Chúng ta
Thứ hai, 20/11/2023 | 13:56 GMT+7

Những người thầy 'trong lòng' FPT

Họ là lãnh đạo, quản lý và CBNV của FPT, trở thành người thầy, người anh sẻ chia kiến thức và kinh nghiệm thực tế cho thế hệ tiếp nối. Làm việc và cống hiến 'trong lòng' FPT, họ cũng là người thầy 'trong lòng' học viên.

Những người thầy 'trong lòng' FPT

Họ là lãnh đạo, quản lý và CBNV của FPT, trở thành người thầy, người anh sẻ chia kiến thức và kinh nghiệm thực tế cho thế hệ tiếp nối. Làm việc và cống hiến 'trong lòng' FPT, họ cũng là người thầy 'trong lòng' học viên.

FPT xây dựng thành tổ chức học tập và tổ chức kiến tạo, mỗi người đều có thể lựa chọn để phát triển tốt nhất về tài năng của mình. Văn hóa học ăn sâu vào mỗi người F, cấy vào gen khi họ chính thức đặt chân vào FPT. Văn hóa sẻ chia cũng trở thành truyền thống đẹp, gắn kết và lan tỏa thêm giá trị của mỗi cá nhân tại đây.

Hiện FPT có 2 nhóm đối tượng giảng viên là giảng viên cơ hữu - trực tiếp đứng lớp với công việc chính là giảng dạy và tham gia đào tạo; và giảng viên nội bộ - vừa làm công việc chuyên môn, vừa tham gia đào tạo cho học viên là đồng nghiệp F hoặc sinh viên ĐH FPT. Đều có mong muốn chung là sẻ chia kiến thức, họ trở thành những thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy cho “người trong nhà”.

Ít ai biết rằng, Giám đốc Công nghệ Thông tin FPT - anh Nguyễn Xuân Việt từng “bị” thành giảng viên trước khi đầu quân vào nhà F. Anh nhớ lại, những năm tháng trước đó, các môn học khó như lập trình Assembly, C… ít ai nắm rõ. Thế là bạn bè làm việc trong lĩnh vực giáo dục gửi gắm đôi lời, nhờ anh Việt cùng giảng dạy. Cơ duyên thành giảng viên bắt đầu từ đó. Không chỉ dạy cố định một trường đại học, anh Việt còn giảng dạy và hướng làm đồ án ở nhiều nơi khác nhau.

Vài năm sau khi vừa làm vừa dạy, công việc bận rộn hơn. Anh Việt tạm gác lại việc đào tạo vì khó vẹn toàn đôi bên. Niềm đam mê với đào tạo vẫn còn đó, cháy âm ỉ trong anh.

Ở FPT, ngọn lửa ấy có dịp bùng lên lần nữa. Anh được mời tham gia đứng lớp cho học viên F, dạy chính những đồng nghiệp của mình. Trong suy nghĩ của anh, việc dạy “người trong nhà” thuận tiện hơn vì là người thật việc thật, anh có thể nói những sự việc có thật, cách làm thật để học viên áp dụng vào công việc ngay lập tức.

Trở thành giảng viên, Giám đốc Công nghệ Thông tin nhà F nhớ lại thuở còn là cậu học sinh nghịch ngợm. Tuy việc trốn tiết của lũ trò ngày ấy không hề hiếm, anh lại chưa bao giờ trốn giờ Văn vì một lẽ: ông giáo dạy Văn có cách truyền đạt quá hay. Khi trở thành một người thầy, anh Việt cũng tâm niệm phải là một người truyền được sự thích thú học tập ấy, chẳng hạn như qua việc lồng ghép những câu chuyện hài hước trong cuộc sống và công việc, tạo cho học viên cảm giác thoải mái để tiếp nạp kiến thức. Trong sự kiện vinh danh của Học viện FPT vừa qua, anh Nguyễn Xuân Việt chính là một trong 27 đại sứ truyền cảm hứng tại FPT.

