Chúng ta

'Sendo.vn tìm đường lấn sân mảng giáo dục trực tuyến'

Thứ ba, 7/5/2019 | 11:25 GMT+7

Mục tiêu đạt tổng số tiền hàng hóa bán được trên nền tảng (GMV) là 1 tỷ USD vào năm 2020 của Sendo.vn không còn là thách thức. Tìm hiểu và lấn sân mảng giáo dục là một chiến lược mới của sàn thương mại điện tử nhà F.

Trang Tech in Asia cho hay, tháng 8/2018, sàn thương mại điện tử Sendo.vn (Sen Đỏ) đã nhận khoản đầu tư 51 triệu USD từ các quỹ lớn châu Á, dẫn đầu bởi tập đoàn tài chính khổng lồ SBI Group, và từ đó tiếp tục có nhiều hoạt động, chiến lược mới.

Nhận thấy rất nhiều người sống ở các thành phố hạng 2, hạng 3 muốn có hàng hóa từ các thương hiệu mà địa phương chưa có cửa hàng, Sendo.vn đã ra mắt SenMall dành cho người tiêu dùng vào tháng 9/2018. SenMall hiện kết nối khách hàng của mình với hơn 2.000 thương hiệu quốc tế như gã khổng lồ trong ngành hàng tiêu dùng Unilever, Procter & Gamble (P&G), cũng như hãng điện tử Oppo hay tập đoàn chuyên sản xuất dược phẩm và trang thiết bị y tế Braun.

Cùng với đó, sân chơi thương mại điện tử cũng đang trở nên đông đúc. Bên cạnh Sendo.vn còn có các “ông lớn quốc tế” Lazada, Shopee, cũng như các đối thủ địa phương như Tiki. Tuy nhiên, trong khi tài nguyên của Sendo.vn có thể nhỏ so với các đại gia quốc tế, khả năng tập trung tất cả vào chỉ một thị trường lại là một lợi thế. Thương mại điện tử Việt Nam đang được đánh giá là đầy tiềm năng. Thị trường đã phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 38%, với GMV đạt 2,8 tỷ USD vào năm 2018 và đang hướng tới mốc 15 tỷ USD vào năm 2025, theo báo cáo gần đây của Google và Temasek.

CEO Trần Hải Linh lạc quan: “Chúng tôi đã thành công ở những bước khởi đầu. Năm nay sẽ là một bước ngoặt. Thị trường sẽ phát triển nhanh hơn rất nhiều, chúng ta sẽ thấy các doanh nghiệp quốc tế lớn và các sàn trong nước không có sự chênh lệch nhiều, và khách hàng cũng dần quen thuộc hơn với thương mại điện tử”. Theo anh, mặc dù hiện chỉ có 3% thị phần bán lẻ thuộc về thương mại điện tử, mọi người đang dần quen hơn với việc mua sắm trên mạng.

21430056-10155877216934604-540-9878-2501

Anh Trần Hải Linh (giữa), CEO Sendo.vn cùng với Chủ tịch Nguyễn Đắc Việt Dũng (trái) và PTGĐ Nguyễn Phương Hoàng.

Với sự bùng nổ thương mại điện tử, dịch vụ logistic (hậu cần, giao nhận) cũng phát triển. CEO Sendo.vn cho biết các dịch vụ hậu cần của Việt Nam đã nhận các khoản đầu tư đáng kể. Mọi người cũng nói nhiều hơn về giao hàng siêu tốc cũng như các trung tâm phân loại và hoàn thiện đơn hàng. Mặc dù không có đội giao hàng riêng, Sen Đỏ đang thực hiện giao hàng nhanh bằng cách hợp tác với Grab.

Tuy nhiên, về vấn đề thanh toán, Việt Nam đang tụt hậu so với các nước láng giềng trong khu vực. Khoảng 70% tất cả các giao dịch trong nước vẫn được thực hiện bằng cách trả tiền mặt khi giao hàng - một tỷ lệ cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á. Theo Giám đốc Hải Linh, điều này là do phần lớn người tiêu dùng ở Việt Nam vẫn chưa bị thuyết phục sử dụng thanh toán điện tử. “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Sendo.vn cung cấp cho mọi người điều kiện tốt nhất để sử dụng thương mại điện tử. Vì vậy, nếu thương mại điện tử phát triển nhanh hơn và mạnh hơn, thì sẽ có nhiều thay đổi hơn về mặt thanh toán”.

Vượt qua mục tiêu GMV của chính mình

Sendo.vn đã đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD GMV (tổng số tiền hàng hóa bán được trên nền tảng) vào năm 2020. Khi được hỏi liệu đội có đang đi đúng hướng để đạt được điều đó không, anh Nguyễn Hải Linh trả lời Tech in Asia: “Chúng tôi thực sự đã làm điều đó sớm hơn nhiều”.

