Chúng ta

Vietstock: ‘FPT là cổ phiếu đáng chú ý trong ngành IT’

Thứ hai, 18/1/2021 | 09:59 GMT+7

Trong góc nhìn đầu tư 2021, bản tin phân tích của Vietstock cho rằng FPT là cổ phiếu đáng chú ý trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông.

FPT hiện định hướng tập trung vào ba hoạt động kinh doanh cốt lõi là công nghệ, viễn thông và giáo dục. Trong đó, khối công nghệ là trụ cột tăng trưởng chính, trong giai đoạn 2020 - 2022, FPT sẽ tập trung phát triển lĩnh vực chuyển đổi số, với mục tiêu doanh thu khối công nghệ đạt 1 tỷ USD vào năm 2021, cùng tốc độ tăng trưởng đạt 40 - 50%/năm.

Ngoài ra, FPT còn thông qua việc thành lập đơn vị kinh doanh mới với tên gọi là FPT Smart Cloud vốn 100 tỷ đồng, tập trung chính vào mảng Cloud (điện toán đám mây) và AI (trí tuệ nhân tạo) với mục dẫn đầu thị trường nội địa trong 5 năm tới.

Goc-nhin-nganh-CNTT-2021-Ky-2-4165-4760-

Nguồn: FPT

Dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song doanh thu mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2020 của FPT vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 12.6%, đạt gần 8,8 ngàn tỷ đồng. Các thị trường kiểm soát dịch bệnh tốt như Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có mức tăng trưởng doanh thu tốt, tương ứng 9% và 44% so với cùng kỳ. Thị trường Mỹ và EU cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan ở mức 7% và 5%.

Trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi số trên toàn cầu vẫn đang diễn ra mạnh mẽ, giới phân tích kỳ vọng doanh thu mảng dịch vụ CNTT của FPT tại các thị trường chủ lực như Nhật Bản, Mỹ sẽ tăng trưởng trung bình 15 - 18%/năm trong giai đoạn 2021-2024.

Goc-nhin-nganh-CNTT-2021-Ky-2-8698-5886-

Nguồn: FPT.

FPT duy trì đường xu hướng (trendline) tăng dài hạn (bắt đầu năm 2016). Đây là hỗ trợ rất đáng tin cậy của giá cổ phiếu trong thời gian qua khi mà nhiều lần giá đã phục hồi mạnh trở lại sau khi về kiểm tra (test) ngưỡng này, đặc biệt là giai đoạn sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của Covid-19 vào những tháng đầu năm 2020.

Xu hướng tăng dài hạn đã được hình thành khi giá hiện đang nằm trên các đường trung bình (SMA) quan trọng. Đường SMA 50 ngày lần lượt nằm trên các đường SMA 100 ngày và 200 ngày.

Hiện tại, FPT tiếp tục bay cao và đang trên hành trình chinh phục những đỉnh cao mới. Giá cổ phiếu đã vượt qua ngưỡng Fibonacci Projection 100% và đang hướng đến ngưỡng Fibonacci Projection 161.8% (tương đương vùng 66.000-67.000). Đây sẽ là kháng cự trong ngắn hạn của FPT.

Trong 10 phiên gần nhất, mã FPT có 8 phiên tăng, 2 giảm. Từ mức giá 60.200 đồng ngày 4/1 cán mốc 66.600 đồng/cổ phiếu ngày 15/1.

Hiện FPT đã có 5 tháng tăng giá liên tục (từ mức 44.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 13/5) và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước đó, trong năm 2020, do tác động của Covid-19, mức giá thấp nhất của cổ phiếu FPT là 33.500 đồng/cổ phiếu được xác lập hồi tháng 3.

Cổ phiếu FPT niêm yết từ cuối năm 2006, đến đầu 2007 có khi cổ phiếu lên tới hơn 600.000 đồng/đơn vị, tuy nhiên sau các đợt điều chỉnh giá vì trả cổ tức, thị giá FPT giảm tương ứng.

Trong trong báo cáo phân tích mới nhất, Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng mảng công nghệ của FPT sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khiến giá mục tiêu cổ phiếu được đẩy lên lên 72.500 đồng.

Tự tin về việc phục hồi tăng trưởng trong năm 2021, SSI nâng P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) mục tiêu cho mảng công nghệ của FPT và nâng giá mục tiêu 1 năm lên 72.500 đồng/cổ phiếu - tương đương mức tăng 16% so với giá hiện tại. “Tổng mức sinh lời là 19% (bao gồm tỷ suất cổ tức 3%), chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu FPT”, báo cáo kết luận.

>> FPT Software lập mới đơn vị Automotive ‘xây’ giấc mơ 200 triệu USD

Ý kiến

()