Chúng ta
Thứ năm, 18/8/2022 | 09:18 GMT+7

Hiệp hội ở FPT: Vui tưng bừng hay lưng chừng?

Hơn một năm rưỡi sau khi thành lập, chính thành viên các ban chấp hành và đơn vị bảo trợ thừa nhận thực trạng hoạt động của một số hiệp hội không như kỳ vọng.

Hiệp hội ở FPT: Vui tưng bừng hay lưng chừng?

Hơn một năm rưỡi sau khi thành lập, chính thành viên các ban chấp hành và đơn vị bảo trợ thừa nhận thực trạng hoạt động của một số hiệp hội không như kỳ vọng.

Chuyện kể rằng,

Làng Phọt nọ vốn nức tiếng trong vùng với văn hóa riêng không lẫn vào đâu, đời sống tinh thần dân làng vô cùng phong phú. Những năm gần đây, ngày càng nhiều hoạt động văn nghệ thể thao du nhập, thu hút đông đảo bà con.

Trưởng làng bèn quyết định lập hội cấp làng, tạo cơ hội cho những nhóm dân làng cùng sở thích tụ họp, sinh hoạt chung. Làng có thể rót một số vốn tài trợ, với hy vọng tinh thần, sức khỏe cả làng sẽ đi lên, trẻ em được chăm sóc tốt, nâng cao cả hình ảnh làng Phọt ra bên ngoài…

Cuối năm 2020, các hiệp hội cấp Tập đoàn FPT được rầm rộ thành lập, dưới sự bảo trợ của Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT.

Ngày 7/10, Hiệp hội Chạy FPT (FPT Run) - tiền thân là CLB FPT Runner, cùng Ban Chấp hành (BCH) lâm thời chính thức ra mắt người nhà F toàn thế giới qua livestream trên các nền tảng từ 3 điểm cầu.

FPT Run đặt mục tiêu rà soát toàn bộ CLB/hội nhóm chạy bộ nhà F; hợp tác giữa Hiệp hội và các giải chạy của VnExpress; phối hợp ngành dọc Văn hóa - Đoàn thể khởi động các giải chạy nội bộ; tổ chức đào tạo về kiến thức dinh dưỡng, kiến thức thể thao; hỗ trợ hội viên tham gia các giải chạy toàn quốc...

Trưa 6/11, Hội Nghệ sĩ FPT cũng “ chào sân” với một chương trình livestream đầy nghệ thuật, thu hút 2.000 lượt theo dõi trên các nền tảng. Hội được kỳ vọng là nơi nghệ sĩ FPT thỏa sức sáng tạo, trao đổi, bàn luận về nghệ thuật, là nơi đăng tải các tác phẩm để công chúng biết đến rộng rãi hơn. Không chỉ vậy, Hội còn là "cầu nối thế hệ", nơi các nghệ sĩ gạo cội gửi gắm những kinh nghiệm về âm nhạc, nghệ thuật, STCo cho nghệ sĩ trẻ, giúp họ nuôi dưỡng, phát triển văn hóa đầy sắc màu của FPT.

Trước đó, FPT mới chỉ có một số ít hình thức tập hợp và tôn vinh đội ngũ nghệ sĩ như Lục viện (6 viện sĩ STCo), Bát tiên (8 cá nhân có đóng góp rất lớn), Thập tam quỷ (13 cá nhân nổi trội, khuynh đảo đời sống văn nghệ những năm đầu thế kỷ 21). Việc thành lập Hội Nghệ sĩ được coi là lần đầu tiên các nghệ sĩ nhà F chính thức có tổ chức để hoạt động mạnh mẽ, bài bản hơn.

Rầm rộ không kém là sự kiện thành lập Hội Nhiếp ảnh FPT, với sự tham dự của đích thân Chủ tịch FPT Trương Gia Bình - người quyết định sẽ “rót vốn” 500 triệu đồng để giúp Hội phát triển. Với định hướng "chuyên nghiệp rõ ràng", Hội Nhiếp ảnh FPT được kỳ vọng trở thành nơi từng thành viên nâng cao chất lượng và kỹ năng nhiếp ảnh.

Hội nhận trách nhiệm hỗ trợ thành viên thể hiện đam mê, phát triển tài năng và lan tỏa giá trị của nghệ thuật nhiếp ảnh trong FPT và bên ngoài xã hội. Hội cũng đặt mục tiêu đảm bảo về tác quyền và nhuận ảnh cho những người "vẽ bằng ánh sáng" trong phạm vi tập đoàn; hỗ trợ các thành viên có thu nhập thông qua việc thương mại hóa các sản phẩm về ảnh trên các nền tảng trực tuyến.

