Chúng ta

Học viện Kỹ thuật quân sự cán đích Cuộc đua số

Thứ tư, 10/5/2017 | 19:53 GMT+7

Các chàng trai MTA Racer của Học viện Kỹ thuật quân sự đã khiến Nhà thi đấu Cầu Giấy, Hà Nội, tối 10/5 nổ tung khi chiếc xe của họ phăm phăm về đích mà không gặp sự cố nào. MTA Racer trở thành chủ nhân của đường đua số 2017 và giành tấm vé sang Mỹ gặp các chuyên gia của Google. 

  • 21h30

    Không thể giấu được cảm xúc, Tùng Khánh, thành viên MTA, chia sẻ: "Em cảm thấy rất vui khi đội về Nhất. Cả đội đã chiến đấu hết mình trong thời gian qua. Sau đêm nay, việc đầu tiên về nhà là sẽ báo tin cho người thân, những người đã luôn bên cạnh và ủng hộ".

    Để chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ, các thành viên sẽ học thêm chút vốn tiếng Anh, chuẩn bị hành trang để sang Mỹ trao đổi và học hỏi thêm từ các chuyên gia của Google, Uber...

    Cuộc đua số được khép lại sau hơn 6 tháng khởi tranh. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ, anh thấy cuộc thi rất vui và nhiều cảm xúc. Anh đã dành những từ "tuyệt vời", "rất vui" để nhận xét cuộc đua đầu tiên về xe không người lái tại Việt Nam. Ngoài đội vô địch, bản thân anh Bình cũng ấn tượng với xe của đội Lạc Hồng. "Xe của họ mượt mà y như có người lái. Rất nuột!".

    Thành viên BTC Lê Ngọc Tuấn thì dành lời khen ngợi cho hai đội thi cuối cùng. "CDIO thi đấu với sự đam mê, còn MTA với bản lĩnh và lỳ lợm. Tôi hơi tiếc cho CDIO khi gặp trục trặc ngay tại phút giây quyết định".

  • 21h15

    Vượt qua các đối thủ, MTA Racer (Học viện Kỹ thuật quân sự) và CDIO (ĐH Bách Khoa) dắt tay nhau vào chung kết.

    Trước giờ thi đấu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT (FE) Trần Thế Trung đánh giá, MTA Racer sẽ giành chiến thắng chung cuộc. Anh ấn tượng ở sự ổn định và chắc chắn của các chàng trai lính.

    Không nằm ngoài dự đoán, 4 chàng trai của Học viện Kỹ thuật quân sự đã giành được chiến thắng thuyết phục trước CDIO của ĐH Bách khoa HCM.

    13-7418-1494426880.jpg

    Trên sa hình, xe của CDIO đã bị lật ngay trước thềm dốc. Chiến thắng giòn giã trong lượt thi đầu bán kết đã không lặp lại kịch bản tương tự.

    Trong trận đấy này, khán giả như nín thở theo từng giây di chuyển của chiếc xe. Rồi khi kết thúc đường đua là lúc tiếng hò reo vỡ òa. Nước mắt đã rơi trên khuôn mặt của các thành viên CDIO. HỌ đã gục xuống sàn đấu thể hiện sự nuối tiếc tột cùng.

  • 21h07

    Trận bán kết thứ hai được diễn ra giữa CDIO (Đại học Bách khoa TP HCM) và LHU Racing 304 (Đại học Lạc Hồng). Đại diện của LHU Racing 304 chia sẻ, cả đội không có chiến thuật nào ngoài việc thi đấu hết mình. Nhận xét về đối thủ, các chàng trai Lạc Hồng cho rằng, CDIO có thời gian và tốc độ di chuyển nhanh nhất.

    Trong quá trình di chuyển, khi quái xế của Bách Khoa dễ dàng vượt qua chiếc cầu để băng băng về đích thì xe của Lạc Hồng đã bị lật ở vòng đua thứ 1. Ưu thế về thời gian và quãng đường đã khiến những chàng trai của Bách Khoa hừng hực khí thế bước tiếp vào Chung kết. Họ đang phấn khích khi loại được đối thủ "đáng gờm" Lạc Hồng.

