- 21h50 Infinity được xướng tên là đội vô địch SMAC Challenge năm nay.
"Nhìn lại cả quá trình năm nay, cuộc thi có sự tương tác cao với thí sinh, đặc biệt là Open camp. Đây là lần đầu chương trình tổ chức ở Sài Gòn nên gặp nhiều khó khăn và cũng nhiều áp lực khi lần đầu truyền hình trực tiếp. BTC đã nỗ lực để làm một sân chơi giúp sinh viên có cơ hội học hỏi và giao lưu", Trưởng BTC SMAC Challenge Bùi Nguyễn Phương Châu đánh giá về cuộc thi.
SMAC Challenge trở thành sân chơi bổ ích cho sinh viên. Niềm vui của các chàng trai Học viện Bưu chính Viễn thông.
- 21h45
Các thành viên Infinity không giấu nổi niềm vui khi giành vị trí cao nhất cuộc thi SMAC Challenge. Như vậy, họ là đội thứ hai, sau SRC PTIT, mang Cup vô địch về Học viện Bưu chính Viễn thông trong hai năm 2013-2015.
Khoảnh khắc ăn mừng của Infinity.
Tổng giải thưởng đội quán quân giành được là 100 triệu đồng, trong đó có 50 triệu đồng tiền mặt và 50 triệu đồng là quà tặng của nhà tài trợ.
“SMAC Challnge là một sân chơi tuyệt vời để sinh viên sáng tạo. Đây chỉ mới là những ý tưởng ban đầu nhưng lại vô cùng quan trọng. Bất cứ điều gì cũng cần có sự bắt đầu thì mới có sản phẩm xuất sắc được”, thầy Vũ Hải Quân, Hiệu phó ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, nhận xét.
- 21h35
Ban tổ chức mời các đội phía Nam vào bán kết: GC0962 của Đại học FPT; Smart Travel của ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2, và Team AWI, UIT-Pirate King của Trường ĐH Công nghệ thông tin lên sân khấu trao giấy chứng nhận. Chị Trương Thanh Thanh, Giám đốc Trách nhiệm xã hội Tập đoàn FPT, và chị Bùi Nguyễn Phương Châu, Trưởng ban Truyền thông FPT, trao chứng nhận cho các đội.
Lê Công Hậu, đội trưởng UET-TNA, chia sẻ: "Dù không thắng cuộc nhưng nhóm em không có gì tiếc nuối khi đã đến được vòng này. Dù thế nào thì chúng em cũng đã hết mình và có những trải nghiệm tuyệt vời".
- 21h25
Phần thi cuối cùng khiến các đội và khán giả hồi hộp theo dõi. Ở lượt trận cuối cùng, Infinity đã vượt lên UET-TNA giành chiến thắng phần thi Smart Shopping, mở ra nhiều cơ hội giành quán quân mùa giải SMAC Challenge mùa thứ ba.
"Quá sướng, tuyệt vời. Nhóm hy vọng sẽ có cơ hội startup dự án dù biết có rất nhiều khó khăn khi khởi nghiệp. Infinity sẽ dùng tiền thưởng để phát triển ứng dụng này", đội trưởng Infinity Đào Hoàng Tiến chia sẻ.
Công đoạn đặt đơn hàng trong trận chung kết.
- 21h15 Phần thi của UET-TNA và 3TM có chiến thắng thuộc về đại diện từ Đại học Công nghệ Hà Nội. Như vậy, UET-TNA sẽ đối đầu cùng Infinity ở trận chung kết.
Trong khi trận đối kháng cuối cùng đang diễn ra, các thành viên của ĐH FPT khiếu nại với ban trọng tài về tỷ số trận đấu trước đó với Infinity. Theo đó, kết quả ban đầu phần thắng thuộc về ĐH FPT với chiến thắng 90-80. Sau đó Infinity trao đổi cùng ban trọng tải và kết quả được cộng thêm 20 là 100. Trọng tài tuyên bố Infinity thắng.
