Tuần qua, FPT có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT tăng 1.500 đồng (+3,35%) từ 44.800 đồng lên 46.300 đồng.
Trong phiên giao dịch sáng 26/6, cổ phiếu của tập đoàn có lượng giao dịch lớn nhất trong vòng hơn một tháng qua, với hơn 4 triệu cổ phiếu được giao dịch. Giá đóng cửa phiên thứ Sáu, ngày 26/6, là 46.300 đồng. |
SSI nhận định, FPT vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1, theo đó doanh thu và lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng vọt tương ứng 30% và 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cốt lõi chủ yếu nhờ đóng góp từ hoạt động phân phối - bán lẻ điện thoại di động. Doanh thu từ mảng phân phối và bán lẻ và mảng gia công phần mềm tăng tương ứng 35% và 44%.
“Cần lưu ý rằng, từ tháng 7/2014, FPT bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh của FPT Slovakia vào báo cáo tài chính công ty. Doanh thu từ hoạt động phân phối tăng nhờ sự ra mắt của iPhone 6 và iPhone 6 Plus vào cuối năm 2014. Tăng trưởng doanh thu từ hoạt động bán lẻ có được nhờ sự mở rộng của chuỗi bán lẻ và sự phát triển không ngừng của thị trường điện thoại di động”, Công ty Chứng khoán Sài Gòn phân tích.
“Với kết quả kinh doanh 5 tháng khả quan nên SSI tiếp tục lặp lại khuyến nghị mua cổ phiếu FPT tại giá mục tiêu 1 năm là 52.000 đồng/cổ phiếu (+16,1% so với mức giá hiện tại)”, công ty này đưa ra nhận định.
Cùng thời điểm, VPBS và MBKE cũng đưa ra khuyến nghị mua dài hạn đối với cổ phiếu FPT với mức giá mục tiêu “12 tháng là 51.000 đồng/cổ phiếu” theo khuyến nghị của VPBS trong khi MBKE cho rằng giá mục tiêu sẽ là 54.000 đồng/cổ phiếu.
Phiên giao dịch cuối tuần qua, các cổ phiếu “kín room” như VNM, FPT, TCM, VSC, SSI, HCM… đều tăng điểm mạnh với kỳ vọng nới room cho khối ngoại. VnIndex đóng cửa giảm 6,24 điểm (1,06%) xuống 581,75 điểm, tương tự HNX-Index giảm 0,93 điểm (1,07%) xuống 85,52 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 26/6, đạt 213 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 3.910 tỷ đồng. Số mã giảm điểm là 234 mã, trong khi chỉ có 192 mã tăng điểm.
Thông tin “nóng hổi” vừa được Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiễn Dũng công bố chính là Nghị định 58 sửa đổi đã được Thủ tướng Chính phủ ký. Chưa có chi tiết về việc này nhưng trước đó, thị trường kỳ vọng việc sửa đổi nghị định này sẽ giúp dòng vốn ngoại đổ mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo Bloomberg, việc Việt Nam loại bỏ giới hạn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều công ty niêm yết, đây là một bước đi nhằm thúc đẩy dòng vốn đầu tư và giảm bớt những biến động thị trường.
“Ngay khi việc nới room được diễn ra, bạn sẽ thấy một cuộc chạy đua để mua các cổ phiếu Bluechips”, Bloomberg dẫn lời ông Patrick Mitchell, trưởng bộ phận khách hàng tổ chức của VinaSecurities nhận định.
Trong khi đó, ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư Vinacapital, cho rằng, việc nới room cho khối ngoại lên mức tối đa sẽ giúp thay đổi cuộc chơi và “ngay lập tức khiến Việt Nam trở thành thị trường mới nổi hấp dẫn nhất châu Á”.
>> FPT được khuyến nghị đầu tư dài hạn
Nguyên Văn
Ý kiến
()