Không chỉ tròn vai người thầy, anh còn là người truyền lửa, kết nối thêm những thế hệ giảng dạy khác cho FPT. Trong số đó có anh Phạm Tùng Dương - hiện là Giám đốc Dịch vụ An toàn thông tin FPT Software, giảng viên thỉnh giảng thuộc ĐH FPT. Năm 2015, khi người anh - người thầy giới thiệu với ĐH FPT, vì chuyên môn sát với môn học cần giảng dạy, đều là những việc đã và đang làm qua, anh Dương nhận lời. Hành trình sẻ chia kiến thức bắt đầu từ đây.

Khác với anh Việt, anh Dương trông khá nghiêm túc khi đứng trên bục giảng. “Bên ngoài có thể chào ‘anh’ nhưng đứng trên giảng đường, thầy phải là thầy, phải có kỷ luật và nguyên tắc rõ ràng. Học là học và chơi sẽ ra chơi. Mình vẫn thường bông đùa nhưng khi vào việc là nghiêm túc nên đôi khi, học viên hay nói là anh thầy khó tính”, anh Dương dí dỏm.

Vì là người FPT, mỗi thầy cô giáo đều hiểu rõ tinh thần và văn hóa nhà F. Nên trong các buổi học, họ vẫn thường lồng ghép và lan tỏa hơn tinh thần này, tạo sự gần gũi và giúp học viên dễ dàng hiểu và quý hơn văn hóa FPT.

Nhớ lại thời điểm trước kia, chưa bao giờ anh nghĩ đến nghiệp dạy dù mẹ là cô giáo. Anh đã biết trước nghề giáo có nhiều điều vất vả, và đã trải nghiệm đúng những vất vả ấy khi bước chân vào con đường đào tạo. “Nói liên tục, tương tác liên tục. Mình phải tỉ mỉ, cần mẫn và quan tâm đến học viên”, anh nói.

Một số “người thầy” ở FPT tham gia giảng dạy vì muốn sẻ chia kiến thức và kinh nghiệm, nhưng công việc chuyên môn vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nhưng cũng có một số người FPT quyết tâm chuyển hẳn sang đào tạo vì yêu thích việc được sẻ chia và trao giá trị cho học viên. Anh Đặng Phương Phương - giảng viên cơ hữu của FPT Software chính là trường hợp trên.

Năm 2016, anh Phương vào FPT với vị trí lập trình viên Java. Hiện tại, anh là giảng viên cơ hữu của FA (Học viện đào tạo Fresher). Anh tâm sự, chuyển sang FA là sự tình cờ. “Năm 2021, FA tăng tin tuyển giảng viên part-time phụ đứng lớp. Mình cũng muốn trải nghiệm thử nên tham gia. Bản thân làm sản xuất thời gian dài, khi chuyển sang đào tạo thấy hoàn toàn mới nên thích lắm. Đào tạo cho phép mình giúp đỡ được nhiều người, thấy thành quả tăng trưởng trực tiếp từng ngày”, anh Phương bày tỏ.

Nhớ lại lần đầu đứng lớp, vì là “tay ngang” nên kỹ năng sư phạm bằng không, anh Phương chuẩn bị kỹ chuyên môn lẫn kịch bản sẽ nói gì, nói thế nào cho dễ hiểu, tài liệu bổ sung ra sao, làm infographic… để thu hút học viên quan tâm.

“Lúc đó, mình không phải là người có khả năng đứng trước đám đông và nói tự tin, cũng chưa từng nghĩ sẽ là giảng viên nhưng nếu không thử sẽ không biết được khả năng. Buổi đầu tiên lo lắm. Những buổi dạy tiếp theo cũng chưa tốt và mình cũng không hài lòng. Thế là, chính mình tự cảm thấy phải cố gắng hơn để mang lại kiến thức giá trị cho học viên. Dần dà, khoảng cách giữa người thầy và người học cũng gần nhau hơn”, anh Phương kể.