    Chia sẻ bên lề, Phó vụ trưởng vụ CNTT - Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Thanh Tuyên đánh giá, những hoạt động như Cuộc đua số đang góp phần thực hiện chỉ thị của Chính phủ trong việc xây dựng đề án phát triển CNTT. Bản thân ông cũng đang hồi hộp trước khi trận đấu cuối cùng diễn ra.

  • 21h00

    Ở vòng 2, các đội sẽ bị loại trực tiếp. Cặp thi đấu đầu tiên là MTA Racer (Học viện Kỹ thuật quân sự) và Alpha One (ĐH FPT).

    Theo chuyên gia của FPT Software, tại đường đua thứ 2, tốc độ không còn quan trọng bằng chiến thuật vượt qua sa hình. Đây chính là phần lập trình của các thí sinh khi đường đua xuất hiện chướng ngại vật khó.

    Mặc dù Alpha One (ĐH FPT) đã xuất sắc vượt qua chiếc cầu nhờ sự "hỗ trợ" của hai lá chắn được thiết kế hai bên cạnh xe, tuy nhiên, MTA đã giành chiến thắng nhờ ưu thế về thời gian.

    Nhiều khán giả đã ra sát khu vực thi đấu để quan sát các xe di chuyển trên đường đua một cách hồi hộp. 

  • 20h55

    Kết thúc vòng 1, 4 cái tên được đi tiếp là MTA_Racer (Học viện Kỹ thuật quân sự); CDIO (ĐH Bách khoa TP HCM); LHU Racing 304 (ĐH Lạc Hồng); Alpha One (ĐH FPT).

    Thứ trưởng Phạm Đại Dương rất ấn tượng với vòng thi đầu và cho rằng, đây chính là nguồn lực tuyệt vời, đáp ứng những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

    10-6035-1494425912.jpg

    Tại vòng 2, 4 đội được chia thành 2 cặp đấu loại trực tiếp (bán kết). Mỗi cặp sẽ thi đấu trên sa hình bí mật (được BTC công bố một ngày trước trận chung kết). Thời gian thi đấu tối đa cho một trận vẫn là 3 phút.

    Đội thắng cuộc được xác định là đội hoàn thành hết vòng đua trước. Trường hợp 2 đội đều không hoàn thành được vòng đua, kết quả được tính theo quãng đường xa nhất đội đó đi được. Sau trận này, 2 đội thắng cuộc của 2 trận bán kết sẽ tiếp tục thi đấu để tìm ra đội vô địch

  • 20h50

    Đường đua Cuộc đua số nóng hơn bao giờ hết khi hai cái tên cuối cùng cũng là hai ứng cử viên sáng giá của cuộc thi được đặt vào trận tranh tài cuối vòng 1: Tên lửa (Học viện Kỹ thuật quân sự) đối đầu với MTA_Racer (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông HN).

    Trước giờ thi đấu, Tên lửa đã mất hết code tại vòng thi 1. Bù lại, họ được cổ động viên hò reo từ đầu tới cuối trận đấu. Ở phía bên kia, xe của MTA_Racer chạy băng băng về đích.

    8-5647-1494425424.jpg

    Qua các màn thể hiện trước, xe của MTA Racer có khả năng chạy mượt, xử lý vật cản tinh tế bằng cách giảm tốc, tránh mà không hề lẹm vào vạch làn đường. Bởi vậy, đối thủ của MTA Racer đều xếp đội chơi đến từ Học viện Kỹ thuật quân sự vào top những đối thủ đáng gờm nhất bởi thể hiện xuất sắc trong vòng sơ khảo cũng như khả năng đa ngành của nhóm sinh viên cùng truyền thống của trường. Nhưng khi được hỏi về khả năng giành chiến thắng của đội nhà, các thành viên của MTA Racer vẫn khiêm tốn nhận 50/50.

