FPT Software vừa được Vietnam Report đánh giá là công ty tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam - FAST500. Theo Vietnam Report, để ghi danh vào Bảng xếp hạng FAST500 đòi hỏi các doanh nghiệp phải luôn tìm tòi, sáng tạo và linh biến trong kinh doanh, tận dụng các cơ hội tăng trưởng, qua đó đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế nước nhà.
Trong ba năm qua, Phần mềm FPT liên tục tăng trưởng khoảng 30%. Năm 2013 đạt mốc doanh thu 100 triệu USD. Năm 2014, con số này tăng lên 138 triệu USD, tăng 38%; năm 2015 là 181 triệu USD (31%) và năm 2016 là 230 triệu USD (27%).
“FPT Software những năm gần đây luôn nhất quán với mục tiêu đạt doanh thu 1 tỷ USD và 30.000 nhân sự vào năm 2020. Và để đạt được con số này, chúng tôi cần tăng trưởng đâu đó khoảng 30% mỗi năm”, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến chia sẻ nhân sự kiện đơn vị lần đầu trở thành quán quân FAST500.
Danh sách Top 10 của Bảng xếp hạng FAST500 năm 2017. Bảng xếp hạng FAST500 được xây dựng dựa trên nguyên tắc khách quan và độc lập, khoa học và tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế hiện hành. Thứ hạng của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng được sắp xếp dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu và hiệu quả kinh doanh. "Bảng xếp hạng đã ghi dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ hướng tới mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp FAST500 - được coi như 'những ngôi sao đang lên' trên bầu trời kinh tế Việt Nam", thông cáo của Vietnam Report nhấn mạnh. |
Theo anh Tiến, căn cứ để FPT Software luôn đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao trong nhiều năm qua và trong giai đoạn 3 năm kế tiếp chính là cơ hội từ thị trường toàn cầu. Dẫn chứng, Chủ tịch Phần mềm FPT đưa ra dự báo của Gartner rằng thị trường dịch vụ công nghệ thông tin (IT Services) năm 2018 sẽ đạt quy mô 981 tỷ USD, tăng trưởng 4,7% so với 2016; dịch vụ phần mềm doanh nghiệp (Enterprise Software) năm 2018 sẽ đạt quy mô 380 tỷ USD, tăng trưởng 7% so với 2017.
“Trong đó, dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) sẽ đóng góp 57% tăng trưởng của thị trường. Đến năm 2020, quy mô thị trường này sẽ đạt gần 1.100 tỷ USD. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu phần mềm Việt Nam”, anh Tiến nhấn mạnh.
Khẳng định các dịch vụ truyền thống vẫn đóng góp tăng trưởng tốt, “nhưng để tăng trưởng cao hơn, buộc FPT Software phải tìm những hướng đi mới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư này đã mang đến cho chúng tôi những động cơ tăng trưởng mới từ dịch vụ chuyển đổi số”, người đứng đầu Phần mềm FPT hào hứng.
Cụ thể, trong 3 năm qua, FPT Software đã chú trọng vào dịch vụ chuyển đổi số. Hiện nay, đơn vị đang là đối tác với các hãng công nghệ lớn lớn trong lĩnh vực này, như Amazon Web Services; IBM, GE, Cisco…
“Cùng với chuyển đổi số, mảng dịch vụ cho lĩnh vực ôtô sẽ giúp FPT Software đạt được mục tiêu 1 tỷ USD vào năm 2020”, anh Tiến nhấn mạnh và đưa ra một vài con số dẫn chứng: Những chiếc xe không người lái có thể chiếm tới 25% lượng ôtô bán ra trên toàn cầu vào năm 2035 và con số 42 tỷ USD/năm là doanh thu dự kiến của thị trường này trong năm 2025.
Đối với việc phát triển xe không người lái và xe điện, phần mềm đóng vai trò quan trọng nhất, được ví như não bộ, đảm bảo cho xe vận hành. Một chiếc xe hiện đại được điều khiển bởi 80 tới 100 hệ thống nhúng. 90% sáng tạo của xe hơi hiện nằm ở phần mềm. 100% xe sẽ kết nối với Cloud.
Với xu hướng này, xe không người lái bây giờ không còn là lãnh địa bất khả xâm phạm của Ford, Daimsler, Toyota, Nissan... mà dần dịch chuyển thành lãnh địa của các công ty phần mềm. “Các công ty công nghệ không hề có lịch sử, kinh nghiệm về ô tô như Google, Tesla, Uber, Lyft, Apple, Baidu... và cả FPT đều đang đứng trước cơ hội rất lớn trong lĩnh vực này”, anh Tiến hào hứng.
Chia sẻ về xu hướng các hãng ôtô đang đầu tư rất lớn cho xe không người lái như: Toyota chi 1,2 tỷ USD để phát triển trí thông minh nhân tạo trên dòng xe của mình với mục tiêu đưa xe tự lái vào đời thực năm 2020 hay các hãng xe của Nhật cũng đang liên kết để thực hiện kế hoạch lập bản đồ 3D cho xe không người lái… Chủ tịch Phần mềm FPT cho rằng, với thế mạnh triển khai các dự án ủy thác phần mềm cho các công ty Nhật Bản, trong đó có nhiều hãng ô tô, FPT có đang có nhiều cơ hội tham gia phát triển xe không người lái cho các đối tác Nhật Bản.
Chủ tịch nhà Phần mềm tiết lộ, đơn vị đặt mục tiêu 200 triệu USD doanh số từ hoạt động cung cấp dịch vụ CNTT cho lĩnh vực sản xuất ô tô vào năm 2020, trong đó, phần lớn sẽ đến từ các giải pháp công nghệ cho xe tự hành. |
Trong mảng cung cấp các dịch vụ CNTT cho lĩnh vực sản xuất ôtô, FPT Software đang triển khai 150 dự án, phần lớn liên quan đến công nghệ xe tự hành cho các hãng xe lớn tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.
"Trong các dự án này, FPT đã phối hợp cùng với khách hàng nghiên cứu và phát triển các tính năng cho xe tự hành như: quay video hàng trăm nghìn km các cung đường cao tốc trên khắp thế giới rồi tag các thành phần hiển thị trong video - đây là công đoạn rất quan trọng trong phát triển trí tuệ nhân tạo, phục vụ việc học máy (machine learning), đặc biệt là học sâu (deep learning)", người đứng đầu FPT Software nói.
Bên cạnh mục tiêu doanh số 200 triệu USD, FPT Software cũng đang kỳ vọng mảng cung cấp dịch vụ CNTT cho lĩnh vực sản xuất ôtô sẽ đạt được quy mô 8.000 người, trong đó phần lớn sẽ làm trong mảng giải pháp công nghệ cho xe tự hành, chiếm gần 27% tổng quân số của FPT Software vào năm 2020.
Riêng trong năm 2017, FPT Software cần tuyển 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin để thực hiện các ứng dụng thông minh trên ô tô cho khách hàng Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu.
>> FPT Software lần thứ tư liên tiếp lọt danh sách Global Outsourcing 100
Chi Vy
Ý kiến
()