Các thành viên ĐH FPT gương mặt căng thẳng đến giải thích từng chi tiết với ban trọng tài. Tuy nhiên, ban trọng tài bảo lưu kết quả đã công bố.
- 20h55
Chung kết bước vào phần thi Smart Shopping. Từng cặp đội sẽ đấu đối kháng theo đề bài đặt ra như sau: Một người mua hàng vào siêu thị lớn và cần mua các món hàng theo kế hoạch. Tuy nhiên, siêu thị quá rộng và các khách hàng không thế biết được vị trí của các quầy hàng. Smart Shopping sẽ giúp người mua hàng trong siêu thị một cách nhanh chóng và chính xác bằng cách dẫn người mua hàng đến các quầy chứa các món đồ mà người mua cần.
Ở phần thi này, các đội thi đối kháng theo thứ tự đã bốc thăm; hai đội thắng ở mỗi trận sẽ thi trận chung kết để xác định đội Nhất - Nhì trong phần thi Smart Shopping.
Điểm số cho các đội qua phần thi Smart Shopping: Đội Nhất 10 điểm, đội Nhì 9 điểm và hai đội giải Ba: 8 điểm/đội. Phần thi này chiếm 30% tổng điểm đêm chung kết.
Mỗi trận đấu sẽ có hai phần chơi. Phần đầu - Trợ lý nhận đơn hàng: Từng đội đọc đơn hàng cho trợ lý nhận lệnh; thời gian tối đa là 1 phút; mỗi món hàng đúng sẽ được 10 điểm. Phần 2 - Trợ lý dẫn mua hàng. Trong 5 phút, hai đội sẽ thi đấu, đồng thời để dẫn khách hàng đi mua sắm. Mỗi món hàng thông thường được 10 điểm; mỗi món hàng khuyến mại được 50 điểm. Mỗi lần khuyến mãi chỉ có một món đồ cho đội nhanh hơn.
Robot có yêu cầu: Dẫn người mua hàng đến đúng vị trí, chỉ rõ số lượng cần mua. Mỗi lần chỉ được lấy tối đa 3 món hàng. Được khởi động lại tối đa 3 lần. Từ lần thứ tư trừ 5 điểm 1 lần.
- 20h50
Ban tổ chức mời đại diện các nhà tài trợ lên sân khấu nhận biểu trưng cảm ơn của SMAC Challenge 2015 gồm: Nhà tài trợ bạc: HP Việt Nam; Nhà tài trợ đồng: ASUS Việt Nam; hai nhà tài trợ thuộc FPT Telecom: Truyền hình FPT, Fshare và đơn vị bảo trợ truyền thông, báo VnExpress. Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, tặng biểu trưng cho các nhà tài trợ.
- 20h40
Vòng 1 kết thúc trong tiếng reo hò vỗ tay của cả khán phòng. Ca sĩ Thái Trinh xuất hiện. "Tôi muốn ở lại xem đến hết cuộc thi", cô chia sẻ. Trong thời gian này, các đội khẩn trương chuẩn bị robot cho phần thi tiếp theo.
- 20h30
“Street Router” là sản phẩm cuối cùng trình diễn. Ứng dụng này đến từ những chàng trai của Feed&Quit thuộc ĐH FPT. Các chàng trai ĐH FPT thiệt thòi hơn các đội khác bởi khi họ trình bày, thời gian dành cho bình chọn đã hết.
Ứng dụng của Feed&Quit là hệ thống hỗ trợ dẫn đường (xe bus và xe máy) trên thiết bị thông minh bằng giọng nói. Ứng dụng còn có các chức năng như bản đồ offline (hỗ trợ cả khi thiết bị không có 3G), thông báo khi đi sai đường với giao diện sử dụng đơn giản.
Hai đại diện của ĐH FPT trình diễn ứng dụng.
Sau khi Feed & Quit vừa kết thúc phần trình diễn, dàn cổ động viên liên tục reo hò và vỗ tay cuồng nhiệt. "Ứng dụng này không quá mới", đại diện Ban giám khảo đánh giá. Các thành viên đến từ ĐH FPT khẳng định ứng dụng này không mới nhưng dành cho xe máy ở Việt Nam thì hoàn toàn chưa có. Phần thi nhận được tổng điểm 43,5.