    Kết quả cuối cùng, Tên lửa (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) chỉ "bay" được 5,1m trong thời gian 3 giây. Còn xe của các chàng lính đã hoàn thành quãng đường quy định trong vòng 13 giây.

  • 20h46

    Cuộc đua giữa LHU Racing 304 (ĐH Lạc Hồng) và BKAkid (ĐH Bách khoa HN) là trận đấu của hai đối thủ "nặng ký". 

    Một trong những chiến thuật của LHU Racing 304 là "bám càng" thật sát với BTC. Bất kể điều gì được BTC tiết lộ cũng được cả đội săm soi và nghĩ cách biến thành mô hình để tập luyện. Đây là đội thi đầu tiên làm xong mô hình dốc cầu của BTC đưa ra để sớm cho xe tập luyện. 

    9-1786-1494425692.jpg

    Hai tuần trước chung kết, xe của BKAKids vẫn di chuyển với vận tốc "rùa bò" dù tiêu chí xác định thắng thua của cuộc thi là tốc độ. Thế nhưng, đội thi này lại có một vũ khí bí mật chưa đội nào có, đó là sử dụng kỹ thuật học máy và trí tuệ nhân tạo trong giải thuật.

    Trên đường đua, xe của Lạc Hồng di chuyển khá mượt mà. Còn BKAkid (ĐH Bách khoa HN) phải khởi động lại. Kết quả trận đấu, ĐH Bách khoa HN đi được 13,2 m trong 10 giây, còn Lạc Hồng hoàn thành 34,7 m trong thời gian 14 giây.

    Quan sát các đội thi đấu, anh Yên cho rằng, điều quan trọng với các thí sinh là phải bình tĩnh. "Nhiều khi nóng vội lại khiến xe khởi động không như ý muốn", anh nhìn nhận.

  • 20h35

    Cuộc tranh tài thứ 2 giữa CDIO (ĐH Bách Khoa TP HCM) và Alpha One (ĐH FPT) đang được trông chờ khi một bên mạnh về phần cứng, một bên có lợi thế về phần mềm.

    Bước vào trận đấu, xe của hai đội đều đã di chuyển thành công. Kết quả chung cuộc, quãng đường 34,7m đã được Alpha One (ĐH FPT) chinh phục trong 18 giây, còn CDIO thì chỉ mất 13 giây để hoàn thành quãng đường này. Tuy nhiên, theo quan sát và ghi nhận của tổ trọng tài, kết quả thực chất của CDIO là 15,5 giây.

    7-7989-1494425362.jpg

    Trước đó, bốn chàng trai của đội CDIO (Đại học Bách Khoa TP HCM) tự nhận rất "lờ mờ" về phần xử lý ảnh, một trong những tiêu chí quan trọng nhất của "Cuộc đua số" lần này. Vì vậy, CDIO đã tìm tòi sâu về mảng giải thuật cùng việc tận dụng ưu thế phần cứng của đội để tối ưu cho xe đua. Xe đua của đội chạy với tốc độ cao mà vẫn mượt mà khi bẻ lái ở những khúc cua, một trong những ưu điểm vượt trội so với các đội thi khác.

  • 20h25

    Trận đấu đầu tiên là cuộc tranh tài giữa TechColor (ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội) và Seboys (ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP HCM). "Quái xế" của các chàng trai của Seboys chạy khá trơn tru và ổn định, trong khi xe của TechColor đã phải khởi động lại nhiều lần nhưng vẫn chưa thể chinh phục được quãng đường.

    Trên khán đài, tiếng reo hò của cổ động viên át cả tiếng của khán giả khi MC công bố kết quả. Tại thời điểm kết thúc, Techcolor đã đi được 34,7m trong thời gian 20 giây. Còn Seboys đi được 13,2m trong 6 giây. 

    Ở phần thi này, các thí sinh có sự hỗ trợ của anh Nguyễn Thanh Yên, FPT Software. Từ màn thi này, anh Yên rút ra kết luận, tốc độ không quan trọng bằng phần điều khiển.

