Chúng ta
Thứ hai, 22/11/2021 | 08:30 GMT+7

EduNext - cuộc ‘cách mạng’ dạy và học trực tuyến tại FPT

Đưa triết lí giáo dục ứng dụng vào nền tảng công nghệ, FPT đang tiên phong kiến tạo phương pháp dạy học mới với sự ra đời của nền tảng học tập EduNext - nơi sinh viên thay đổi thói quen học trực tuyến, phát huy tính tự học, gia tăng tương tác, sáng tạo và làm chủ kiến thức.

EduNext - cuộc ‘cách mạng’ dạy và học trực tuyến tại FPT

Đưa triết lí giáo dục ứng dụng vào nền tảng công nghệ, FPT đang tiên phong kiến tạo phương pháp dạy học mới với sự ra đời của nền tảng học tập EduNext - nơi sinh viên thay đổi thói quen học trực tuyến, phát huy tính tự học, gia tăng tương tác, sáng tạo và làm chủ kiến thức.

Không còn cảnh “thầy giảng trò nghe”, cô Phạm Thuỳ Trang (Giảng viên Đại học FPT Đà Nẵng) gọi lớp của mình là lớp học “bận rộn”. Kể từ khi áp dụng phương pháp Kiến tạo xã hội, cả cô và trò đều phải tương tác liên tục. Trong không gian ảo mà EduNext tạo ra, đúng là lớp học của cô Trang đã có màn lột xác đáng kể. 

Cũng theo cô Phạm Thuỳ Trang, phương pháp giáo dục mới đã giúp sinh viên chủ động hơn. Chỉ khi rơi vào cảnh bận rộn, sinh viên mới giảm đi những hoạt động gây sao nhãng. 

Đặc biệt, với EduNext, những điều trước giờ ít khi được nhắc đến thì nay lại là chủ đề tranh luận sôi nổi, là ví dụ trực quan, lồng ghép vào mỗi bài học. 

Các em thẳng thắn đề cập Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu), bức tranh về chống dịch Covid tại Việt Nam hay câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ… 

“Tôi nhận ra sinh viên bắt đầu cởi mở hơn trong việc chia sẻ và đặt câu hỏi. Các bạn chủ động nêu lên những vấn đề đang được xã hội quan tâm, đó là sự thay đổi tích cực. Thậm chí, chính đội ngũ giảng viên chúng tôi cũng đang thay đổi để cùng các em hình thành phương pháp học tập mới”, cô Trang nói.

Thay vì dùng Zoom hay Google Meet, giờ đây sinh viên nhà F có hẳn một nền tảng riêng biệt, chỉ cần truy cập Edunext.vn để học trực tuyến. Ngoài những tính năng tương tự như các nền tảng hiện có, sản phẩm do FPT tạo dựng còn tích hợp những đặc thù như: đánh giá bằng vote; chat/ video trực tiếp; chia nhóm bài tập; lưu trữ tài liệu...

EduNext đang là công cụ phục vụ yêu cầu dạy và học theo phương pháp Kiến tạo xã hội - nơi đề cao tính tự học, khuyến khích phản biện và hạn chế tối đa lối giảng "đọc - chép" truyền thống.

Từ kỳ Summer 2021, sinh viên Đại học FPT đã chính thức được học trên nền tảng mới. Thống kê qua ứng dụng cho thấy, 18.000 sinh viên nhà F truy cập thường xuyên vào nền tảng này.

Vũ Mai Trang, sinh viên khoá 15 ngành Kinh doanh Quốc tế - Đại học FPT, nhìn nhận phương pháp mới này đã giúp người học làm việc nhóm nhiều hơn, bày tỏ ý kiến cá nhân và nhận đánh giá từ các bạn khác trong lớp. Theo Trang, chính yếu tố tương tác, phản biện đã khiến lớp học online không còn nhàm chán, thay vào đó là sự sôi nổi, sẵn sàng bảo vệ ý kiến của mình tới cùng.

