Ngày 24/5, trong khuôn khổ chuyến thăm và khảo sát về chính phủ số và dữ liệu mở gắn với cải cách, hiện đại hóa hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có buổi làm việc và ăn tối với 12 doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc như LG, Samsung, Lotte, SK Holdings… Chủ tịch FPT Trương Gia Bình là đại diện doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng đoàn.
Tại buổi gặp, lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung SDS, đã đề xuất tham gia triển khai chính phủ điện tử, thành phố thông minh, nhà máy thông minh, đào tạo nhân lực CNTT cũng như đưa các công nghệ mới nhất như Internet công nghiệp (IIoT), Blockchain, Dữ liệu lớn vào ứng dụng tại Việt Nam.
Đoàn Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và đại diện các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc. |
Trong khi đó, LG Electronics đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng đào tạo nhân lực CNTT. Đại diện tập đoàn này cho biết, “nếu Chính phủ Việt Nam có những hỗ trợ về mặt ưu đãi thuế, nguồn vốn đầu tư công nghệ…. chúng tôi có thể thiết kế và cung cấp nhiều chương trình đào tạo đa dạng hơn nữa, và sẽ đóng góp vai trò lớn vào việc giao lưu, phát triển CNTT giữa hai quốc gia”.
Đại gia Hanwha mong muốn có thể kết nối với các doanh nghiệp, các tổ chức của Việt Nam quan tâm đến chuyển đổi số. Đại diện tập đoàn tiết lộ Hanwha đang phát triển dự án Multi Robot Data Acquisition and Monitoring System (Hệ thống vận hành và thu thập dữ liệu đa robot) và mong muốn các doanh nghiệp lớn như FPT cùng hợp tác.
Ngoài ra, lãnh đạo của các tập đoàn lớn như Lotte, CJ cũng rất mong muốn hợp tác phát triển các thành phố thông minh tại Việt Nam và hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để triển khai chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Chia sẻ với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, nhà máy thông minh cũng như ứng dụng các công nghệ mới Blockchain, IoT đều là những chiến lược phát triển về công nghệ thông tin, minh bạch hoá, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, hướng tới một cuộc sống tiện nghi, hiện đại hơn cho người dân.
"Mục tiêu của đoàn công tác sang Hàn Quốc lần này là nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các bạn về phát triển Chính phủ điện tử để xây dựng chiến lược và kế hoạch cụ thể cho Việt Nam", Bộ trưởng nhấn mạnh và cho hay, sau khi hoàn thành chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc, Văn phòng Chính phủ sẽ thành lập các nhóm tư vấn gắn với từng dự án cụ thể (Trung tâm Dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công...) gồm cả các chuyên gia tư vấn quốc tế để xây dựng kế hoạch, lộ trình và cách thức triển khai cho Việt Nam. Và trong quá trình đó rất mong sự hợp tác, tư vấn, hỗ trợ từ các tập đoàn lớn Hàn Quốc.
Trong vai trò kết nối các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia sự kiện này, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng khẳng định Việt Nam là một trung tâm sản xuất với rất nhiều nhà máy lắp ráp, sản xuất linh kiện, sản xuất may mặc, giầy dép. "Bài toán áp dụng công nghệ để tối ưu vận hành sản xuất là một vấn đề thiết yếu để giảm chi phí vận hành và rút ngắn thời gian sản xuất", anh Bình bày tỏ. "Vì vậy, nhà máy thông minh là một hướng đi về công nghệ mà chúng tôi đang tập trung phát triển. Chúng tôi rất hoan nghênh mô hình SK Holdings đề xuất, FPT sẽ cam kết hỗ trợ tối đa cho SK Holdings”.