Sự lạc quan này hoàn toàn có cơ sở. GMV của Sendo.vn đã tăng trưởng trung bình khoảng 3 lần mỗi năm. “Cuối năm ngoái, chúng tôi đã thực hiện đánh giá và nhận ra Việt Nam đã đạt đến điểm mà thị trường cởi mở hơn nhiều với thương mại điện tử, vì vậy Sen Đỏ đang nắm bắt điều đó. Thật ra, chúng tôi đã đánh giá thấp thị trường. Chúng tôi tin rằng không cần đợi thêm 24 tháng nữa cho mục tiêu 1 tỷ USD”, CEO Hải Linh tin tưởng.

sendo-vn-headline-photo-6491-1557201296.

GMV của Sendo đã tăng trưởng trung bình khoảng 3 lần/năm. 

Tuy nhiên, các đối thủ của Sendo.vn cũng đã nhìn thấy những con số tích cực. Vậy Sen Đỏ có hoạch định gì đặc biệt? SenMall - nền tảng B2C là một phần trong chiến lược của thương hiệu này. Sàn thương mại điện tử nhà F cũng giới thiệu các dịch vụ số khác như nạp tiền điện thoại di động, thanh toán hóa đơn tiện ích (điện, nước) và đặt vé máy bay.

Một phần quan trọng khác trong cách tiếp cận của Sendo.vn là SenPay - ví điện tử được cấp phép. Công ty dự định mở rộng các trường hợp sử dụng SenPay, một động thái quan trọng để thúc đẩy việc áp dụng thanh toán điện tử.

Nhắm mục tiêu người học trực tuyến

Đáng ngạc nhiên, Sendo.vn cũng đang tìm hiểu về giáo dục. “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng giáo dục là mảng mới mà chúng tôi có thể cung cấp. Nhưng khi nói chuyện với khách hàng, chúng tôi nhận ra rằng rất nhiều người ở Việt Nam cần tìm các khóa học trực tuyến”.

Không phải là các khóa học trực tuyến chưa có sẵn trong nước. Nhưng trong khi nhiều công ty có trụ sở tại Hà Nội và TP HCM đã cung cấp các khóa học, thì họ lại thiếu cơ sở tài chính để tiếp thị sản phẩm, anh Linh nói. Vì vậy, Sendo.vn có thể tham gia. “Chúng tôi đã có nền tảng và sở hữu ví điện tử. Sen Đỏ có thể đưa những khóa học này lên nền tảng của mình”. 

Ngoài việc ra mắt các khóa học giáo dục trong quý này, Sendo.vn cũng muốn tăng gấp đôi quy mô của đội ngũ lên khoảng 1.000 người, cũng như tăng cường sức mạnh hệ thống, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, mọi thứ còn đang trong quá trình triển khai, nhưng CEO Hải Linh bật mí học máy (machine learning) đã là một phần quan trọng trong hoạt động của Sendo.vn, thể hiện qua kết quả tìm kiếm của khách hàng cho đến chatbot. “Chúng tôi đang triển khai chatbot với hy vọng giảm số lượng truy vấn được xử lý thủ công ít nhất 50%”.

Trong khi các trang thương mại điện tử lâu nay không tham gia thị trường học trực tuyến, nhưng điều này cũng không gây khó khăn cho Sendo.vn. Cung cấp các khóa học trực tuyến cho người dân, theo người điều hành sàn thương mại điện tử nhà F, mảng mới không khác gì bán sản phẩm hiện tại. Giáo dục chỉ đơn giản là một sản phẩm có thể tận dụng bán từ lưu lượng truy cập trang.

Tuy nhiên, trong tất cả các thay đổi và kế hoạch lớn, CEO Sendo.vn muốn đảm bảo rằng cốt lõi của doanh nghiệp - trọng tâm thị trường duy nhất của Sendo - vẫn không thay đổi. Đó là một mô hình đã vận hành tốt cho đến thời điểm hiện tại.

Sendo.vn đang có vị trí tốt trên thị trường, nhưng khoảng 5-10 năm nữa thì sao? Điều gì xảy ra khi kinh tế Việt Nam phát triển hơn hơn và người dân ở các thành phố hạng 2 hoặc hạng 3 không còn khó khăn để có được hàng hóa mà họ muốn?

Sen Đỏ có một ý tưởng rõ ràng về các bước tiếp theo. “Bây giờ, những gì chúng tôi muốn là mang thương mại điện tử đến với nhiều người hơn cho và để họ gắn bó với nền tảng của chúng tôi. Khi thị trường phát triển hơn, khi mọi người có nhu cầu phức tạp hơn, chúng tôi sẽ cung cấp những nhu cầu đó. Vẫn có rất nhiều thứ có thể làm trong khoảng thời gian từ bây giờ đến 10 năm sau. Đó là tại sao chúng tôi vẫn chỉ tập trung vào Việt Nam”, anh Linh nhấn mạnh.

Sendo.vn (Siêu chợ Sen Đỏ) ra mắt người dùng vào tháng 9/2012 và là chợ trực tuyến kết nối người mua và người bán trên toàn quốc. Sendo.vn là một thành viên của tập đoàn FPT và được các nhà đầu tư Nhật Bản rót vốn từ năm 2014.

>> Sendo tung hàng loạt khuyến mãi đón đầu thị trường Việt Nam

Hà An

Ý kiến

()