Từ ngày đầu làm quen với EduNext, Trần Phương Nhật Chung, sinh viên ngành Quản trị Truyền thông đa phương tiện - Đại học FPT Hà Nội, đã rất thích thú với tính năng “vote sao” trên nền tảng mới. Cô nàng cho rằng, việc đánh giá bằng tương tác làm tiết học sôi nổi hơn hẳn. Mỗi thành viên đều cố gắng đưa ra câu trả lời hay, sáng tạo để nhận được nhiều điểm.

Nhật Chung cho hay, học EduNext, sinh viên phải suy nghĩ liên tục. Một tiết học mang tính cởi mở đã hình thành nên thói quen học tập mới, khiến cô nàng dành toàn bộ thời gian tập trung vào bài học. 

Còn với thầy Đặng Quang Hiển, thay đổi dễ thấy nhất chính là việc sinh viên tự chủ động bật camera khi tham gia lớp học. Tại đây, các em đều trong trạng thái sẵn sàng đối đáp, phản biện nên luôn để camera và bật/tắt micro liên tục. 

Theo anh Phan Trường Lâm, Trưởng Ban Đào tạo Đại học FPT, EduNext đã đem lại những chuyển biến tích cực sau một thời gian triển khai thí điểm. Sinh viên làm việc nhiều hơn kể cả trước, trong và sau giờ học với tâm thế chủ động.

Anh nhìn nhận, với nền móng đào tạo giáo dục và thế mạnh của một Tập đoàn công nghệ, FPT đã mạnh dạn "làm khác", kết hợp triết lý và ứng dụng công nghệ thông tin - tạo ra EduNext bằng những khát vọng thay đổi.

Một ngày giữa tháng 6 năm 2020, khi vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội vào Cần Thơ, “ông trùm” coder nhà F Cao Văn Việt nhận được email từ COO FPT Software Trần Đăng Hoà, đính kèm theo đó là tập tài liệu khá dài, “mơ hồ” nói về một giải pháp giáo dục có tên EduNext.

2 ngày sau, trong một cuộc họp có lãnh đạo Tập đoàn và những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục, Chủ tịch Trương Gia Bình dần phác thảo những bước đầu tiên về sự thay đổi mang tính “cách mạng” mà FPT sắp áp dụng.

Có trong tay hướng đi và chiến lược phát triển, nhưng muốn học thuyết này chuyển tải đến hàng vạn sinh viên, giảng viên của Đại học FPT thì không thể “nói suông”. Đó là yêu cầu cấp bách phải xây dựng nền tảng EduNext – đưa phương pháp Kiến tạo xã hội cụ thể hoá thành một sản phẩm công nghệ.

Không chút chậm trễ, anh và các cộng sự tại FPT Software bắt tay ngay vào việc, đảm nhận công đoạn xây dựng, phát triển sản phẩm. Đại học FPT chịu trách nhiệm triển khai. Đặc biệt, EduNext còn cần đến các thầy cô tham gia trải nghiệm và đóng góp dữ liệu liên tục cho sản phẩm.

Sau thời gian "vừa xây vừa chỉnh", EduNext đã hoàn thiện một cách nhanh chóng, đáp ứng cùng lúc hàng vạn người dùng. Nền tảng được tích hợp công cụ chat (cuộc trò chuyện) và video call (cuộc gọi video) vào trong chính không gian học. Điều này rất ít thấy ở các sản phẩm trên thị trường. Trước đây, giáo viên muốn trò chuyện với học sinh cực phải dùng nền tảng thứ 3 (Zalo, Facebook...) nhưng với EduNext, mọi thứ đều được tích hợp một cách gần gũi, đơn giản.