Hiện tại, anh Phương đang là giảng viên cơ hữu của FA, tối tham gia giảng dạy còn ngày dồn 100% công sức để làm các dự án về hệ thống học và dạy cho FA với mong muốn tăng năng suất, giảm tải thao tác thủ công cho người dạy và người học. “Có những thời điểm quá sức và áp lực nhưng hiện tại đã quen. Mình làm công việc khiến mình vui, giúp được học viên nên áp lực cũng ít đi”.

Anh Phương từng nghĩ mình sẽ không làm đào tạo vì bản thân tương đối “nghịch ngợm”, vẻ ngoài cũng không có phong thái của người thầy nhưng hiện tại, học viên FA gọi anh là “anh thầy quốc dân” vì sự nhiệt thành, tận tâm và nghiêm túc với nghề.

Còn với Kim Thị A Dine - Phó Quản lý nhà thuốc Long Châu (FPT Retail), việc giảng dạy lại mang một màu sắc khác. Đặc thù FPT Retail, việc giảng dạy của giảng viên nội bộ sẽ diễn ra trực tuyến hoặc trực tiếp tại cửa hàng cho học viên, dược sĩ mới. Hơn 3 năm gắn bó với nhà Bán lẻ, từ một nhân viên bán hàng thông thường, chị A Dine trở thành Phó Quản lý kiêm giảng viên nội bộ khối shop.

Nhớ lại thời điểm mới vào nghề, chị nhận được sự đào tạo chuyên nghiệp từ thầy cô ở Trung tâm đào tạo và khối shop nên hun đúc mong muốn, sau này có thể truyền lửa lại cho dược sĩ trẻ và học viên mới. Ngày FPT Long Châu mở đơn tuyển dụng giảng viên nội bộ, chị A Dine nhanh chóng ứng tuyển.

Vừa bán hàng, vừa hỗ trợ từ xa theo hình thức online như chạy toa thuốc, dữ liệu, xử lý tình huống và hỗ trợ học viên yếu. “Khó khăn chủ yếu là sắp xếp thời gian sao cho cân đối giữa việc làm tại cửa hàng và giảng dạy. Tôi vẫn ưu tiên việc quan trọng trước là công việc tại shop. Trường hợp không sắp xếp được thì sẽ nhờ giảng viên khác hỗ trợ”, chị A Dine chia sẻ.

Từ những dược sĩ mới còn yếu tay nghề, đến hiện tại, nhiều bạn đã trở thành đồng nghiệp của chị A Dine để tiếp tục sứ mệnh sẻ chia và truyền lửa cho những thế hệ tiếp nối.

“Tôi không tâm niệm mình đi “dạy” mà chỉ là "chia sẻ". Lên lớp là lúc tôi chia sẻ kinh nghiệm qua các trường hợp mình đã va vấp, trải qua” - anh Nguyễn Xuân Việt nói. Chính vì thế, dù có lúc phải đứng trước người có chức vụ cao hay lớn tuổi hơn, anh cũng cảm thấy việc nói chuyện diễn ra khá thoải mái.

Từng có kinh nghiệm dạy học cho sinh viên, anh Nguyễn Xuân Việt không gặp nhiều khó khăn khi đứng lớp trước đối tượng là đồng nghiệp trong tập đoàn. Đi dạy với anh còn là cơ hội giúp giảng viên nhận ra kiến thức của mình không chắc ở đâu để củng cố kịp thời. Hơn thế, muốn dạy phải đọc thêm nhiều sách, biết thêm nhiều kiến thức để có thể chia sẻ và trả lời thắc mắc của học viên.

Anh Phạm Tùng Dương hoàn toàn đồng tình với đàn anh của mình. “Đi dạy giống như chính mình biết lại mình”. Nếu lĩnh hội được kiến thức mới chỉ là nấc số 1 của việc học, thực hành và ứng dụng được là đạt nấc số 2, thì nấc số 3 chính là dạy được cho người khác. Việc đi dạy cho phép anh được hệ thống hoá lại kiến thức của mình, hiểu chính những vấn đề mình đang làm, đặc biệt khi giải thích cho đối tượng có cách nhìn khác, nền tảng chuyên môn khác. 

