Chúng ta

Người FPT tại Mỹ: 'Chờ bước đi của họ'

Thứ sáu, 11/11/2016 | 14:55 GMT+7

Dù có chút bất ngờ khi kết quả bầu cử Tổng thống thứ 45 của Mỹ nhưng người FPT tại xứ Cờ hoa vẫn lạc quan, tin tưởng vào cơ hội phía trước.

Mấy ngày nước rút ngay trước cuộc bầu cử, không khí ở Dallas, Texas, nơi anh Hoàng Nam Hải, sinh viên ĐH FPT đang thực tập tại bộ phận Maketing của FPT USA, có chút trầm lắng hơn do trời mưa nhiều, và cảnh báo khủng bố Al Qaeda tại bang biên giới với Mexico. Theo Hải, cuộc sống xung quanh vẫn như ngày thường, không thay đổi mấy. Người dân vẫn hối hả đi mua sắm, vì sắp tới là dịp Black Friday.

Hoang-nam-hai-7793-1478848273.jpg

Tranh thủ cuối tuần, anh Nam Hải đi bang Bắc Carolina chơi.

“Những lao động người Mễ (Mexico), nhất là những người dọn vệ sinh của tòa nhà nơi FPT thuê, to nhỏ với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha giọng đặc sệt Mexico rằng, rồi không biết tương lai với sẽ đi về đâu, bởi họ là đối tượng bị ứng viên Trump nhắm đến mạnh mẽ nhất trong quá trình bầu cử. Texas là một bang ủng hộ Cộng hòa mạnh, nhưng lại nằm ngay biên giới với Mexico, nên tình hình có chút ‘vi diệu’”, Hải nói và cho biết đồng nghiệp người Mỹ chỉ dừng ở mức bàn chuyện phiếm, vì họ hầu như không quan tâm về chính trị, và đa phần đều đăng ký bỏ phiếu sớm để tiện cho công việc.

Cũng ở Texas, dù sang Mỹ gần 10 năm nhưng ngày bầu cử Tổng thống Mỹ thứ 45 là lần đầu tiên anh Bùi Hoàng Tùng, CEO FPT USA cùng cậu con trai 10 tuổi dành 8 tiếng ngồi trước màn hình TV để cập nhật không khí sôi nổi, hồi hộp rồi trầm lắng. “Tim (con trai anh Tùng) hỏi tôi liên tục, rằng nếu Trump lên thì ảnh hưởng xấu thế nào đến FUSA”, anh Tùng kể và cho hay các bạn/đồng nghiệp cũng nhắn tin hỏi câu tương tự. Không khí căng như đàm phán để “săn cá voi” vậy.

Và như hai người đàn ông, anh Tùng cũng chia sẻ với Tim những vấn đề phải lo khi Trump lên nắm quyền và thực hiện lời hứa tranh cử. Nào là khách hàng cũ/mới trong Fortune 1.000 sẽ thay đổi và nhìn nhận việc outsourcing thế nào? Doanh số có thể sẽ ảnh hưởng rồi, trong khi chi phí vận hành (operating cost) sẽ tăng: Visa H1B/L1 xin khó hơn, chi phí cao hơn, chương trình J1 có khả năng bị bãi bỏ…

Với Đỗ Diệu Hà, onsite FPT Software đang làm việc tại cơ sở của hãng máy bay lớn nhất thế giới ở bang Colorado, cách khá xa trung tâm nên không khí cũng không quá ồn ào. “Đây đó trên sân vườn hàng xóm có vài poster ủng hộ Trump (nhưng rốt cục thì Hillary lại là người chiến thắng ở bang này)”, chị Hà nhún vai. "Nhộn nhịp, rộn ràng nhất hoá ra lại là bọn nhóc con. Lúc đi học, bạn bè bàn tán khá nhiều các chủ đề liên quan đến bầu cử, tổng thống, nội các, các ứng viên và các scandal của họ. Chúng cũng khá quan tâm đến việc bố mẹ bạn mình sẽ bầu cho ai".

do-dieu-ha-fpt-8713-1478848273.jpg

Gia đình chị Đỗ Diệu Hà tại Tượng Nữ thần Tự do, New York.

Diệu Hà kể, đến ngày bầu cử (8/11), trường mầm non của bạn bé tạo một bốt bầu cử để cho các bạn được thực hành như người lớn. Trong khi đó, bài tập về nhà của bạn lớp 3 lại là bản đồ các bang nước Mỹ để các bạn xem tin tức sẽ tô màu xanh đỏ tương ứng cho các bang Hillary hay Trump thắng. “Chính vì thế mà bé gái nhà tôi ôm tivi suốt từ 5h đi học về cho đến tận lúc đi ngủ để theo dõi tin tức. Lúc đi ngủ nhưng chưa có kết quả nên có vẻ không yên tâm lắm. Sáng dậy, quan tâm đầu tiên là "Who won?" (Ai thắng cử). Bạn ấy khá thất vọng khi Trump thắng”, nữ onsite phì cười.