  • 20h15

    Sau màn ra mắt, các đội tham gia bốc thăm. Ở vòng 1, mỗi đội sẽ có 2 phút để chuẩn bị. Trên sa hình, 2 đội cùng thi đấu một lượt trên 2 đường đua độc lập. Thời gian thi đấu cho một lượt là 3 phút. Trong thời gian này, mỗi đội có thể chạy số vòng tùy ý. Kết quả được tính theo thời gian ngắn nhất hoàn thành một vòng đua hoàn chỉnh, tính từ điểm xuất phát, đi qua các mốc địa điểm do BTC đặt sẵn, quay về điểm ban đầu. 4 đội có kết quả cao nhất của vòng 1 được tiếp tục tham gia vòng 2.

    Chỉ 2 giờ trước thời điểm thi đấu chính thức, sự cố đáng tiếc đã xảy ra với đội Tên lửa (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) khi mất hết toàn bộ phần code. Các thành viên đã phải code lại từ đầu. Nguyễn Văn Luyện, thành viên của đội, cho hay, mọi người đang rất lo lắng vì thời gian chỉ để code xong chứ không còn cơ hội chạy thử. 

    4-3294-1494423811.jpg

    Trước đó, 8 đội đã cùng xuất hiện trên sân khấu. Thay mặt cho các thí sinh, đội trưởng ĐH FPT đã hô vang khẩu hiệu: "Cùng nhau chinh phục Cuộc đua số".

  • 20h00

    Cuộc đua số chính thức bắt đầu với sự tham gia của Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Đại Dương, đại diện Bộ, ngành và gần 1.000 sinh viên.

    3-1747-1494423608.jpg

    Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mở đầu phần chia sẻ của mình bằng lời hiệu triệu sinh viên. Anh thấu hiểu, trong những ngày gần đây, các bạn đã làm việc bất kể ngày đêm để trau chuốt xe của mình như đứa con tinh thần. Dù không phải ai cũng ra về với giải thưởng nhưng cá nhân anh luôn cầu chúc cho các bạn chiến thắng. "Các bạn đã thắng hiểu theo nghĩa các bạn bước vào thế giới xe không người lái, thế giới của các hãng xe lớn danh tiếng hàng đầu thế giới... Họ cũng như các bạn, đang mày mò, xử lý các bài toán xe tự hành. Tôi hy vọng, trong các bạn sẽ có những Elon Musk, chế ra các dòng xe Tesla của Việt Nam. Không chỉ tham gia đội quân của Việt Nam, các bạn là kỹ sư, nguồn nhân lực số và tham dự vào ngành Công nghệ của thế giới với công nghệ ô tô, được xem là đỉnh cao của trí tuệ nhân tạo. Chúc các bạn thi vui vẻ và thành công".

    Thứ trưởng Phạm Đại Dương háo hức được tận mắt xem cuộc thi đấu hôm nay: "Với vai trò bộ tham mưu, tôi cảm ơn FPT đã khởi xướng cuộc thi. Đây là sáng kiến trong giai đoạn chúng ta đang nói về Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ đang rất quan tâm, làm sao để tận dụng cơ hội, phát triển kinh tế đất nước. Vai trò của Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp. Vai trò của sinh viên là tham gia sân chơi này thế nào".

    5-8333-1494424788.jpg

    Ông chúc 8 đội vào chung kết hãy cố gắng hết sức mình giành được giải. "Kết quả cuộc thi sẽ được ứng dụng trong thực tế trong thời gian tới. Cảm ơn FPT, các thầy cô, trường đã tạo điều kiện cho các sinh viên tham gia sân chơi này", Thứ trưởng nói.

  • 19h20

    Nhà thi đấu Cầu Giấy trước giờ Chung kết diễn ra là khung cảnh náo nhiệt và tưng bừng. Từng tốp cổ động viên bước vào khán đài mang theo tiếng hò reo rộn rã và niềm tin chiến thắng. Trên sân khấu, những trò chơi và màn nhảy warm-up càng khiến sức nóng của cuộc thi tăng thêm. Về phía các thí sinh, sau hơn 36 giờ ăn, ngủ ngay trên sàn đấu, họ đã sẵn sàng cho đường đua xe tự hành.

