Chúng ta

FPT lọt Top 5 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam

Thứ ba, 28/6/2016 | 14:17 GMT+7

Tập đoàn cùng Vinamilk, Viettel, Vingroup và Sabeco là nhóm dẫn đầu trong 40 thương hiệu giá trị nhất do Forbes Việt Nam lần đầu công bố.

Các thương hiệu khác trong Top 10 lần lượt gồm: VietinBank, VietcomBank, Masan, BIDV và Vietnam Airlines. 

Forbes Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên tạp chí này thực hiện danh sách 40 thương hiệu công ty trị giá nhất Việt Nam, với tổng giá trị thương hiệu xấp xỉ 5 tỷ USD. Dẫn đầu là Vinamilk, 1,52 tỷ USD. Forbes định giá thương hiệu FPT là 171 triệu USD, hơn gấp đôi Vietnam Airlines, với 78 triệu USD.

70% thương hiệu trong danh sách thuộc nhóm hàng tiêu dùng trong khi nhóm công nghệ - viễn thông chỉ có 3 đại diện (Viettel - 752 triệu USD, FPT - 171 triệu USD và VNG - 35,5 triệu USD). “Hầu hết các thương hiệu giá trị nhất được xây dựng trong vòng 20 năm qua”, Forbes Việt Nam nhận định. 

thuong-hieu-fpt-JPG-2330-1467097566.jpg

Thương hiệu FPT đứng thứ 5 với 171 triệu USD trong khi thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thuộc về Vietinbank được định giá ở mức 147 triệu USD, xếp thứ 6.

Forbes Việt Nam thực hiện danh sách theo phương pháp đánh giá của Forbes toàn cầu, tính toán đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. “Phương pháp này đòi hỏi phải có các số liệu tài chính minh bạch, cho nên một số công ty có thương hiệu đáng chú ý không được đánh giá do thiếu số liệu tài chính như Novaland, Tân Hiệp Phát, Eurowindow…

Thay vì sử dụng bảng thăm dò tiêu dùng rối rắm, Forbes đo lường giá trị của một thương hiệu bằng cách nhìn vào những số liệu tài chính. Những thương hiệu giá trị nhất là những thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong những ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.  

Forbes Việt Nam bắt đầu bằng một danh sách hơn 300 thương hiệu và loại bỏ những thương hiệu nước ngoài dù được sản xuất tại Việt Nam. Bước đầu tiên, Forbes xác định thu nhập trước chi phí vốn vay và thuế cho mỗi thương hiệu. “Chúng tôi thu thập những số liệu này dựa vào báo cái tài chính của mỗi công ty, số liệu nghiên cứu từ các công ty chứng khoán và giới chuyên gia trong ngành”, Forbes Việt Nam cho hay.

Kế tiếp, tạp chí này lấy số liệu trung bình của ba năm gần nhất và trừ một mức bằng 8% vốn. Mục đích là đảm bảo các thương hiệu này có khả năng kiếm được ít nhất 8% vốn bỏ ra.

Sau đó, Forbes áp dụng mức thuế suất doanh nghiệp 22% cho dữ liệu tài chính năm 2015 để tìm ra lợi nhuận ròng. Sau khi lấy được lợi nhuận, họ nhân với hệ số P/E trung bình ba năm để ra giá trị thương hiệu. Với các công ty không niêm yết, họ sử dụng hệ số P/E của các doanh nghiệp đại chúng cùng ngành.

Tháng 6, hàng loạt tin vui đến với FPT khi tập đoàn liên tiếp có mặt trong các bảng xếp hạng danh giá, uy tín hàng đầu thế giới: FPT tiếp tục lọt Top 300 châu Á do Tạp chí Nikkei của Nhật Bản bình chọn, Top 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam của tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, Vượt Google và Microsoft, FPT là nhà tuyển dụng lý tưởng nhất Việt Nam (Tổ chức Universum, Thụy Điển mới công bố).

>> Cú sốc Brexit, Chủ tịch FPT vẫn kiếm 17 tỷ một tuần

Nguyên Văn

Ý kiến

()