Theo Forbes, giới công nghệ Mỹ cho rằng ông Trump không hiểu gì và hạ thấp vai trò của công nghệ, hủy hoại sự sáng tạo, đổi mới bởi tư tưởng bảo thủ. Ông từng đề nghị đóng cửa Internet vì "con cái chúng ta nhìn thấy mọi thứ trên mạng và dễ bị tác động trong suy nghĩ". Liên quan đến outsourcing, một trong các lĩnh vực chính ở FPT, ông Trump đe dọa sẽ có những cải cách mạnh liên quan đến cơ chế cấp Visa H1B/L1 vì cho rằng nó đã bị nhiều công ty lợi dụng và kết quả là người Mỹ bị cướp đi công ăn việc làm. Bình luận về thông tin này, chị Hà tin rằng chưa ảnh hưởng ngay và nhiều bởi FPT cử người sang Mỹ làm việc hợp pháp và nguồn nhân lực phần mềm ở đây không dồi dào đến mức nói cắt là cắt ngay được. “Mấy hôm nay, mọi người hay đọc tin dân Mỹ đòi tháo chạy sang Canada, chúng tôi lại lạc quan tếu trêu nhau, thế thì tốt quá, mình lại càng nhiều việc”.

Theo Hoàng Nam Hải, chính sách (nếu có) của Tổng thống thứ 45, sẽ không ảnh hưởng đến  FPT trong ngắn hạn, nhưng trong vòng 1-2 năm sẽ bắt đầu có một vài khó khăn không nhỏ. “Điển hình là trong quá trình xin visa, thời gian sẽ lâu hơn, các quy định, thủ tục sẽ ngặt nghèo hơn”, Hải dự đoán và cho biết cuộc sống onsite tại Mỹ “vẫn thế thôi, nhưng thuế sẽ giảm”.

tung-bui-7403-1478848273.jpg

Ảnh gia đình CEO FUSA Bùi Hoàng Tùng.

Chia sẻ về công việc, sinh viên ĐH FPT cho rằng, người FPT đi onsite như là tham gia ‘một canh bạc” nên luôn có động lực lớn. Tuy nhiên, “ít nhiều cũng có tâm lý lo lắng, vì sợ không nhận được nhiều sự ủng hộ từ đồng nghiệp ở nhà. Không chỉ từ lãnh đạo, mà quan trọng nhất là nhân viên, hay quản lý cấp trung trở xuống bởi đây là lực lượng quyết định chính tới thành công”, Hải tâm tư.

Về chính sách, nếu một đạo luật mới hạn chế tỷ lệ thuê ngoài (outsourcing), lại chẳng lo mấy, Hải nhấn mạnh. “Mà có khi lại hay. Bởi nếu quy mô dự án của FPT với khách hàng là vài trăm người là to nhất ở một công ty, thì Ấn Độ có thể lên tới hàng chục nghìn ở những công ty trong Top 100 Fortune. Khi ra tay cắt, họ sẽ cắt cái to đầu tiên thật mạnh tay. Khi ấy, biết đâu FPT lại nhân cơ hội đó len lỏi thêm vào những phân cục, những mảng kinh doanh trước giờ chưa tiếp cận được, bị chiếm giữ bởi người Ấn chăng?”, Hải đặt giả thuyết.

Trong khi đó, theo Top FPT Under 35 Trần Thanh Hùng, PGĐ BSI, đơn vị chuyên mảng tài chính - bảo hiểm với các khách hàng Mỹ, đánh giá, hiện nước Mỹ vẫn thiếu nhiều nhân lực ngành CNTT nên cơ hội thuê ngoài outsource vẫn còn nhiều. “Đặc biệt với các ngành công nghệ, khi đã đưa việc ra ngoài, muốn lấy lại sẽ mất nhiều thời gian và công sức. Chính sách của tân thổng thống có thể tác động trong dài hạn, nhưng trước mắt ngắn hạn 1-3 năm thì dự đoán là sẽ chưa ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, cũng cần theo dõi tình hình để có thể đối ứng kịp thời”, anh Hùng cẩn trọng.

RTX2T2GN-1024x623-7216-1478848274.jpg

Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump hôm nay (ngày 11/11) có cuộc trao đổi tích cực và dài hơn dự kiến với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng về việc chuyển giao quyền lực. Ảnh: Reuters.

CEO FPT USA Bùi Hoàng Tùng đánh giá, việc hạn chế outsourcing sẽ tập trung trước mắt vào đối tượng là các công ty Mỹ đang sử dụng nhân công sản xuất tại Ấn, Trung Quốc, Mexico nhằm mang lại công việc cho 25% số người đàn ông Mỹ da trắng (25-64 tuổi) đang thất nghiệp. “Các chương trình nghị sự của Trump sẽ tập trung nhiều về kinh tế hơn là chính trị, vì thế tôi tin là chính phủ mới sẽ đánh giá một cách khách quan những ích lợi lớn lao đóng góp bởi lực lượng hàng chục triệu nhân lực cổ cồn trắng, trong đó có FPT, lực lượng đang giúp các công ty Mỹ phát triển nhanh hơn, cạnh tranh tốt hơn, góp phần giúp nước Mỹ “great again””, anh Tùng tự tin.

Đang trong chuyến công tác Ấn Độ, CEO FPT Software Hoàng Việt Anh kể, ngay tối hôm có kết quả bầu cử, khi trao đổi với các bạn Infosys, HCL, Cap Gemini… những ‘ông lớn’ CNTT Ấn Độ, họ đều cho rằng luật có thể đổi nhưng triển khai thế nào là chuyện khác. “Các hệ thống IT trên khắp nước Mỹ giờ phụ thuộc quá nhiều vào outsourcing vendors (nhà cung cấp), bản thân Mỹ đang thiếu nguồn lực thì việc hạn chế outsource đã khó rồi chứ chưa nói đến chuyện lấy lại. Hãy chờ bước đi của họ”, anh Việt Anh khẳng định.

>> Sức mạnh Mỹ nhìn từ bầu cử Tổng thống

Nguyên Văn

Ý kiến

()