    Nguyễn Anh Đức, cổ động viên của Học viện Kỹ thuật quân sự, đã theo dõi cuộc thi từ đầu. Quan sát các đội khác, cậu rất tự tin vào vị trí số 1 của trường mình.

    1-5494-1494421425.jpg

    Sau hơn 6 tháng tổ chức, Cuộc đua số đã tiến đến vòng chung kết với 8 đại diện xuất sắc đến từ 8 trường ĐH lớn trên cả nước, gồm: TechColor (ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội); Tên lửa (Học viện Kỹ thuật quân sự);  MTA_Racer (Học Viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông HN); Seboys (ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP HCM) CDIO (ĐH Bách Khoa TP HCM); LHU Racing 304 (ĐH Lạc Hồng); BKAkid (ĐH Bách Khoa HN) và Alpha One (ĐH FPT).

    Trong tối nay, các đội sẽ tham gia tranh tài lập trình điều khiển những chiếc xe mô hình và đua với nhau trên sa hình mô phỏng đường phố Việt Nam. Điểm được chờ đợi nhất trong cuộc thi là việc sử dụng các kiến thức công nghệ mới như xử lý ảnh (nhận làn đường, xác định vật cản), trí tuệ nhân tạo, học máy kết hợp với kiến thức về điều khiển tự động để xe có thể di chuyển chính xác trên đường thẳng, khúc cua, leo dốc; biết điều chỉnh đường đi, tốc độ khi gặp vật cản.

    2-6847-1494422857.jpg

    Các chàng trai Học viện Kỹ thuật Quân sự trước giờ "đua".

Cuộc đua số diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017, được mở rộng cho tất cả sinh viên yêu thích công nghệ trên cả nước. Tham gia cuộc thi, sinh viên được ứng dụng các công nghệ mới nhất; đào tạo và thực hành các kỹ năng cần thiết cho quá trình làm việc; học hỏi những chuyên gia công nghệ hàng đầu của Việt Nam. 

Mục tiêu của Cuộc đua số là giúp các bạn trẻ xây dựng nền tảng vững chắc về công nghệ số, cũng như làm quen với các xu hướng mới nhất trên thế giới trong việc lập trình robot, điều khiển bằng giọng nói, trí tuệ nhân tạo… Công nghệ tự động, trong đó có xe không người lái, là một trong những điểm nhấn nổi bật đang thu hút sự tham gia của nhiều ông lớn trên thế giới như Google, Tesla, Uber..

Tổng giá trị giải thưởng của Cuộc đua số 2016-2017 là 700 triệu đồng. Trong đó, giải Nhất trị giá 450 triệu đồng gồm hiện vật và một chuyến tham quan thung lũng Silicon (Mỹ) cho các thành viên đội thi, giải Nhì trị giá 30 triệu đồng, hai giải Ba mỗi giải trị giá 20 triệu đồng và 8 giải cho đội về nhất trong các trận sơ loại, mỗi giải 10 triệu đồng. Ngoài ra, tập đoàn sẽ trao cơ hội cho những sinh viên tài năng được trực tiếp tham gia vào các dự án công nghệ với khách hàng hàng đầu trên thế giới.

Theo Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt, xe không người lái là bước tiến tiếp theo của những cuộc thi công nghệ trước, dựa trên sức mạnh và lợi thế công nghệ của FPT về Automotive. Với tầm nhìn 5 năm, kết quả của cuộc thi này sẽ giúp sinh viên qua từng thế hệ đúc kết được hệ thống lái xe tự động trong môi trường thật, đem lại niềm đam mê khoa học cũng như thách thức trải nghiệm cho các các bạn trẻ. 

Chúng ta

Ảnh: Anh Tuấn

Ý kiến

()