Đặc biệt, để hướng đến việc học kiến tạo, sản phẩm còn có tính năng thảo luận và đánh giá chéo cho mỗi câu hỏi. Tính năng này hiện được áp dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) để phân phối nội dung phù hợp với người dùng.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, Cao Văn Việt nhận thấy EduNext thực sự là một phương pháp học thú vị, tích cực, hào hứng và đầy năng lượng. Nó khác xa với những gì ngày trước anh từng được học. Khác cả phương pháp giảng dạy phổ biến hiện nay của các trường đại học, cao đẳng.

Anh mô phỏng EduNext một cách ngắn gọn, với cách học cũ, sinh viên sẽ nghe giảng từ thầy giáo hoặc từ bài giảng video quay sẵn, rất nhanh chán và chỉ tiếp cận được kiến thức từ người dạy. Còn với cách học kiến tạo, sinh viên được tương tác, phản biện với những người cùng học. Tất cả sẽ được tích hợp bằng công cụ. Sinh viên tiếp thu kiến thức không chỉ từ người thầy mà còn từ rất nhiều nguồn khác, qua đó dần dần xây dựng nên kiến thức của bản thân.

Ngoài ra, EduNext còn là sự kế thừa của CodeLearn – nền tảng học lập trình trực tuyến made by FPT với hàng trăm nghìn người dùng hiện nay. Cao Văn Việt – người “thổi hồn” làm nên CodeLearn, khẳng định bên trong EduNext chứa đựng tất cả những gì CodeLearn có, nhưng bổ sung thêm rất nhiều tiện ích mới.

Phương pháp Kiến tạo xã hội là câu chuyện “không mới” tại FPT. Chính Chủ tịch Trương Gia Bình đã thừa nhận: “Học thuyết Kiến tạo đã làm nên tôi và FPT ngày hôm nay”.

Từ những ngày đầu xây dựng, anh Bình đã có khát khao đưa FPT Education mang đậm dấu ấn của ngôi trường giáo dục trải nghiệm. 

Vì vậy, nếu trước đây sinh viên thường trong tâm thế “phải học” thì giờ đây, phải tạo dựng cho sinh viên tâm thế “muốn học”. Bằng tầm nhìn và tâm huyết với giáo dục, anh Bình dẫn dắt đến học thuyết Social Constructivism - Kiến tạo xã hội, và tin tưởng rằng, đây sẽ là bước “đột phá” tạo ra sự khác biệt trong dạy và học mang thương hiệu nhà F.

Với một môi trường đề cao việc “làm khác”, sự thay đổi là hướng đi tất yếu để phát triển một cách bền vững. 

Đặc biệt, những ảnh hưởng của đại dịch Covid và khó khăn đến từ việc học trực tuyến càng thôi thúc FPT quyết tâm phải làm.

Cũng là một người kiên định với hướng đi mới này, anh Lê Trường Tùng, Chủ tịch Đại học FPT, chỉ ra rằng từ khi thành lập, quan điểm của trường luôn hướng tới là nơi tổ chức và quản trị việc tự học của người học. Vậy nên, việc sử dụng phương pháp kiến tạo xã hội sẽ thay đổi cách dạy của thầy và cách học của trò.

Anh Tùng còn nhìn thấy những điểm tương đồng giữa phương pháp Kiến tạo xã hội và định hướng hoạt động của Đại học FPT, để rồi quả quyết cho ra đời một giải pháp giáo dục mới mà sinh viên nhà F sẽ là những người đầu tiên được tiếp cận, học hỏi.

Nhìn nhận về tương lai của nền tảng này, anh Lê Trường Tùng bày tỏ kỳ vọng, EduNext với sự kết nối của công nghệ sẽ giúp sinh viên Đại học FPT bước ra cánh cửa thế giới, cơ hội giao lưu nhiều hơn với đơn vị/ tổ chức và sinh viên quốc tế. “Phương pháp Kiến tạo Xã hội không chỉ để dạy và học trực tuyến, mà sẽ áp dụng cho cả trực tuyến và trực tiếp. Đó là định hướng Đại học FPT đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện EduNext”.

Nguyễn Huy

Thiết kế: Chungta

Ý kiến

()
 
Tags: