Chúng ta
Thứ ba, 31/10/2023 | 17:18 GMT+7

Chủ tịch FPT IS: 'Ngành bán dẫn của Việt Nam sẽ đạt quy mô bùng nổ trong 5-7 năm tới'

"Bài học trong quá khứ đã có, đó là các tấm gương của Đài Loan, Nhật Bản... Nếu chúng ta thực sự khát khao, lắng nghe và đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn sản xuất bán dẫn thế giới thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển ngành bán dẫn và sẽ đạt quy mô bùng nổ trong 5-7 năm tới" - anh Trần Đăng Hoà khằng định bên lề sự kiện FPT Techday 2023.

Chủ tịch FPT IS: 'Ngành bán dẫn của Việt Nam sẽ đạt quy mô bùng nổ trong 5-7 năm tới'

"Bài học trong quá khứ đã có, đó là các tấm gương của Đài Loan, Nhật Bản... Nếu chúng ta thực sự khát khao, lắng nghe và đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn sản xuất bán dẫn thế giới thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển ngành bán dẫn và sẽ đạt quy mô bùng nổ trong 5-7 năm tới" - anh Trần Đăng Hoà khằng định bên lề sự kiện FPT Techday 2023.

- Thưa anh, mới đây tại hội thảo về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, có chuyên gia đã đưa ra nhận định rằng Việt Nam cần tới 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn trong 10 năm tới. Là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam đang “dấn thân vào con đường bán dẫn”, anh nhìn nhận như thế nào về đánh giá này?

Tôi cho rằng điều này hoàn toàn đúng. Nếu tính nhẩm con số có thể nhiều hơn. Lấy Đài Loan (TQ), Nhật Bản để so sánh, họ có tới vài trăm nghìn kỹ sư bán dẫn. Trong khi đó, trong lĩnh vực phần mềm Việt Nam hiện có khoảng 500.000 kỹ sư lập trình viên, số kỹ sư phần cứng bằng khoảng nửa hoặc một phần ba. Do vậy số 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn đến năm 2030 là con số hợp lý.

- Anh có nhận xét gì về việc cung ứng nhân lực ngành bán dẫn hiện nay so với nhu cầu thực tế?

Theo một số thống kê không chính thức thì hiện Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, như vậy chúng ta phải tăng đội ngũ này lên 10 lần để đạt con số 50.000. Nhu cầu về nhân lực ngành bán dẫn đang tăng lên liên tục, có thể nói là không giới hạn, khi mà rất nhiều doanh nghiệp, công ty trên thế giới có xu hướng đổ về Việt Nam và thuê sử dụng nhân lực của Việt Nam.

- Tại FPT, kế hoạch cũng như chiến lược đào tạo nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn đang được triển khai như thế nào, thưa anh?

Cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu 50.000 nhân lực ngành bán dẫn, trước mắt, chúng tôi muốn đào tạo 10.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn từ nay đến năm 2030. Chúng tôi đã mở khoa vi mạch đầu tiên tại Việt Nam, liên kết mời các giáo sư từ Nhật Bản, Đài Loan đến tham gia cố vấn, giảng dạy. FPT cũng liên kết với các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản để mang các khóa học của họ về FPT.

Ngoài ra chúng tôi cũng ký kết, hợp tác với các công ty hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn để họ cung cấp môi trường, phòng lab để các kỹ sư học và trải nghiệm. Tất cả những việc đó chúng tôi đang ráo riết làm.

- Dự kiến mỗi năm FPT đào tạo được bao nhiêu nhân lực ngành bán dẫn, thưa anh?

Đại học FPT vừa công bố sẽ mở Khoa đào tạo vi mạch bán dẫn trong năm nay. Ngoài số sinh viên sẽ theo học ngành này, mỗi năm chúng tôi có khoảng 5.000 – 7.000 sinh viên công nghệ thông tin (IT) tốt nghiệp. Các sinh viên học chuyên ngành kỹ thuật IT nếu có nhu cầu có thể học thêm để chuyển sang làm việc trong ngành vi mạch bán dẫn. Năm tới chúng tôi có thể tuyển sinh nhưng cũng có thể lấy sinh viên từ năm thứ ba, thứ tư rồi đào tạo thêm để sau này có thể làm trong ngành vi mạch bán dẫn.