Trong không khí náo nức ấy, Hội Cha mẹ FPTSmall cũng ra mắt, với mong muốn tập hợp CBNV FPT có mong muốn chăm sóc cho FPTSmall (con cái người F) phát triển toàn diện về tinh thần và thể chất, giúp người FPT có cuộc sống gia đình hạnh phúc.

Hội lập kế hoạch hoạt động ở quy mô toàn FPT và được chia nhỏ thành các chi hội theo CTTV hoặc theo các câu lạc bộ sở thích; kết nghĩa, giao lưu với các tổ chức tương tự hoặc liên quan bên ngoài nhằm phục vụ mục tiêu chung. Hội đặt mục tiêu tổ chức ít nhất một sự kiện/cuộc thi lớn toàn Tập đoàn; khen thưởng học sinh giỏi hằng năm; phát triển và quản trị chung Group/Forum… 

Ngay sau khi ra mắt, Hiệp hội Chạy FPT tổ chức loạt thử thách, cuộc thi, không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn mang giá trị nhân văn như chạy gây quỹ ủng hộ miền Trung, Tết Running Challenge… Việc thiết kế logo, nhận diện thương hiệu, đồng phục cho Hiệp hội cũng được hoàn thành.

Hội Nhiếp ảnh cũng công phu cho ra đời triển lãm “Sắc màu cuộc sống” offline kết hợp online, cuộc thi và triển lãm "Ký ức FPT" dịp 13/9/2021, một số workshop offline tại Hà Nội và TP HCM, kêu gọi thành viên tham gia sự kiện bên ngoài như Canon Photomarathon, Triển lãm ảnh báo chí quốc tế…

Năm 2021, Hội Cha mẹ FPT Small tổ chức thành công 6 buổi workshop trực tuyến, 2 cuộc thi ảnh "Happy Summer", "Vui khỏe mỗi ngày" cho FPT Small.

Sau chương trình nghệ thuật ra mắt, Hội Nghệ sĩ cho ra đời chương trình "Quán xưa" - sau này đổi thành "Quán quen". Các hoạt động còn lại của Hội chủ yếu gắn với sự kiện của từng đơn vị và tập đoàn.

“Sau quá trình hoạt động, Hiệp hội Chạy vẫn đang giữ lửa và hoạt động tích cực, còn lại không phát triển được, hoặc dậm chân tại chỗ hoặc không có hoạt động gì” - chị Nông Hương Ly - Trưởng Ban Văn hoá - Đoàn thể FPT (FUN) thừa nhận.

Còn ở Hội Nghệ sĩ, như một thành viên chia sẻ, "hoạt động hội chủ yếu đi theo hoạt chung với công ty như 13/9, Top 100, do các ‘anh cả’ dẫn dắt, các thành viên chưa có hoạt động gì nhiều. Các chương trình cũng gói gọn trong khu vực Hà Nội, phát online ra cả nước với 3 số Quán xưa/Quán quen. Vùng khác chưa được thực sự tham gia".

Thành viên Hội Nhiếp ảnh vẫn thường xuyên đăng ảnh trên nhóm Workplace Nhiếp ảnh FPT - kênh sinh hoạt của hội. Tuy nhiên BCH gần như "biến mất". Dự định offline 3 miền từ những ngày đầu mãi chẳng thấy đâu. Có thành viên đã lên tiếng thắc mắc về điều này trên nhóm Workplace, cũng như vài bận lên tiếng than Hội "trầm lắng quá". Các kế hoạch đào tạo, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm hội viên… cũng vẫn chưa được thực hiện. Cuộc thi ảnh - triển lãm và workshop cuối cùng cũng đã từ gần một năm trước (lần lượt tháng 7 và tháng 9/2021).

"Từ ngày biết Hội có thấy Hội tổ chức offline lần nào đâu. Tôi hy vọng BCH có thể dành chút thời gian góp ý cho những bức ảnh mọi người chụp chia sẻ lên trang để anh em mới chơi có thêm kinh nghiệm. Đã lập hội có nghĩa là phải có tổ chức nên rất cần BCH theo dõi rồi góp ý bình luận cho các bức ảnh đẹp hay chưa để hội viên được học hỏi thêm" - anh Phạm Ngọc Quang ý kiến.

