khá tốt, hầu hết học sinh làm bài nghiêm túc, điểm phản ánh khá chính xác khả năng của học sinh". 

Cô Ngô Thu Hà, giáo viên môn Văn, lại áp dụng tổng hợp những tính năng ưu việt của bộ Office 365 để tổ chức lớp học cho học sinh: “Tôi gửi cho học sinh phần khái quát nền kiến thức bằng video trên PowerPoint, sau đó học sinh tự tóm tắt bằng Forms. Giáo viên chủ động tạo lớp học trực tuyến (Teams, Skype, Zoom…), kiểm soát học sinh ghi bài bằng vở điện tử (OneNote) và đến cuối giờ cho học sinh làm một bài kiểm tra nhanh chốt kiến thức bằng ứng dụng Forms". 

1-4845-1582192326.jpg

Các giảng viên của FPT Polytechnic vẫn mặc đồng phục lên giảng đường và dạy học online. Ảnh: FPT Polytechnic.

Với FPT Polytechnicgiảng viên là người trực tiếp kết nối với sinh viên của lớp qua email hoặc trong group lớp. Với ứng dụng hỗ trợ tạo lớp học online từ Google, các giảng viên sẽ tạo lớp học và gửi liên kết mời tham gia học tới sinh viên qua email hoặc Facebook, Zalo. Lịch học online của các lớp được công bố trên hệ thống nội bộ và giảng viên có trách nhiệm liên hệ với các lớp trước giờ vào học. 

Theo thầy Trương Đình Trang, giảng viên môn Digital Marketing, khi tham gia học tập online thầy và trò sẽ có thời gian hỏi đáp linh hoạt. Giảng viên trực tiếp demo bài giảng trên màn hình máy tính sẽ khiến cho bài học sinh động và sinh viên thích thú hơn. Đặc biệt, trong lớp học online bạn nào yêu thích môn học sẽ chủ động tương tác với thầy cô nhiều hơn để nội dung bài giảng đi sâu vào thực tế. Cách thức học này sẽ mang tính phân loại sinh viên cao hơn. Ngoài ra, việc học tập online sẽ rèn luyện cho sinh viên văn hoá giao tiếp. Các bạn phải theo dõi và sắp xếp thứ tự trình bày ý kiến. Khi một người nói sẽ có nhiều người lắng nghe, không gây ồn ào, mất tập trung.

ĐH FPT, thầy giáo được ví von như streammer, lớp học online thì như video chat. Học tập thoải mái hơn cũng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho cả thầy và trò. Thầy Nguyễn Hữu Hoàng Giao - giảng viên môn Quản trị nhân lực, cho biết: "Tôi không thích nghỉ nhiều đâu, tại đi dạy vui hơn nhiều. Nhưng mùa dịch bệnh như vậy, có lẽ ở nhà an toàn hơn. Dạy và học online do đó cũng thể hiện được nhiều ưu điểm và nhược điểm. Học online sẽ giúp các bạn ở nhà cũng có thể học, không phải mất thời gian đến trường, không phải tiếp xúc nhiều hạn chế dịch bệnh hoành hành. Hình thức học này phù hợp với những môn lý thuyết, còn đối với những môn thực hành hay thuộc về kỹ năng mềm thì hơi khó. Vì các bạn cần sự tương tác với nhau nhiều hơn là trò chuyện qua màn hình”.

Triển khai học tập online dù còn nhiều khó khăn nhưng đã nhận được những phản hổi tích cực từ phía học sinh, sinh viên. Phan Minh Tuấn, học sinh lớp 10A11 - THPT FPT chia sẻ: “Ngày nào đến giờ là em vào các group nhận bài tập của cô giáo, tự sắp xếp thời gian trong ngày để ngồi làm, đúng đến hạn thì phải nộp. Tuy chỉ học online nhưng các thầy cô rất nghiêm khắc, nếu không nộp bài đúng hạn, nhẹ thì nhắc nhở còn nếu không làm thì sẽ bị đánh vào ý thức và kết quả học tập. Dù không đến trường nhưng lượng bài tập các môn Toán, Văn, Anh và tự chọn của chúng em lúc nào cũng nhiều”.

Thường ngày, ngoài giờ học trên lớp, chúng em vẫn thường xuyên nhận và gửi bài vở, trao đổi với các thầy cô qua email, group Facebook hoặc Zalo… Vì thế, việc học online không còn xa lạ với chúng em. Khi được biết trường tạm thời cho sinh viên nghỉ học để tránh dịch Corona, chúng em đã sẵn sàng học qua Coursera, cũng thuận tiện và hiệu quả không kém học trên lớp”, Minh Anh - sinh viên năm 2 ĐH FPT cho hay. 

Đến nay, Tổ chức Giáo dục FPT đã và đang đẩy mạnh công tác dạy và học, đồng thời cung cấp thông tin tuyển sinh theo hình thức trực tuyến. Đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà F sẽ tiếp tục duy trì, sáng tạo thêm nhiều phương pháp mới để cùng học sinh "vượt khó" mùa dịch. 

Tổ chức Giáo dục FPT hiện hoạt động với quy mô hơn 50.000 học sinh - sinh viên ở các bậc đào tạo từ tiểu học lên tới sau đại học, bao quát đa dạng các ngành nghề từ CNTT, Kinh tế, Ngôn ngữ, Mỹ thuật số. Các cơ sở của FPT Education có mặt ở 5 tỉnh thành: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Tây Nguyên và Cần Thơ. Phân hiệu ĐH FPT cũng đã bắt đầu được khởi công tại Bình Định vào cuối năm 2019. Tổ chức Giáo dục FPT là đơn vị giáo dục có quy mô và ảnh hưởng lớn tại Việt Nam.

Trâm Nguyễn

Ý kiến

()