Chúng ta

Toàn cầu hóa không cần ra nước ngoài

Thứ sáu, 20/3/2015 | 08:50 GMT+7

"Những sinh viên ngoại quốc khi thực tập ở đơn vị sẽ tạo ra môi trường sử dụng ngoại ngữ rất tốt. Sự đa dạng, khác biệt về văn hóa sẽ được hiểu, tiếp cận một cách nhanh nhất", Phó Chủ tịch Đại học FPT Nguyễn Thành Nam chia sẻ trong Global Talk số 1 năm 2015, tổ chức tại tầng 13 FPT Cầu Giấy, Hà Nội, chiều ngày 19/3.

Cuối năm 2012, khi nhận nhiệm vụ mới tại Đại học FPT (FPT University), công việc của anh Nam là phụ trách toàn cầu hóa. Hiểu một cách đơn giản, toàn cầu hóa với Đại học FPT khi ấy là tìm kiếm người nước ngoài (những người không nói tiếng Việt) về dạy và về học. "Nhiệm vụ nghe đơn giản, nhưng mục tiêu 10% số sinh viên ngoại quốc khi ấy lại khó khăn hơn tôi tưởng", anh nhớ lại.

6-4285-1426763747.jpg

Phó Chủ tịch Đại học FPT cho rằng, chiến lược toàn cầu hóa sẽ thành công nếu FPT chấp nhận nhiều người ngoại quốc trong đội ngũ của mình. Việc này cũng cần có sự thống nhất từ cấp cao nhất xuống đến bên dưới.

Qua nhiều nguồn, anh tìm được Hiệp hội các nhà tư vấn tuyển sinh thế giới. Nhưng với tên tuổi chưa được quảng bá, danh tiếng của trường còn chưa vươn xa trên thế giới nên hầu hết mục tiêu ban đầu của anh đều bị sụp đổ. Cơ hội lóe sáng khi được Chủ tịch Hiệp hội "mách nước" về việc mời các Đại lý tuyển sinh sang Việt Nam để giới thiệu, chính lúc ấy, một trong số Đại lý đã chia sẻ với anh rằng: "Sẽ chẳng có ai qua đây học dài hạn". Vì vậy, hướng đi của anh Nam đã chuyển từ đào tạo dài hạn sang ngắn hạn.

Ít lâu sau đó, khi đến thăm một trường đại học của Thái Lan, ngôi trường đã mời giáo viên của Đại học FPT sang dạy về Android, Phó Chủ tịch Đại học FPT nhận ra, rất nhiều trường đang có nhu cầu đưa sinh viên của họ ra nước ngoài, để thực hiện toàn cầu hóa. Ngay lập tức, 60 sinh viên Thái Lan đầu tiên đã sang Việt Nam, mở ra hướng đi mới cho trường.

Phòng tuyển sinh ngắn hạn, thuộc Phòng trao đổi sinh viên Quốc tế, được thành lập. Anh Nam và đồng nghiệp tiếp tục khai phá thị trường Nhật Bản. Khi số lượng sinh viên nước ngoài kiếm về ngày càng đông thì vấn đề đặt ra chính là làm sao để duy trì hoạt động này một cách bền vững.

"Thực tế, điều ban đầu tôi cho là khó nhất lại không phải vấn đề. Để đánh lâu dài, có lẽ phải dựa vào tiềm năng ta có sẵn, đó chính là môi trường FPT với hơn 22.000 người", anh Nam chia sẻ.

2-5399-1426763747.jpg

Nhiều đơn vị cho biết, họ sẽ có kế hoạch cụ thể để đón lứa sinh viên quốc tế tiếp theo của Đại học FPT.

Từ năm 2014, một số chương trình trao đổi sinh viên thực tập tại các đơn vị đã được xúc tiến, nhưng ở quy mô nhỏ. Ban đầu, vài đơn vị bày tỏ lo lắng khi nhận nguồn lực quốc tế từ Đại học FPT, song khi kết thúc quá trình thực tập, việc nhận sinh viên ngoại quốc trong những lần sau đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều.

"Điều tối thiểu nhất khi có sinh viên nước ngoài thực tập chính là đơn vị có môi trường giao tiếp tiếng Anh/ngoại ngữ rất tốt. Yếu tố này vô cùng quan trọng khi FPT đẩy mạnh toàn cầu hóa, bởi đây cũng là điểm chúng ta còn yếu nhất. Sự đa dạng về văn hóa qua những sinh viên quốc tế cũng sẽ giúp FPT đỡ sốc trước những khác biệt. FPT muốn toàn cầu hóa thành công phải chấp nhận nhiều người nước ngoài trong đội ngũ của mình", Phó Chủ tịch Đại học FPT nhấn mạnh.

Theo anh Nam, đây chính là xu hướng nhanh nhất để FPT có thể "hội nhập" ngay tại trong nước. Cùng với việc "chinh chiến" ở nước ngoài, sử dụng sinh viên nước ngoài còn tạo ra ưu thế cạnh tranh cho FPT.

5-9650-1426763747.jpg

Muhamad Faez Bin HJ Ahat cho hay, cậu đã tự tin hơn khi trải nghiệm môi trường làm việc tại FPT.