Hội Cha mẹ FPTSmall được đánh giá là vẫn đạt mục tiêu đề ra từ đầu "tổ chức ít nhất 1 sự kiện/cuộc thi lớn toàn tập đoàn hằng năm". Các hoạt động như khen thưởng học sinh giỏi vẫn được thực hiện. "Chỉ vướng dịch nên không tổ chức được giao lưu offline, nhưng các công tác khác như tổ chức cuộc thi hay chăm lo cho các cháu vẫn làm được" - chị Trần Thu Hà, Chủ tịch Hiệp hội kiêm Chánh Văn phòng Đảng - Đoàn thể FPT, chia sẻ. 

Hiệp hội Chạy FPT vẫn tỏ ra "xôm tụ" trên cả nhóm Workplace Hiệp hội FPT Run và hoạt động khác với việc tung thử thách thường xuyên kể cả trong mùa dịch như chạy mùa dịch, chạy săn số đẹp dịp sinh nhật FPT 13/9, cuộc thi viết "Runner nhà F kể chuyện" và ảnh "Khoảnh khắc FPT Run" năm 2021 rồi chạy đồng hành F0, FPT Run Open tháng 3 và tháng 7 năm nay. Hội cũng hợp tác mượt mà với các giải chạy VnExpress Marathon để đem đến cho thành viên những cơ hội mua BIB giảm giá. Chỉ có điều, hoạt động offline vẫn còn hạn chế.

Nhìn nhận về tình hình hoạt động không như ý của một số hội, các ủy viên BCH cũng như thành viên hội tự chỉ ra một số vấn đề tồn tại. Trước hết, có hai lý do mang tính khách quan, gồm ảnh hưởng của dịch Covid-19 và biến động nhân sự BCH hội.

Đại dịch bùng nổ khiến những buổi giao lưu, họp mặt trực tiếp không thể diễn ra. Việc kết nối thành viên và giữ vững tinh thần của các hội gặp nhiều rào cản. Trong khi runners vẫn đạt mục đích rèn luyện sức khỏe, nâng cao thành tích cá nhân khi tham gia các thử thách chạy online thì việc không thể giao lưu offline trở thành một thử thách tương đối lớn với Hội Nghệ sĩ và Nhiếp ảnh.

Biến động nhân sự cũng là một yếu tố mà BCH các hội không lường trước khi mới thành lập. Sự ra đi hay tạm nghỉ của một số thành viên khiến các hội gặp bối rối, thiếu người thay thế. Cá biệt, gần như toàn bộ BCH Hội Nhiếp ảnh đã rời vị trí.

"Dịch kéo dài gần hai năm, thành ra chưa bao giờ được "nóng". Ban BCH Hội Nhiếp ảnh có nhắc nhở nhau tổ chức hoạt động offline Bắc - Trung - Nam nhưng do dịch nên không làm được. Cuối cùng chỉ có một số workshop, mấy cuộc thi online. Năm nay dịch giảm thì BCH tan rã" - anh Nguyễn Trung Hiền (FPT Software), cựu uỷ viên BCH Hội Nhiếp ảnh FPT trải lòng.

"Hai thành viên trong BCH Hội Nhiếp ảnh thời gian qua có giai đoạn nghỉ sinh. Sau một triển lãm có 2-3 anh xin rút. Mọi người cứ rút ra từ từ” - Phan Quỳnh Mai (BCH Hội Nhiếp ảnh) kể.

Anh Trương Quý Hải - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ trầm ngâm: "Thực trạng hoạt động của Hội chưa giống với tưởng tượng của tôi. Hội ra đời ngay thời điểm dịch, bước đầu khó khăn và Hội chưa nghĩ ra mô hình hay hơn. Chương trình giao lưu trực tiếp chuyển sang online nhưng hiệu quả không cao”. Năm nay, dù tình hình dịch bệnh đã ổn, Hội vẫn rất thận trọng nên các hoạt động vẫn chưa đẩy mạnh sang offline. Thêm đó, BCH biến động do nhân sự thay đổi vị trí, công tác nên chưa kiện toàn.

Trong khi biến động nhân sự và ảnh hưởng dịch bệnh có thể coi là khách quan, vấn đề chính được cho là nằm ở cơ chế, quản lý và con người. Chính những yếu tố này khiến một số hội không tìm được lớp nhân sự thay thế, gây ra loay hoay, ngưng trệ hoạt động trong thời gian tương đối dài dù dịch bệnh đã rời xa. "Tình trạng sao nhãng và mất lửa trong việc sinh hoạt hội do hạn chế trong việc giao lưu trực tiếp là một phần, còn lại xuất phát từ các vấn đề đến từ BCH hội, là vấn đề về con người, cơ chế" - chị Nông Hương Ly thẳng thắn.

Vai trò Chủ tịch và ủy viên BCH các hội, đương nhiên, chỉ là kiêm nhiệm. Tuy có cùng sở thích và mong muốn phát triển hội, công việc chính của họ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Khi hoạt động chững lại, những thành viên quan trọng như cố vấn cũng không có cơ hội thể hiện vai trò. Cạnh đó, BCH được chọn là những người giỏi chuyên môn nhưng quản lý, tập hợp lực lượng không phải thế mạnh. 

Hiện cũng không có cơ chế nào ghi nhận đóng góp của CBNV cho các hiệp hội khiến việc "lôi kéo" lớp kế cận gặp khó khăn. Thiếu hoạt động giao lưu khiến BCH thế hệ đầu tiên - đều là "lớp tinh hoa" được phát hiện qua thời gian dài - cũng chưa đủ hiểu hội viên và nhìn ra được nhân sự thay thế tiềm năng.

"BCH toàn bận quá. Chủ tịch Hội năm ngoái từ Đức có về Việt Nam nửa năm lại cũng phải lo việc cá nhân. Tôi thấy cố vấn còn rút trước cả BCH, không biết có tương tác như thế nào nhưng không thấy có trong các nhóm trao đổi. Trước tôi, có bạn khác được đề xuất vào BCH nhưng không theo được, tôi được thêm vào, thỉnh thoảng góp ý chứ công việc cũng bận rộn" - anh Nguyễn Trung Hiền giãi bày.

Anh Hiền cho rằng, Chủ tịch các hội không cần chuyên môn nhiều nhưng nên biết cách tổ chức, quán xuyến quản lý, liên kết các nhóm với nhau. Người giỏi chuyên môn làm cố vấn chuyên môn sẽ hợp hơn. Về tổ chức, phân chia công việc cần người kiểu khác. "Tôi nghĩ là FUN sẽ làm việc tổ chức tốt hơn, vì người trong FUN nắm được tinh thần công ty, có bộ máy để lôi kéo".

“FUN không nên tập trung nhiều nguồn lực cho hội. Hội phải tự sống, tự chơi, dùng chính chuyên môn và thế mạnh để tự phát triển. Chúng tôi chỉ nên là hậu cần phía sau, hỗ trợ chi phí hay đề xuất khen thưởng, giấy tờ hành chính, văn phòng tổ chức… Mỗi hội có chuyên môn khác nhau, cán bộ Văn hóa - Đoàn thể không phải ai cũng có chuyên môn đó” - chị Nông Hương Ly đưa ra góc nhìn khác.

Loay hoay giữa các vấn đề, lớp kế cận thay thế không có, hội như trở thành "rắn mất đầu", mất phương hướng khi BCH biến động. "Các thành viên BCH sau khi rời đi cũng cảm thấy khá áy náy và muốn họp lại để bàn giao, nhưng không biết bàn giao cho ai" - Phan Quỳnh Mai chia sẻ.

Bên cạnh sự điều phối "từ trên xuống" thì sự ủng hộ "từ dưới lên" cũng rất quan trọng. Đã là hội, không khí chỉ thực sự vui khi có đông đảo anh em hội viên tham gia. Nhưng đa phần chuộng hội nhóm, câu lạc bộ của đơn vị, mang tính nhỏ lẻ hơn là cấp tập đoàn quy mô chục nghìn người. Họ sẵn sàng tham gia trận đá bóng hay kéo nhau chụp ảnh, hò hát nội bộ nhưng khi bước chân ra tập đoàn, nhiều cá nhân lập tức lắc đầu.

"Một hôm, tôi có rủ anh kia đi nhậu với anh em tập đoàn. Nhưng hôm đó anh cũng có lịch ăn chơi với các anh em phòng ban dưới đơn vị. Rốt cuộc anh bảo đây là dịp quan trọng, anh đi với văn phòng toàn anh em thân quen, sếp trực tiếp, chứ trên tập đoàn chả biết ai” - Ngọc Quý (FPT HO) nhún vai. “Muốn thu hút họ, những người làm phong trào văn hóa phải tạo nhiều chương trình mang sức hút hơn, nhất là với thế hệ trẻ ngày càng đông, để người khác nhìn vào muốn tham gia cùng chứ không phải e ngại".