- Dự kiến số sinh viên công nghệ năm thứ ba, thứ tư có thể chuyển sang ngành bán dẫn là bao nhiêu người, thưa anh?

Còn tùy thị trường, nhưng có thể bắt đầu ngay từ khoảng 500 người.

- Kế hoạch trên của FPT về đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là để đáp ứng cho nhu cầu của FPT Semiconductor trong nước, hay cho cả xuất khẩu?

Cho cả hai, cả trong nước lẫn xuất khẩu. Chip cơ bản cùng một quy chuẩn nên nguồn nhân lực đào tạo ra có thể sử dụng toàn cầu.

- Việc đào tạo này theo hướng bắt nhịp công nghệ sản xuất chip cao nhất trên thế giới hay theo trình độ, nhu cầu làm chip của FPT, của Việt Nam?

Công nghệ chip bây giờ rải đều từ thấp đến cao. FPT Semiconductor nói riêng và Việt Nam nói chung không cần thiết phải tập trung vào công nghệ cao nhất, mà từ 100, 130, 180 nano đổ lại. Việc này khá quy chuẩn trong nhiều năm qua và chúng ta cứ dạy theo đúng bài bản quy chuẩn như vậy.

- Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong báo cáo về các mục tiêu, chỉ tiêu của kinh tế Việt Nam năm 2023, năm 2024 và những năm tiếp theo, đã nhấn mạnh đến việc phát triển một số ngành, lĩnh vực then chốt, có thế mạnh và đặc biệt có lợi thế, giá trị cao mà Việt Nam đang hướng đến, trong đó có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chíp bán dẫn. Từ góc độ của doanh nghiệp, anh nhìn nhận như thế nào về mục tiêu này của Chính phủ?

Tôi cho rằng điều này rất hợp lý. Trong làm chip có chuỗi ba đoạn: thiết kế, sản xuất và đóng gói dùng thử, chúng ta đều có khả năng phục vụ cả ba. Đặc biệt, nếu tham gia vào phần sản xuất và đóng gói, Việt Nam có thể kêu gọi được các nhà đầu tư nước ngoài vào nếu cung cấp đất đai, nhân lực, điện nước và một số các chế độ ưu đãi khác nữa. Tôi nghĩ nếu vậy sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào. Khi đó Việt Nam sẽ có ngành công nghiệp phụ trợ về ngành bán dẫn, các sản phẩm thiết kế tại Việt Nam có thể chuyển ngay sang các nhà máy tại Việt Nam để sản xuất và đóng gói.

Hiện tại, chip do FPT Semiconductor thiết kế được mang sang Hàn Quốc để sản xuất và sang Đài Loan để đóng gói, sau đó sẽ xuất sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Nếu chúng ta xây dựng được tất cả chuỗi tại Việt Nam thì đó sẽ là một lợi thế rất lớn.

- Vậy theo anh, đâu là thế mạnh ngành bán dẫn của Việt Nam?

Việt Nam có đất đai, chính sách, nhân lực thiết kế và cả lực lượng kỹ sư để tham gia vào các nhà máy.

- Thực tế tham gia vào ngành bán dẫn có khá nhiều rào cản, từ vấn đề độc quyền máy đúc chip, nguyên vật liệu làm chip đến bản quyền công nghệ,… bởi vậy, rất ít nước và ít doanh nghiệp làm được chip bán dẫn. Tại sao anh lại nói ngành bán dẫn đang là cơ hội cho Việt Nam?

Trước đây khi mà Mỹ và Nhật Bản kiềm chế nhau thì đã tạo cơ hội cho Đài Loan. Bắt đầu từ con số 0 nhưng Đài Loan đã biết cách học hỏi, tiếp nhận kiến thức từ khắp nơi và xây dựng thành công ngành công nghiệp bán dẫn của mình. Hiện Việt Nam đang được xem như một ứng cử viên làm chip như Đài Loan ngày trước. Tôi cho rằng đây là cơ hội lớn cho Việt Nam.

- Anh có cho rằng Việt Nam nên đầu tư làm nhà máy sản xuất chip trong khi việc này đòi hỏi phải có vốn đầu tư rất lớn, lên tới cả tỷ USD, rồi sản xuất ra cần số lượng lớn, thị trường tiêu thụ lớn, công nghệ lại liên tục thay đổi?