SK Group, hay còn gọi là SK Holdings, được thành lập vào năm 1953 bởi Chey John Hyun. SK là chaebol lớn thứ 3 tại Hàn Quốc với hơn 80 công ty con hoạt động trong 3 lĩnh vực chủ yếu: Năng lượng và hóa chất, bán dẫn và công nghệ, marketing và dịch vụ. Công ty con SK Hynix là hãng sản xuất chíp lớn thứ 2 thế giới sau Samsung Electronics. Năm 2014, doanh thu của SK đạt 156,6 tỷ USD, nhiều hơn General Electric Co.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình (thứ hai từ trái sang), cùng GĐ FGA Nguyễn Đức Kính (bên trái) và GĐ FPT Korea Nguyễn Quốc Hưng (phải) tặng quà cho một đại diện tham gia buổi gặp gỡ. |
Chủ tịch FPT cũng cho biết thêm, trong lĩnh vực CNTT, Việt Nam đang có cơ hội làm việc với những công nghệ mới nhất, những dự án quy mô lớn và các tập đoàn hàng đầu thế giới. Hơn nữa CNTT là một ngành có nhiều cơ hội thay đổi và thành công trong thời gian ngắn nhất. "Hãy nhìn những công ty công nghệ thành công gần đây như Uber, Airbnb, Netflix đều áp dụng những công nghệ mới và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ ra toàn thế giới, biến đổi hoàn toàn thói quen người dùng. Chúng tôi tin rằng đầu tư vào lĩnh vực IT sẽ giúp chúng tôi có những tên tuổi và có thể dẫn đầu trong khu vực và tương lai xa có thể là thế giới", anh Bình kỳ vọng.
Trước đó, từ năm 2016, FPT thành lập văn phòng tại Hàn Quốc nhằm tìm kiếm, khai thác và mở rộng cơ hội tiếp cận các tập đoàn lớn của Hàn Quốc trong các mảng công nghệ chiến lược gồm nhà máy thông minh, công nghệ ô tô, điện tử tiêu dùng và giải trí đa phương tiện. Với tốc độ tăng trưởng 300%/năm, Hàn Quốc đang là thị trường chiến lược của FPT. Hiện FPT có mặt tại 33 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong 4 tháng đầu năm 2018, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT chiếm tới 38% tổng doanh thu toàn Tập đoàn, tương đương 2.453 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ.
Trong mảng công nghệ ô tô, FPT Hàn Quốc đang phát triển IVI (In-Vehicle Infortainment - hệ thống thông tin - giải trí trong xe ô tô) cho một trong các thương hiệu lớn nhất Hàn Quốc. Đây là hệ thống điều khiển tương tác giữa người lái (driver) và xe, bao gồm tất cả thông tin tình trạng của ô tô, dẫn đường, giải trí...
Mới đây, FPT Korea cũng vừa ký thỏa thuận giữa với hai đối tác (Inter Solution Technology - IST và Two-tone) về việc hỗ trợ triển khai công việc liên quan tới nguồn lực và quảng bá hình ảnh tại Việt Nam và Hàn Quốc. Các mảng công việc sẽ liên quan tới trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), xe tự hành và nhà máy thông minh như một phần của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ba bên sẽ hợp tác để mở rộng thị trường toàn cầu bằng cách chia sẻ mạng lưới kinh doanh, bí quyết, công nghệ tích lũy và nguồn nhân lực. Thỏa thuận hướng đến cung cấp các giải pháp thông minh cho hàng triệu công ty vừa và nhỏ, không chỉ các công ty Hàn Quốc mà cả Đông Nam Á và Trung Quốc.
Mục tiêu của FPT là đến năm 2020 sẽ có 1.000 kỹ sư trình độ cao, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn để đáp ứng nhu cầu của thị trường này, góp phần nâng cao mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin. FPT cũng đặt mục tiêu thị trường này đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 60-80%/năm trong thời gian tới và đưa thương hiệu FPT vào top 5 những công ty cung cấp dịch vụ ITO lớn nhất tại thị trường này.
Hàn Quốc hiện là một trong các quốc gia có đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Trong 3 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc đã vươn lên vị trí số 1 với tổng đầu tư đạt 59 tỷ, kim ngạch song phương đạt 64 tỷ USD, mục tiêu nâng lên 100 tỷ USD vào 2020.
>> CDO FPT Japan: 'Onsite và Offshore cần hiểu nhau để chạy nhanh hơn'
Chi Vy
Ý kiến
()