Trưởng Phòng trao đổi sinh viên Quốc tế, Đại học FPT, Hoàng Văn Cương cho biết, ngay khi Phòng tuyển sinh ngắn hạn được thành lập, số lượng sinh viên nước ngoài được trao đổi tại Đại học FPT đã tăng lên đáng kể. Trung bình mỗi năm, chương trình thu nhận khoảng trên 200 sinh viên tham gia. Hiện tại, thị trường trọng tâm cho hướng đi này gồm có Thái Lan, Nhật Bản, Brunei và Mỹ. Về dài hạn, Đại học FPT sẽ ưu tiên phát triển tại các thị trường Nhật Bản, châu Âu và Mỹ. 

"Không chỉ các trường đại học có mong muốn gửi sinh viên ra nước ngoài, mà bản thân sinh viên cũng mong muốn được trải nghiệm tại đất nước khác. Chưa kể các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng muốn bổ sung nguồn lực ngắn hạn vào tổ chức... Vì vậy, nhiệm vụ của Đại học FPT là kết nối các nhu cầu này với nhau", anh Cương nói.

Trong việc hợp tác nội khối (synvergy) này, Đại học FPT sẽ là đầu mối chính và lựa chọn các ứng viên phù hợp nhất với nhu cầu của đơn vị. Sau khi kết thúc thời hạn, trường tiến hành đánh giá hiệu quả của chương trình. Thời gian cho việc này kéo dài từ một tuần và tối đa là 6 tháng hoặc một năm, tùy theo visa của sinh viên. Hiện, trường đã gửi sinh viên thực tập tại FPT Software, FPT Online, FPT HO (FHR, FCU, FCC).

"Ngoài việc hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ, điều quan trọng nhất tôi mong muốn là việc sử dụng sinh viên ngoại quốc sẽ trở thành một xu hướng trong tập đoàn - toàn cầu hóa không cần ra nước ngoài. Trong việc nâng cao năng lực làm việc của CBNV, Đại học FPT cũng mong muốn đóng góp vào điều này. Hy vọng tập đoàn sẽ sớm có một quy trình thống nhất về việc trao đổi sinh viên giữa các đơn vị", Trưởng Phòng trao đổi sinh viên Quốc tế kỳ vọng.

Nguyễn Thanh Thủy, Ban Truyền thông đối ngoại FPT Software, cho hay, việc có sinh viên nước ngoài đến thực tập đã mang lại nhiều thay đổi cho bộ phận. "Không chỉ cải thiện trình độ ngoại ngữ của các thành viên, hiểu biết về văn hóa mới lạ, sự có mặt của các bạn cũng làm thay đổi cả những điều nhỏ nhặt về cách ăn mặc, giao tiếp... Hơn nữa, có thêm các bạn, bộ phận cũng có thêm nguồn lực chung tay cho một số dự án đang triển khai".

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cũng đến từ rào cản ngôn ngữ và chính công việc mà đơn vị giao cho sinh viên nước ngoài. Bởi vậy, anh Thành Nam nhắn nhủ, các đơn vị có nhu cầu cần nêu rõ công việc định giao cho họ.

Muhammad Faez Bin HJ Ahat, sinh viên Brunei đang thực tập tại Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) chia sẻ, cậu chọn Việt Nam là điểm đến trong khóa thực tập kéo dài 4 tháng bởi trước đây, Faez chưa từng đến dải đất hình chữ S, và cậu mong muốn được trải nghiệm, khám phá văn hóa nơi này. "Người Việt Nam rất thân thiện, tôi muốn học được cách giao tiếp và cải thiện sự tự tin qua chương trình này", Faez tiết lộ. 

Global Talk số đầu tiên của 2015 là những chia sẻ và trao đổi rất cởi mở giữa những diễn giả và đại diện cán bộ tuyển dụng các đơn vị. Trong gần 2 giờ đồng hồ, 40 thành viên đã cùng nghe chia sẻ và kinh nghiệm của các đơn vị trong việc sử dụng sinh viên quốc tế.

Chị Nguyễn Bích Ngọc, FSU11, FPT Software, đánh giá, chương trình này là kênh thông tin rất hiệu quả đối với đơn vị trong việc tìm kiếm các ứng viên. "Đặc biệt với 80% làm cho thị trường Nhật Bản, 20% thị trường nước ngoài, chúng tôi đang chờ đợi lứa sinh viên thực tập tiếp theo của Đại học FPT".

Nhiều đơn vị khác cũng cho biết đã có kế hoạch cho việc sử dụng nguồn lực trẻ do Đại học FPT cung cấp.

Global Talk là chương trình được thực hiện bởi Ban Nhân sự FPT. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi chương trình đào tạo toàn cầu hóa của tập đoàn. Global Talk 2014 số đầu tiên có chủ đề "Toàn cầu hóa - chuyện vừa đi vừa kể" do Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến làm diễn giả và được dẫn dắt bởi Phó TGĐ Công ty TNHH Phân phối Công nghệ Viễn thông FPT (F9, FPT Trading) Nguyễn Duy Hưng.

Thanh Nga

Ảnh: Tuấn Bùi

Ý kiến

()