- 20h20
3TM (ĐH CNTT - ĐHQG TP HCM) tiếp nối với sản phẩm có tên "Mimi - Người máy giao tiếp", được điều khiển bằng giọng nói. Dựa trên số liệu do chính người dùng cung cấp, Mimi giúp gia đình theo dõi sự phát triển của bé, tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý, tra cứu những triệu chứng, cách phòng bệnh cho bé… Đội còn bổ sung tính năng tạo lịch tiêm phòng vắc-xin, giúp các mẹ không quên những thời điểm quan trọng này của con.
Đội 3TM trình diễn ứng dụng.
Đại diện đội chia sẻ mong muốn ứng dụng sẽ có cơ hội phát triển ra ngoài. "Chúng em hy vọng ứng dụng có thể liên kết giữa các bệnh viện và người sử dụng", 3TM cho hay. Đội hơi lúng túng trước các câu hỏi của Ban giám khảo. "Các bạn cần lưu ý đây là ứng dụng giúp bố mẹ chăm sóc trẻ chứ không phải bố mẹ chăm sóc trẻ", đại diện Ban giám khảo kết thúc phần đánh giá.
41,5 là số điểm của 3TM.
- 20h10
Infinity bắt đầu 5 phút giới thiệu và trình diễn "iCook - Trợ lý nhà bếp". Trước câu hỏi lấy thông tin của người dùng từ đâu, đội trả lời vì thời gian hạn chế nên chưa thể trình bày được hết. "Trong ứng dụng người dùng có thể nhập thông tin về sở thích, thời gian, cân nặng... Bên cạnh đó, ứng dụng còn cho phép người dùng ghi chép lịch sử ăn uống để 7 ngày không nhàm chán", đại diện đội trình bày.
Ứng dụng được giám khảo đánh giá khá cao vì tính ứng dụng. Số điểm mà Infinity nhận được là 46,5, trong đó có một điểm 10 từ giám khảo Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT.
- 20h05
40,5 là số điểm Ban giám khảo dành cho các sinh viên đến từ ĐH Công nghệ.
Infinity tiếp nối với ứng dụng "iCook - Trợ lý nhà bếp". Sản phẩm có các tính năng thú vị như công thức nấu ăn, tư vấn món ăn, thống kê hàm lượng dinh dưỡng, chế độ ăn uống cho từng thành viên, nhắc nhở ăn kiêng, hẹn giờ báo thức (tắt lò nướng, tắt bếp), quản lý thiết bị nhà bếp, chia sẻ món ăn lên mạng xã hội…
Thầy Vũ Hải Quân, Hiệu phó ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, đánh giá về phần thi.
- 20h00
UET-TNA quyết định bị trừ điểm để có thêm thời gian giới thiệu nhiều chức năng khác do mất thời gian kết nối ban đầu. "Đến được vòng này là chúng em đã chiến thắng rồi nên muốn tiếp tục được thể hiện cho mọi người thấy những gì mình đã làm", đại diện đội nói.
Trong thời gian này, Infinity đã trong tư thế sẵn sàng cho phần thi của mình. Cả đội chăm chú theo dõi phần thi của đối thủ và liên tục bàn luận rút kinh nghiệm cho phần thi.
- 19h55
Đội đầu tiên xuất hiện là UET - TNA thuộc ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội tranh tài với sản phẩm về robot kể chuyện "Mom and Kids". Xuất phát từ nhu cầu của các bé muốn được nghe kể chuyện nhưng bố mẹ lại ở xa hoặc không có thời gian, "Mom and Kids" ra đời và đóng vai một người bạn có thể trò chuyện, cùng trẻ làm toán cơ bản, chơi các trò chơi trí tuệ.
UET_TNA trình diễn ứng dụng.