“Hồi mới đi dạy, tôi từng nghe một trong những việc của giảng viên là giải thích được những điều phức tạp một cách dễ hiểu nhất có thể. Vì thế, tôi đã bắt đầu tập giải thích một cách đơn giản về kỹ thuật chuyên môn phức tạp, làm sao để những người không rành về chuyên môn cũng hiểu được".

Bên cạnh đó, việc dạy ở Đại học FPT không chỉ góp phần nâng cao tính thực tiễn cho giảng dạy còn giúp mang lại cho đơn vị nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vì khi giảng dạy, giảng viên hoàn toàn nắm được năng lực, tính cách của học viên, biết những ai có khả năng và có thể phù hợp với đơn vị, với FPT. Tại đơn vị anh Dương, luôn có từ 1/2 đến 2/3 quân số từng là học trò anh. Trong số này còn có một cặp vợ chồng xuất sắc đã giành các danh hiệu cao quý ở Tập đoàn FPT như Top 100, Top 13 FPT Under 35 là Ngô Thu Hồng và Trần Trung Hiếu.

“Hồi trẻ, cảm giác mình tựa như ếch ngồi đáy giếng khi đạt được thành tích này kia. Khi tham gia đào tạo, tôi thay đổi hẳn, tự thấy phải học liên tục, tự cảm thấy bản thân phải cố gắng” - anh Đặng Phương Phương cười.

Bên cạnh đối tượng chính là fresher - sinh viên năm 3 hoặc năm cuối, thực tập sinh, đối tượng học viên là người chuyển ngành từ nhiều ngành nghề như bác sĩ, luật sư, kỹ sư xây dựng, kế toán…còn mang lại cho anh những kiến thức thú vị khác. Tuy họ như tờ giấy trắng về công nghệ thông tin, lại tương đối có tuổi nên tiếp nhận kiến thức chậm hơn nhưng họ rất nghiêm túc học tập, khiến anh thấy công sức bỏ ra giúp được rất nhiều cho họ và chính anh cũng thấy mình học hỏi từ họ nhiều. “Trong giờ dạy thì là trainer - trainee còn ngoài giờ, chúng tôi học hỏi giao lưu, họ cho tôi kiến thức nhiều lĩnh vực khác. Nếu tôi không tham gia đào tạo sẽ không có được cơ hội và niềm vui đó”.

Anh Phương nhớ lại, sau khi tham gia đào tạo 6 tháng, sếp bảo: “Em chấm em bao nhiêu điểm? Anh cho là 6/10, trong đó 4 cho chuyên môn, 2 cho sự nhiệt tình bù qua kỹ năng sư phạm”. Sau 2 năm, điểm số này chỉ lên 7/10, một điểm thêm là điểm cải thiện kỹ năng trong quá trình đi dạy. Anh hiểu con số này không bao giờ đạt tối đa, vì vậy mình cần không ngừng cố gắng trau dồi kiến thức.

Không chỉ bản thân tiến bộ về kiến thức vì phải học tập từng ngày, cả về chuyên môn và cách thức truyền đạt, anh Phương còn cho rằng giảng dạy còn giúp mình thay đổi tâm tính, điềm tĩnh hơn, không dễ cáu gắt, thấu hiểu học viên để kiên nhẫn giải đáp thắc mắc. “Sự thấu hiểu và nhẫn nại giúp giao tiếp hằng ngày và các mối quan hệ xung quanh cũng thay đổi theo”.

Chị Kim Thị A Dine bổ sung, đào tạo vừa giúp chị có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như củng cố lại kiến thức của mình, vừa tăng thêm thu nhập cho bản thân cho phần đào tạo. Vì thế, làm giảng viên ở FPT là việc có lợi cho cả học viên, giảng viên và công ty.

Thế là, ngoài công việc chính, họ lại sắp xếp thời gian để đảm nhận một vai trò khác: soạn giáo án, chuẩn bị bản thuyết trình, video, infographic phục vụ bài giảng, ra đề kiểm tra, chấm bài, hướng dẫn làm đề tài tốt nghiệp… Tuy mỗi người có một phong cách giảng dạy riêng, nhưng họ luôn ý thức được về đạo đức nghề giáo, về sự tỉ mỉ, nghiêm túc với nghề, hướng đến hình ảnh giáo viên tận tâm, nhiệt tình, cầu thị và hiệu quả.

