Chúng ta

SSI phát hành chứng quyền FPT

Thứ năm, 27/6/2019 | 11:31 GMT+7

Công ty Chứng khoán SSI phát hành mã chứng quyền dựa trên chứng khoán FPT với khối lượng 2 triệu đơn vị, cho các kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng.

Công ty Chứng khoán SSI vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép phát hành thêm 5 mã chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant - CW) dựa trên 3 mã chứng khoán cơ sở FPT – Công ty cổ phần FPT, HPG – Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, và MWG – Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động, từ ngày 26-28/6.

Cụ thể, chứng quyền FPT kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng; chứng quyền HPG có các kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng, và chứng quyền MWG có kỳ hạn 6 tháng. Tổng số lượng phát hành lần này là 5 triệu chứng quyền, trong đó riêng mã FPT chiếm 2 triệu đơn vị.

vnp-ssi1-2051-1561609508.png

Thông tin SSI chào bán chứng quyền.

Đối với CW trên chứng khoán cơ sở FPT, kỳ hạn 3 tháng, SSI phát hành 1 triệu CW, giá chứng quyền 3.800 đồng, giá thực hiện 46.000 đồng và tỷ lệ chuyển đổi 1:1. Tương tự, CW trên FPT với kỳ hạn 6 tháng, SSI cũng phát hành 1 triệu CW và chỉ khác ở giá CW là 6.000 đồng.

Trước đó, hồi giữa tháng 6, Công ty Chứng khoán VNDirect cũng được chào bán chứng quyền có bảo đảm với mã chứng khoán cơ sở FPT. Cụ thể, tổng lượng phát hành là 2 triệu chứng quyền. Loại chứng quyền Mua, kiểu chứng quyền châu Âu và thời hạn là 3 tháng. Theo quy định, CW có kỳ hạn từ 3-24 tháng. Các công ty chứng khoán trong đợt phát hành đầu tiên chủ yếu tập trung vào kỳ hạn 3 tháng.

Về tỷ lệ chuyển đổi, VNDirect phát hành tỷ lệ 2:1 (2 chứng quyền đổi 1 cổ phiếu cơ sở), dựa trên mã cổ phiếu cơ sở FPT với khối lượng 2 triệu đơn vị.

Trong phiên giao dịch hôm nay (ngày 27/6), cổ phiếu FPT giao dịch ở mức 45.850 đồng. Cùng thời điểm, FPT vừa báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM về việc thay đổi thông tin công bố vốn điều lệ. Theo đó, FPT ghi nhận số vốn điều lệ mới là 6.783.586.880.000 đồng.

Việc tăng vốn của FPT được thực hiện thông qua phát hành hơn 61,6 triệu cổ phần trả cổ tức bằng cổ phiếu, với tổng mệnh giá phát hành hơn 616 tỷ đồng. Số lượng phát hành tương ứng với 10% vốn điều lệ. Vốn phát hành được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2018 trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

>> SCIC lên kế hoạch thoái vốn tại FPT thu về nghìn tỷ

Thị trường CW sẽ vận hành với sản phẩm đầu tiên là chứng quyền mua (có quyền mua cổ phiếu tại giá xác định tại thời điểm xác định trong tương lai), kiểu châu Âu (tất toán tại thời điểm đáo hạn) và thanh toán bằng tiền mặt.

Theo công bố của HoSE, hiện có 26 mã cổ phiếu đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW, bao gồm FPT, CII, CTD, DHG, DPM, EIB, GMD, HDB, HPG, MBB, MSN, MWG, NVL, PNJ, REE, ROS, SBT, SSI, STB, TCB, VHM, VIC, VJC, VNM, VPB và VRE.

Theo SSI, sản phẩm CW khi ra đời sẽ thu hút được phần đông nhà đầu tư tham gia giao dịch. Sản phẩm CW sẽ mang tới cơ hội cho nhà đầu tư được giao dịch với tỷ lệ đòn bẩy cao hơn nhiều so giao dịch ký quỹ hiện tại, quy mô vốn bỏ ra ban đầu thấp, không phải chịu chi phí lãi vay margin, rủi ro thua lỗ gói gọn trong phần quyền phí bỏ ra ban đầu.

Tiêu chí để trở thành chứng khoán cơ sở cho CW là thuộc nhóm VN30, có giá trị vốn hoá trong 5 tháng gần nhất đạt 5.000 tỷ đồng, khối lượng giao dịch bình quân trên 50 tỷ đồng/ngày, hoặc khối lượng giao dịch tối thiểu bằng 25% lượng cổ phiếu tự do lưu hành (free float) bình quân trong 6 tháng gần nhất. Bên cạnh đó, cổ phiếu phải có tỷ lệ Free float tối thiểu 20%, thuộc doanh nghiệp không có lỗ luỹ kế và kỳ hiện tại có lãi.

Chính thức được giới thiệu từ năm 2017, đến nay CW bắt đầu được ra mắt bởi một số công ty chứng khoán. Chứng quyền bảo đảm là sản phẩm do công ty chứng khoán phát hành và được niêm yết trên sàn chứng khoán, có mã giao dịch riêng và có hoạt động giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở. Công ty chứng khoán được phát hành chứng quyền đảm bảo là công ty được Ủy ban chứng khoán nhà nước cấp phép. Chứng quyền đảm bảo luôn gắn với một mã chứng khoán cơ sở để làm căn cứ tham chiếu xác định lãi/lỗ.

Chứng quyền đảm bảo là sản phẩm khá phổ biến tại một số thị trường phát triển với mục đích cung cấp thêm cho nhà đầu tư công cụ đầu tư, đặc biệt giúp giải bài toán “hết room” tại một số cổ phiếu bị giới hạn tỷ lệ sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài. Điểm nổi trội là nhà đầu tư có thể bỏ ra một khoản tiền là giá của chứng quyền kèm phí thực hiện, nhỏ hơn so với giá trị của cổ phiếu để đầu tư gián tiếp dựa vào kỳ vọng tăng giá của cổ phiếu đó.

Đây còn là công cụ đầu tư giúp giảm thiểu mức lỗ trong trường hợp chứng khoán cơ sở có xu hướng đi xuống, thay vì chịu mức giảm trực tiếp trên giá cổ phiếu.

Hà An

Ý kiến

()