- 19h50
Vòng chung kết SMAC Challenge 2015 bao gồm 3 nội dung thi:Smart Caring, viết ứng dụng trên nền tảng Android, chiếm 50% tổng điểm của chương trình; thi đối kháng Smart shopping chiếm 30% tổng điểm và SMAC Sharing chiếm 20% số điểm.
Buổi chung kết đang bắt đầu với vòng thi thứ nhất Smart Caring. Tiêu chí chấm điểm là sáng tạo, hữu ích, thân thiện với người dùng. Mỗi đội có 9 phút cho phần thi, trong đó 2 phút cho clip giới thiệu ý tưởng, 5 phút trình diễn ứng dụng và 2 phút giám khảo nhận xét và cho điểm. Mỗi 30 giây quá giờ trong phần trình diễn ứng dụng sẽ bị trừ 0.2 điểm.
Nhóm sinh viên từ ĐH Công nghệ mất khá nhiều thời gian để kết nối thiết bị. Không khí căng thẳng bao trùm hội trường. MC lưu ý các đội sau phải luôn trong tâm thế sẵn sàng để không mất thời gian "oan" như UET-TNA. Cả hội trường vỗ tay khi ứng dụng "Mom and Kids" phát ra tiếng đầu tiên.
- 19h40
Anh Trương Gia Bình phát biểu khai mạc đêm chung kết. Anh thổ lộ bản thân có đam mê với các bạn trẻ mà đặc biệt là các bạn trẻ tài năng. Dù cuối năm bận rộn nhưng anh cũng dành thời gian tham gia chương trình. "Đây là thời khắc quan trọng quyết định. Chỉ trong một thời khắc nữa sẽ có một đội là người chiến thắng. Thật ra tất cả các bạn đều là người chiến thắng. Ở nhiều nơi, trung tâm và tập đòan thế giới cũng đang nghi như các bạn nghĩ, làm những gì các bạn đang làm, đó chính là SMAC. Vì sao nhiều người trở thành triệu phú đô la Mỹ sau khi tham gia các cuộc thi của FPT? Chúng tôi quan tâm sâu sắc đến sáng tạo công nghệ để thay đổi thế giới".
Chủ tịch Trương Gia Bình dành sự quan tâm đặc biệt tới cuộc thi này.
- 19h35
Nhóm nhảy X Clawn crew khuấy động sân khấu bằng những động tác điêu luyện. Bên dưới, các đội và khán giả chăm chú theo dõi.
Chặng đường SMAC Challenge 2015 đựơc tái hiện trên sân khấu. Chương trình năm nay đã thu hút trên 300 thí sinh từ 25 trường đại học trên cả nước tham gia.
Nhóm nhảy khai màn chương trình.
- 19h30
Lượt trận chung kết SMAC Challenge đã chính thức khai màn, hứa hẹn mang đến nhiều bất ngờ, kịch tính cho khán giả. Những phần thi sắp tới sẽ thể hiện được sự sáng tạo, trưởng thành của các thí sinh sau một thời gian mày mò, nghiên cứu "số hóa giọng nói" cùng FPT.
- 19h25
SMAC Challenge đã trở thành sân chơi quen thuộc của sinh viên công nghệ. Năm nay, lần đầu tiên cuộc thi được tổ chức tại TP HCM. Cuộc thi thu hút được sự quan tâm của đông đảo của sinh viên, thầy cô và nhà trường. Hứa hẹn là sân chơi bổ ích cho những sinh viên công nghệ muốn tìm tòi, sáng tạo trên các nền công nghệ mới.
Các sinh viên hò reo liên tục khi cuộc thi bắt đầu.
Dàn cổ động viên của Học viện Bưu chính Viễn thông.
- 19h20
Những người "cầm cân nảy mực" đã có mặt trên những chiếc "ghế nóng". Dàn giám khảo gồm ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, Giám đốc truyền bá công nghệ và phát triển, Microsoft Việt Nam, PGS.TS Vũ Hải Quân, Hiệu phó ĐH KHTN TP HCM, CTO FPT Lê Hồng Việt và Giám đốc Sáng tạo Truyền hình FPT, thuộc FPT Telecom, Đinh Tiến Dũng. Anh Dũng là vị giám khảo quen thuộc của cuộc thi dành cho sinh viên công nghệ này.
Trên hàng ghế VIP hiện giờ có anh Trương Gia Bình, chủ tịch FPT, chị Trương Thanh Thanh, giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT và anh Nguyễn Đức Quỳnh, giám đốc FPT Software HCM.
- 19h15
Cổ động viên của các đội thi thể hiện sự nồng nhiệt bằng việc hô to tên trường mình, nổi bật là dàn sinh viên hùng hậu của ĐH FPT.
"Tôi cảm thấy khá mất tinh thần và hồi hộp. Tuy nhiên sự cổ động này cung rất vui", Đỗ Thành Nam, thành viên của UET-TNA, với gương mặt hơi căng thẳng chia sẻ.
- 19h10
Các đội thi luyện tập liên tục từ hôm qua cho đến tận trước lúc chương trình "lên sóng". Buổi chiều, lực lượng từ truyền hình FPT có mặt từ 3h chiều để chuẩn bị cho công tác truyền hình trực tiếp.
Trước khi chương trình diễn ra 30 phút, khán phòng bắt đầu đông dần với khán giả đến từ nhiều trường đại học trong địa bàn làng đại học Thủ Đức. Bùi Nguyên Phúc Ân, sinh viên đại học FPT, thành viên của GC0962, đội từng lọt vào bán kết miền Nam đến tham gia chương trình từ khá sớm. Mồ hôi nhễ nhại, Ân bảo cậu phải di chuyển đọan đường 20 cây số từ quận 5 đến Thủ Đức để theo dõi chương trình và cổ vu cho các đội khác. "Các đội vào chung kết có chất lượng khá đồng đều, hứa hẹn đêm thi hấp dẫn" cựu thí sinh cho hay.
19h, từng dòng sinh viên đổ về Nhà thi đấy đại học Bách Khoa. Sự xuất hiện của ca sĩ Hoàng Tôn ngay lập tức khuấy động bầu không khí trong hội trường. Trên sân khấu, nam ca sĩ trình diễn những ca khúc hit cùa mình. Dưới khán đài, sinh viên liên tục cổ vũ và hát theo từng giai điệu sôi động.
Ca sĩ Hoàng Tôn khuấy động chương trình. Đây là lần thứ hai anh biểu diễn tại chung kết SMAC Challenge.
- 18h05
Body
Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, SMAC Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Tổng giá trị giải thưởng là 250 triệu đồng. Cơ cấu giải thưởng của SMAC Challenge 2015 gồm một giải Nhất tổng trị giá 100 triệu đồng; một giải Nhì trị giá 20 triệu đồng; 2 giải Ba mỗi giải trị giá 15 triệu đồng cùng hàng trăm giải thưởng có giá trị khác như điện thoại di động, gói truyền hình Internet… được trao trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi.
Ngoài ra, cuộc thi còn mang đến cho các thí sinh nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures và các công ty FPT thành viên rót vốn đầu tư.
SMAC Challenge là cuộc thi viết ứng dụng công nghệ thường niên, dành cho các bạn trẻ, do Tập đoàn FPT tổ chức. Sau 2 năm, cuộc thi thu hút được hàng nghìn thanh niên trên địa bàn Hà Nội tham gia. Năm nay, FPT mở rộng phạm vi cuộc thi ra toàn quốc. Cuộc thi được tài trợ bởi Công ty HP Việt Nam (tài trợ Bạc) và Công ty Asus Việt Nam (tài trợ Đồng). Truyền hình FPT và Fshare (thuộc FPT Telecom) là hai nhà đồng tài trợ.
Năm 2014, đội FU-Agile (ĐH FPT) đã giành giải nhất SMAC Challenge. Trước đó, năm 2013, đội SRC PTIT đến từ Học viện Bưu chính Viễn thông đã trở thành nhà vô địch của SMAC Challenge mùa đầu tiên.
Ý kiến
()