FPT là doanh nghiệp đặc biệt có văn hóa “người trong nhà” dạy cho nhau thay vì chỉ mời giảng viên bên ngoài về như các công ty khác. Tuy vậy, những người giáo không chuyên vẫn mang trong lòng trăm mối tơ vò vì sự nghiệp đào tạo: làm sao để giảm bớt khoảng cách giữa học tập và thực tế, làm sao để học viên áp dụng kiến thức ngay vào công việc, làm sao để việc học trở nên gần gũi và thành văn hóa ăn sâu trong mỗi người F?

Đặc thù phải hỗ trợ học viên online khiến chị A Dine hạn chế trong trao đổi. Theo chị, việc tương tác và hướng dẫn qua điện thoại đôi khi sẽ không diễn đạt hết ý, khiến học viên không nắm bắt đủ 100% kiến thức. Lúc này, chị và những cộng sự chỉ có thể làm hết sức, tận tình hết mình với mong muốn duy nhất, dược sĩ mới nhanh chóng nắm kiến thức và đầu việc của mình.

Còn với những người thầy đứng lớp, suốt buổi học đều tận tâm với học viên, để chuyện học và chuyện làm trở nên gần nhau hơn. Học viên áp dụng kiến thức vào thực hành nhanh chóng là thành công của người thầy.

“Mình không đề cao việc lên giảng đường phải ghi chép đầy đủ, bài thi điểm phải cao, chỉ cần bài tập và việc thầy cô giao phải hoàn thành. Như khi đi làm, chúng ta lên công ty không phải để điểm danh cho xong nhiệm vụ mà phải làm việc cho ra kết quả chất lượng. Đi học tuyệt đối không đạo văn, chép sách cho xong mà phải tự lực, tự học và tự phát triển”, anh Dương khẳng định.

Cũng trong ngành an toàn thông tin, anh Dương nhận ra có khoảng cách nhất định giữa học ở trường và đi làm. Sinh viên khi bước chân vào môi trường doanh nghiệp vẫn phải huấn luyện lại dù nhà trường luôn cố gắng xây dựng chương trình học sát thực tế nhất có thể.

“Biết được vấn đề này, một trong những điều tôi mong muốn là thực dạy - thực nghiệm cho sinh viên, cố gắng rút ngắn tối đa khoảng cách giữa học và làm trong mỗi lứa đào tạo”, anh tâm niệm.

Đây cũng là trăn trở của “anh thầy quốc dân FA” Đặng Phương Phương. “Làm sao để thu ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế trở thành câu hỏi thường trực trong đầu tôi. Một chương trình đào tạo mất nhiều thời gian để chọn lọc nội dung nhưng ngành IT thay đổi liên tục khiến chương trình học cũng lỗi thời nhanh. Vì vậy, làm sao để chương trình đào tạo phải sát thực tế, kết hợp trong - ngoài, dựa vào khóa học online, nêu cao tinh thần tự học, áp dụng AI trong đào tạo… là những gì mà mình đang cố gắng định hướng phát triển cho học viên của mình”, anh Phương tâm tư.

Những thầy cô giáo nhà F đều nhận ra rằng, ngay sau khi đào tạo lý thuyết, học viên phải vào làm thực tế dựa trên mô phỏng về công việc, dự án thì mới hình dung dễ và nắm việc nhanh.

Càng trăn trở cho đào tạo, giảng viên nhà FPT càng sáng bừng lên hình tượng một người thầy tâm huyết với nghề và sự nghiệp trồng người. Lửa nhiệt huyết vẫn cháy trong mỗi giảng viên nhà F và hơn thế, họ đang truyền lửa cũng như văn hóa học và sẻ chia suốt đời cho các thế hệ tiếp nối.

Dung An

Thiết kế: Sơn Thạnh

Ý kiến

()
 
Tags: