Chúng ta

Phụ huynh tin tưởng chương trình 10.000 BrSE

Thứ sáu, 4/9/2015 | 09:36 GMT+7

"Tôi đặc biệt tin tưởng vào chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối do FPT Software triển khai. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để con tôi trưởng thành cũng như có được công việc yêu thích mà bấy lâu nay đã theo đuổi", cô Vũ Thị Ngọc, phụ huynh học viên Đào Ngọc Lễ, chia sẻ.

Chiều ngày 3/9, lễ ra quân chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE) đợt 3 đã diễn ra tại tòa nhà FPT Đà Nẵng với sự tham gia của 21 học viên, lãnh đạo FPT Software Đà Nẵng, Học viện Meros, Ngân hàng TMCP Tiên Phong và phụ huynh. Các học viên sẽ sang Nhật cuối tháng 9, để kịp nhập học trong tháng 10. Ngoài Đà Nẵng, TP HCM và Hà Nội cũng đồng loạt triển khai cấp giấy phép lưu trú, trao huy hiệu và cấp hợp đồng tín dụng ngân hàng cho các học viên lần lượt vào ngày 1 và 4/9.

DSC-0391-JPG-2067-1441297140.jpg

21 học viên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên có mặt rất sớm tại tòa nhà FPT Đà Nẵng để tham dự lễ ra quân chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối năm 2015. Trước đó,  FPT đã đưa 266 học viên sang Nhật theo chương trình đào tạo BrSE. Mục tiêu trong năm 2016, con số này sẽ tăng lên 1.000 người.

Chia sẻ tại buổi lễ, GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương khẳng định, công ty đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để giúp học viên trở thành chuyên gia tiếng Nhật trong lĩnh vực CNTT. Từ đó giúp cho sự hợp tác, phát triển giữa Việt Nam và Nhật Bản lên một tầm cao mới. Hiện FPT với hàng trăm khách hàng, đối tác lớn tại Nhật chính là cơ hội để các học viên mở cánh cửa trở thành công dân công nghệ toàn cầu.

"10.000 Kỹ sư cầu nối là một chương trình lớn dành cho công ty cũng như cá nhân các học viên. Ngoài những khó khăn và thử thách phía trước, học viên tham gia khóa đào tạo đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp. Riêng FPT Software Đà Nẵng đang rất cần Kỹ sư cầu nối. Và chúng tôi luôn mở rộng cách tay chào đón các bạn", anh Phương chia sẻ.

Trên cương vị Giám đốc chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối và là người có thâm niên làm việc tại FPT Software được 15 năm, chị Quách Liễu Hoàn cho biết, số lượng kỹ sư CNTT biết tiếng Nhật hiện tại quá ít dù thị trường này đang chiếm thị phần lớn nhất. "BrSE là chương trình rất tâm huyết của Phần mềm FPT. Do đó, nguyên TGĐ FPT Software Nguyễn Thành Lâm đã tham gia làm Giám đốc dự án ngay từ đầu. Hiện đơn vị có 7.000 người thì có tới 4.000 làm thị trường Nhật Bản nhưng lượng kỹ sư CNTT biết tiếng Nhật không đủ để hỗ trợ. Vì vậy, 10.000 kỹ sư cầu nối được xem như bài toán rất hợp lý".

DSC-0443-JPG-6791-1441297141.jpg

GĐ FPT Software Đà Nẵng Nguyễn Tuấn Phương lần lượt trao huy hiệu chương trình cho 21 học viên cũng như giấy phép lưu trú và hợp đồng tín dụng ngân hàng.

Đứng trước cơ hội lớn để thay đổi bản thân cũng như tương lai, cựu sinh viên Đại học FPT Đà Nẵng Nguyễn Xuân Hoàng cho rằng, 10.000 kỹ sư cầu nối là cơ hội tốt để tuổi trẻ thử sức mình dù khó khăn đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, thử thách luôn đi kèm với một tương lai phát triển rộng nếu biết vượt qua tất cả. "Học viên cần nắm bắt cơ hội để thay đổi tương lai. Tôi nghĩ phần trăm thất bại rất thấp, bởi chỉ cần cố gắng tất cả đều không khó. Mong ước lớn của tôi là được ở lại Nhật để làm việc vài năm trước khi nghĩ đến chuyện về nước".

Thường xuyên tham dự các buổi tư vấn cũng như có mặt từ khá sớm để lắng nghe và ghi chép đầy đủ, cô Vũ Thị Ngọc, phụ huynh học viên Đào Ngọc Lễ, hồi hộp xen lẫn cảm giác vui mừng khi nghe tin con lựa chọn được con đường riêng để phát triển sự nghiệp. Dù đứng trước nhiều lo lắng, bởi con phải học tập và làm việc môi trường mới tại Nhật Bản, nhưng cô Ngọc vẫn tin tưởng mọi thứ sẽ đi qua nhanh chóng. "Ngoài việc nhiều lần tham dự các buổi tư vấn, tôi càng tin tưởng chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối khi được tổ chức bởi FPT Software. Thông qua mục đích và cơ hội phát triển cho mỗi học viên, tôi cảm thấy đây là cơ hội tốt để cá nhân mỗi cháu trưởng thành và có công việc tốt hơn".

10.000 Kỹ sư cầu nối là một trong hai chương trình chiến lược được FPT triển khai tại Nhật Bản và nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của chính phủ nước này. Trong số 110 học viên sang Nhật lần này có 29 người ở TP HCM, 21 người đến từ Đà Nẵng và số còn lại ở Hà Nội. Tính đến nay, FPT đã đưa 266 học viên sang Nhật theo chương trình đào tạo BrSE. Mục tiêu trong năm 2016, con số này sẽ tăng lên 1.000 người.

DSC-0453-JPG-6193-1441297141.jpg

21 học viên sẽ có hội đổi đời khi trở thành kỹ sư cầu nối với mức lương cao, làm việc tại Nhật Bản trong vai trò công dân công nghệ toàn cầu.

Trong số 10.000 BrSE, dự kiến khoảng 5.000 kỹ sư được đào tạo theo hình thức du học tại Nhật Bản, 5.000 kỹ sư còn lại sẽ được đào tạo tại Việt Nam theo chương trình đào tạo cử nhân CNTT của Đại học FPT và đào tạo kỹ sư cầu nối của FPT Software.

Đối với các học viên được đào tạo tại Nhật Bản, FPT Software cam kết bảo lãnh tài chính và tạo điều kiện tốt nhất về việc làm tại Nhật với mức lương tối thiểu 2.000 USD/tháng. Học viên không cần chứng minh tài chính khi đi du học. Toàn bộ thủ tục liên quan đến tài chính của học viên sẽ được FPT Software bảo lãnh với Sở Nhập cảnh Nhật Bản và ngân hàng. FPT Software cũng sẽ bảo lãnh với ngân hàng để học viên có thể vay tối đa 400 triệu đồng (toàn bộ chi phí du học bao gồm học phí và sinh hoạt phí tại Nhật trong vòng 6-12 tháng). Đồng thời, FPT Software phối hợp với các Học viện chuyên đào tạo tiếng Nhật nổi tiếng tại Nhật Bản soạn thảo chương trình đào tạo riêng cho các học viên.

Việt Nguyễn

Ý kiến

()