Trạng thái thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở nên hưng phấn khi nhóm cổ phiếu thuộc diện thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được đẩy giá lên cao đồng loạt. Cùng với đó, các mã tài chính, bất động sản cũng tận dụng nhịp này để đi lên từ từ.
Kết thúc phiên ngày 29/11, sàn HOSE có 149 mã tăng so với 124 mã giảm và 54 mã đứng giá. Chỉ số đóng cửa tại mức 952,14 điểm (+1,16%). Khối lượng giao dịch đạt 229,83 triệu cổ phiếu, tương đương 5.535 tỷ đồng.
FPT có mức tăng ấn tượng trước thềm SCIC thoái vốn. Nguồn: Stockbiz. |
Nhóm cổ phiếu trong danh mục SCIC thoái vốn cuối năm nay có phiên giao dịch tích cực như: FPT (+3,1%), VCG (+8,0%), BMP (+4,0%), NTP (+5,8%).
Mã FPT tăng 1.800 đồng, lên 59.300 đồng/cổ phiếu. Mức giá này khiến hơn 530 triệu cổ phiếu của FPT có tổng vốn hóa hơn 31.000 tỷ đồng - kỷ lục trong lịch sử 11 năm cổ phiếu nhà F lên sàn.
Đây cũng là mức tăng đáng kể khi cách nay khoảng một năm rưỡi (ngày 27/6), vốn hóa thị trường của FPT mới đạt mốc hơn 19.000 tỷ đồng.
Đà tăng của FPT được cho là đón sóng thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Mới đây, chiều ngày 17/11, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), SCIC tổ chức buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu tại FPT, Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) và Domesco (DMC). Đây là những doanh nghiệp đang nằm trong Top 30 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Với FPT, số lượng cổ phiếu chào bán là 31,6 triệu cổ phiếu, tương đương 5,96% vốn điều lệ. Ngày tổ chức chào bán là 11/12. Với hơn 31,6 triệu cổ phần, dự kiến SCIC sẽ thu về hơn 1.800 tỷ đồng nếu chào bán thành công.
Hiện SCIC là cổ đông lớn thứ hai tại FPT sau Chủ tịch Trương Gia Bình (7,14%). SCIC cũng có một đại diện trong HĐQT FPT là ông Lê Song Lai, PTGĐ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.
Kết thúc 10 tháng năm 2017, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của FPT đều ghi nhận tăng trưởng ở mức 2 chữ số. Đây là các tín hiệu tích cực trước khi SCIC chốt giá chào bán gần 6% cổ phiếu FPT.
Doanh thu hợp nhất đạt 34.966 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 2.645 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.226 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.725 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) sau 10 tháng đạt 3.255 đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng lợi nhuận của FPT được đóng góp chủ yếu từ hai lĩnh vực cốt lõi là Công nghệ và Viễn thông, chiếm 73% tổng lợi nhuận toàn tập đoàn.
Tăng trưởng lợi nhuận của FPT trong 10 tháng đầu năm tiếp tục được đóng góp chủ yếu từ hai lĩnh vực cốt lõi là Công nghệ và Viễn thông, chiếm 72% tổng lợi nhuận toàn tập đoàn. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của khối Công nghệ và Viễn thông tăng lần lượt là 12% và 8% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận doanh thu đạt 5.473 tỷ đồng, tăng 16%; LNTT đạt 850 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ năm trước, chiếm gần 1/3 lợi nhuận toàn tập đoàn.
Từ mức giá 50.800 đồng ngày 1/11, kết thúc phiên giao dịch ngày 29/11, FPT đạt mức giá 59.300 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 17% kể từ đầu tháng 11.
>> FPT Under 35 Thái Sơn đi Thụy Sĩ đấu giải Beatbox Thế giới
Nguyên Văn
Ý kiến
()