Ý của tôi xây dựng nhà máy ở đây theo nghĩa là mời các doanh nghiệp thế giới đến Việt Nam và mở nhà máy tại Việt Nam.

- Ở cả ba công đoạn mà Việt Nam đều có thể tham gia như anh nói ở trên thì đâu là cách tiếp cận phù hợp và thực tế nhất với Việt Nam?

Theo tôi, đầu tiên là ý chí và khát khao vươn lên. Hiện có thể thấy Đảng và Chính phủ, tất cả các bên đều đang thể hiện khát vọng đó. Khi chúng ta mong muốn, khát khao, chúng ta sẵn sàng lắng nghe, trao đổi, tôi nghĩ các doanh nghiệp bán dẫn thế giới sẽ đến.

Thứ hai, không có gì hơn là nguồn nhân lực. Mình cứ đào tạo thật nhiều nhân lực đáp ứng nhu cầu, bởi để một thị trường có hàng trăm triệu người, có hàng triệu kỹ sư bán dẫn thì không phải nước nào cũng có. Những nước khác quy mô rất nhỏ, họ không thể tạo ra tăng trưởng như thế.

Thứ ba là chính sách hợp lý. Đặc biệt Việt Nam về mặt logistics đang có vị thế rất tốt. Chứ còn cứ thiết kế chỗ này, sản xuất lại ở một chỗ khác, đóng gói kiểm thử lại một chỗ khác nữa… cứ chạy qua chạy lại sẽ rất tốn kém. Với vị thế của Việt Nam hiện nay thì hoàn toàn có thể rút gọn được chu trình đó.

- Vậy theo anh, công đoạn tiếp cận nào là thực tế nhất với khả năng của Việt Nam hiện nay, phải chăng đó là khâu thiết kế như mọi người đang nói nhiều tới?

Ngoài các công ty nước ngoài thì Việt Nam hiện mới chỉ có FPT và Viettel, do vậy cần thêm nhiều các công ty Việt Nam khác tham gia vào khâu thiết kế này. Việc thứ hai là đóng gói và kiểm thử, quy mô đầu tư nhỏ hơn, công nghệ cũng đơn giản hơn, đào tạo cũng nhanh hơn (3-6 tháng là có thể đào tạo được kỹ sư lành nghề). Hiện tại có nhiều doanh nghiệp kiểu này vào Việt Nam như Amkor, Intel,… chúng ta cần tiếp tục khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp khác đến nữa. Khâu cuối cùng là nhà máy sản xuất, tôi nghĩ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tiếp cận khâu này.

- Sau chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới một số tập đoàn bán dẫn của Mỹ mới đây, dự kiến khả năng sẽ có thêm nhiều tập đoàn bán dẫn sẽ đến đầu tư vào Việt Nam, trong đó có yêu cầu lớn về nhân lực thiết kế vi mạch. Anh nhìn nhận như thế nào về cơ hội này?

Họ đang đến và chúng tôi tiếp ngày tiếp đêm, quy mô có thể bùng nổ rất lớn nếu chúng ta đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư, vì thực tế nhiều nhà thiết kế chip đang vào Việt Nam rồi.

- Để thúc đẩy ngành bán dẫn Việt Nam, trong đó đặc biệt về đào tạo nguồn nhân lực ngành sản xuất bán dẫn vi mạch, theo anh, Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách hay những ưu đãi đặc thù như thế nào?

Đã có các bài học trong quá khứ từ Đài Loan, Nhật Bản, nên tôi nghĩ đầu tiên là lắng nghe tất cả những mong muốn, yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài đến, đây là vấn đề lớn nhất.

Thứ hai, cần rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào lĩnh vực này, do vậy Chính phủ cần có những chính sách để hỗ trợ, ví dụ như trong một số lĩnh vực cho doanh nghiệp bán dẫn của Việt Nam được tham gia ưu tiên sản xuất, hay mua sản phẩm của doanh nghiệp trong giai đoạn đầu để họ đủ lớn và phục vụ được nhu cầu lớn…

Theo VnEconomy

Ý kiến

()
 
Tags: