Sự kiện người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, được nhận định là sẽ tác động đến các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam theo cả chiều tích cực và tiêu cực dựa trên yếu tố tỷ giá.
Trong một báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) đã lượng hóa tác động của Brexit đến các doanh nghiệp trong bối cảnh đồng Euro và Yên biến động mạnh do ảnh hưởng của Brexit.
Hiện, Nhật Bản là thị trường lớn nhất của FPT. Tại đây, FPT đã có mối quan hệ hợp tác sâu rộng với nhiều khách hàng lớn. Sau 5 tháng đầu năm, thị trường này tiếp tục đóng góp lớn vào tổng doanh thu của tập đoàn với mức tăng trưởng 58%, đưa lợi nhuận từ toàn cầu hóa tăng 45% sau 5 tháng. Ảnh: FPT Japan. |
SSI Research cho biết, phần lớn các khoản nợ nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam là bằng đồng USD. Trong khi đó, các công ty vay nợ bằng đồng Euro và Yên thường là những công ty cần nhập khẩu máy móc thiết bị từ châu Âu hoặc nằm trong các chương trình cho vay của chính phủ các nước châu Âu và Nhật Bản.
Do đó, việc đồng Euro mất giá có thể làm lợi cho các công ty vay nợ bằng đồng Euro hoặc nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU, nhưng có thể gây thiệt hại cho các công ty có tài sản và các khoản phải thu bằng đồng Euro hoặc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.
Ngày 24/6, khi có kết quả trưng cầu dân ý về Brexit, đồng Euro đã mất giá mạnh 2,4%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đồng tiền này vẫn tăng 2,3% so với USD, và cũng tăng 1,52% so với đồng đồng Việt Nam.
Ngược lại, đồng Yên ngày 24/6 đã tăng tới 3,8% và tính từ đầu năm đến nay cũng tăng 17,6% so với đồng USD. So với đồng tiền Việt Nam, đồng tiền Nhật Bản đã tăng 16,7% kể từ đầu năm.
Theo phân tích của SSI Research, đồng Yên lên giá có thể đem lại lợi ích cho các công ty xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Nhật Bản, trong khi có thể tác động tiêu cực đến các công ty Việt Nam vay nợ bằng đồng tiền này.
SSI Research liệt kê những công ty được hưởng lợi từ “Brexit” gồm Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Xi măng Hà Tiên 1 (HT1), Xi măng Bỉm Sơn (BCC).
Trong khi các công ty trên “đắc lợi” từ việc đồng tiền chung châu Âu giảm giá, FPT lại được kỳ vọng có thêm doanh thu từ việc đồng Yên tăng giá. Theo phân tích, mỗi năm FPT xuất khẩu khoảng 100 triệu USD giá trị dịch vụ gia công phần mềm sang Nhật Bản, nếu đồng Yên cứ tăng giá 1%, doanh số xuất khẩu sang thị trường này của FPT có thể tăng thêm khoảng 1 triệu USD.
Ngoài ra, SSI Research cũng đánh giá những công ty gặp bất lợi gồm: Nhiệt điện Phả Lại (PPC), Thủy sản Hùng Vương (HVG), Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC), Thực phẩm Sao Ta (FMC).
>> FPT lọt Top 5 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam
Nguyên Văn
Ý kiến
()