Theo nhận định của chị Nông Hương Ly, bản thân BCH chưa đưa ra lợi ích nên sự hưởng ứng từ dưới lên chưa được cao. “Họ cảm thấy không học tập được gì, và sẽ thích chơi hội ở đơn vị hơn". Anh Nguyễn Trung Hiền nói thêm: "Từ góc độ thành viên, hội có thì chơi cho vui, không có cũng chả sao. Nếu có hoạt động bổ ích thì mong tiếp tục tồn tại, còn giờ các group đầy rẫy, kết nối vẫn tốt. Cần gì đó mang đặc trưng hội FPT hơn".

Hội Cha mẹ FPTSmall là trường hợp đặc biệt khi mang trong mình chức năng và vai trò tương tự Công đoàn. "Nòng cốt Hội Cha mẹ FPTSmall là công đoàn, lấy bộ máy công đoàn vì khả năng, kinh nghiệm đội này mạnh nhất. Thành ra đâu đấy vẫn những người đấy, vai trò như vậy. Không nhất thiết khoác áo mới cho nó" - chị Trần Thu Hà kết luận.

Theo chị, nếu để đơn vị thành viên có các hội cha mẹ, hội gia đình… chăm lo các cháu từng đơn vị sẽ tạo nhiều hoạt động và tích cực hơn là tập trung vào hiệp hội phụ huynh cấp tập đoàn. "Để trên tập đoàn lập hiệp hội xong lại phải tổ chức cho đơn vị, việc tham gia bị động, không hiệu quả, mọi người không hứng thú lắm. Khi đơn vị tự tổ chức một hoạt động offline, mọi người quen biết nhau sẽ cùng tham gia vui hơn". Chính vì thế, chị Hà cho biết từ 2022, FUN đề xuất các hoạt động của Hiệp hội cha mẹ cấp FPT không nhất thiết duy trì mà vẫn để Công đoàn đảm đương.

Một số lý do khác cũng được đưa ra giải thích cho thực trạng hoạt động không như ý ở một số hội, như: nhiếp ảnh, sáng tác là môn mang tính cách cá nhân, khó tạo liên kết mạng lưới; kinh phí chỉ được tài trợ cho giải thưởng, không có khoản cho vận hành, tổ chức nên thành viên BCH đôi khi phải tự bỏ "tiền túi".

Hiện vẫn có 2 luồng ý kiến, một bên cho rằng hội muốn sống phải "tự nuôi", chẳng hạn như thu hội phí hội. Luồng ý kiến còn lại cho rằng nếu mục tiêu là từ tổ chức thì tổ chức cũng phải có một khoản mang tính chất hỗ trợ. "Tiền không phải cứ rót là hội sống, nhưng nếu không có tiền cũng như đi tiệc mà không có váy áo đẹp" - chị Nông Hương Ly nói. 

Nhìn vào thực tế hoạt động, các hội có thể học tập gì ở Hiệp hội Chạy FPT - “hình mẫu” có hoạt động tích cực nhất thời gian qua? Bên cạnh yếu tố đặc thù như bản chất hoạt động chạy bộ là môn thể thao gây nghiện, anh em cởi mở, dễ kết bạn, BCH không nhiều biến động, Hiệp hội Chạy được đánh giá cao ở cách BCH tập hợp lực lượng, vận hành hội.

Anh Đoàn Trần Duy Hải (FPT Telecom), thành viên Hiệp hội Chạy, chia sẻ: "Mọi người tham gia hội khá vui, đông đủ. Chủ tịch rất nhiệt tình hỗ trợ anh em. BCH thường xuyên nghĩ ra ý tưởng thử thách, thỉnh thoảng viết bài về kiến thức và thường có động viên anh em kịp thời".

“Chủ tịch chạy không quá xuất sắc nhưng kết nối con người tốt. Những bình luận ‘cà khịa’, thường xuyên tương tác, chia sẻ trên workplace của BCH cùng các thành viên là cách để tạo không khí gần gũi trong hội nhóm” - anh Nguyễn Trung Hiền, Hội Nhiếp ảnh, đánh giá.

Nhìn vào bài học từ Hiệp hội Chạy, anh Hiền đề xuất: “Chủ tịch chỉ cần có máu chụp, chưa biết gì cũng chụp, chụp xấu cũng được, đăng ảnh bị chê cũng được nhưng tạo được diễn đàn sôi động, kết nối rất tốt với anh em trong hội”. Ngoài ra, anh mong muốn xây dựng một tổ chức có tầm hơn từ việc phổ cập kiến thức nhiếp ảnh cơ bản, kết hợp công nghệ theo thế mạnh nhà F, tạo điểm nhấn và khác hoàn toàn các nhóm bên ngoài…

"BCH Hội Nhiếp ảnh đã trao đổi và đồng tình nên tinh gọn lại và tốt nhất phải có cán bộ chuyên trách FUN. Dưới đó là các đội cộng tác viên, có thể thay đổi thường xuyên, có lợi ích, được ghi nhận. Chỉ cần đội nòng cốt vạch ra các hoạt động chính, tìm thêm CTV mới để hỗ trợ công tác tổ chức”, anh Hiền nói.

Chị Nông Hương Ly cho biết Hội Nhiếp ảnh dự định “chuyển mình” ở quý III và tìm hạt nhân thay thế. Hội sẽ không áp chỉ tiêu mà để nhân viên tự đăng ký và hoạt động, tổ chức triển lãm quy mô tập đoàn và bên ngoài, tạo cầu nối để anh em trong hội tham gia chụp ảnh cho sự kiện của công ty…

Về phần Hội Nghệ sĩ, Hội ấp ủ đứa con tinh thần là Nhà hát FPT, tập hợp thành viên có năng khiếu về ca hát, múa để đào tạo và giao lưu, thực hành trực tiếp qua chương trình của tập đoàn, công ty thành viên. Hơn hết, thành viên tham gia sẽ có quyền lợi là thù lao sau mỗi chương trình.

“Trước đó, thành viên của hội được ‘săn’ qua sản phẩm tự sáng tác, thực hiện. Đó là những người có chuyên môn, nền tảng, anh em nghiệp dư vẫn chưa có sân chơi. Chúng tôi sẽ gây dựng như cách mình dựng đoàn văn công ngày xưa, thông qua nó để tập hợp thành viên bằng cách xây dựng chương trình đào tạo bài bản như tạo sân thi đấu, casting...”, chị Ly chia sẻ.

Nếu 3 hội trên tìm cách khẳng định (lại) tên tuổi trong đại gia đình FPT thì Hội cha mẹ dự định trở về “nhà chung” Công đoàn. Các buổi workshop, hội thảo sẽ để công đoàn tổ chức và giao cho đơn vị chủ trì thay vì giao quyền cho hiệp hội như trước kia. “Chúng tôi muốn cùng tổ chức sinh hoạt với nhau chứ không phải xây dựng nên một bộ máy phục vụ con người. Do đó, để lan rộng sự kết nối, ‘trăm hoa đua nở’ thì nên chia về đơn vị để họ dễ tụ tập và tổ chức sự kiện”, chị Hà nhấn mạnh.

Năm nay, chị Hà cho biết, các hoạt động hè sẽ tổ chức trực tiếp 3 miền như thi chạy để gây quỹ. Đồng thời, tổ chức thêm các hoạt động ngoài thể thao để các con không thể chạy được vẫn góp sức và tham gia cùng.

Để duy trì sự ổn định và hiệu quả của các hiệp hội, chị Nông Hương Ly nhấn mạnh cần có cơ chế cho CBNV tham gia vào BCH các hiệp hội, qua đó thúc đẩy nhân sự lớp kế cận, đồng thời cũng cần làm rõ giá trị mà Hiệp hội có thể mmang lại cho các hội viên. 

“Nếu vận hành tốt các hội, sẽ gây tiếng vang không chỉ trong nội bộ mà còn bên ngoài, tạo được sân chơi lý tưởng để thành viên cùng giao lưu, vui khỏe và gắn kết", chị Nông Hương Ly kết lời.

Dịch bệnh qua đi, dân làng Phọt lại ấm êm làm lụng. Sáng dắt trâu ra đồng, tối dắt trâu về nhà. Ngày nối tiếp ngày, chuyện ăn không phải lo nhưng đời sống tinh thần lại có phần đi xuống.

Thấy thế, bà con hô hào dựng lại mấy trò tiêu khiển, bọn trẻ góp sức quyết làm "ra ngô ra khoai" lần này. Dù chưa thành hình, nhưng khí thế cũng đôi chút mạnh bạo hơn xưa.

Dân làng ngóng chờ. Chờ một không khí thật "vui như hội".

Dung An

Thiết kế: Lê Mai

Ý kiến

()
 
Tags: