Ngày bầu cử Tổng thống Mỹ là lần đầu tiên hai bố con bỏ ra 8 tiếng ngồi trước màn hình TV, không khí sôi nổi, hồi hộp rồi trầm lắng. Rồi cũng là lần đầu tiên, ông bạn khách hàng Mỹ đề nghị bỏ cuộc gọi định kỳ hằng tuần (weekly call) để ngồi xem bầu cử trong lo âu.
Tim, con trai tôi, hỏi bố liên tục, các bạn/đồng nghiệp cũng nhắn tin hỏi nếu Trump lên thì ảnh hưởng xấu thế nào đến FUSA. Giấu lòng để nói là không ảnh hưởng nhiều nhưng thực ra có nhiều cái phải lo: khách hàng cũ/mới trong Fortune 1.000 sẽ thay đổi và nhìn nhận việc outsourcing thế nào? Doanh số có thể sẽ ảnh hưởng rồi, trong khi chi phí vận hành (operating cost) sẽ tăng: Visa H1B/L1 xin khó hơn, chi phí cao hơn, chương trình J1 có khả năng bị bãi bỏ; quỹ lương và chi phí tuyển dụng chắc chắn tăng; rồi những kỳ vọng vào việc tăng trưởng qua in-organic sẽ cần nhiều tiền đầu tư hơn; rồi việc ngay trước mắt là xây dựng kế hoạch 2017 tăng trưởng 40% chắc sẽ khó đạt được sự đồng thuận… Trump nói một câu khiến bao người lo lắng.
Tuy nhiên, chắc cũng không nên lo lắng quá, nhất là sau khi xem bài phát biểu chiến thắng nhẹ nhàng, ôn hoà của Trump khác hẳn với những lời nói hùng hồn, vô nghĩa trước đó. Việc nhập cư, outsourcing, đưa việc quay lại Mỹ, ứng cử viên nào chả hứa. Ngay cả Obama, người mà tôi thích và ngưỡng mộ, cũng chỉ làm được 45% số lượng lời hứa khi tranh cử. Tỷ lệ này với Trump chắc sẽ thấp hơn.
Thêm nữa, việc hạn chế outsourcing sẽ tập trung trước mắt vào đối tượng là các công ty Mỹ đang sử dụng nhân công sản xuất tại Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico nhằm mang lại công việc cho 25% số người đàn ông Mỹ da trắng (25-64 tuổi) đang thất nghiệp (đây là một trong những lực lượng ủng hộ Trump mạnh nhất).
Các chương trình nghị sự của Trump sẽ tập trung nhiều về kinh tế hơn là chính trị. Vì thế tôi tin là Trump và các cộng sự sẽ đánh giá một cách khách quan những ích lợi lớn lao đóng góp bởi lực lượng hàng chục triệu công nhân cổ trắng, trong đó có FPT, lực lượng đang giúp các công ty Mỹ phát triển nhanh hơn, cạnh tranh tốt hơn, góp phần giúp nước Mỹ “great again”. Quan hệ Mỹ - Trung được nhìn nhận là trắc trở có thể khiến Mỹ coi trọng Việt Nam hơn, nâng tầm quan hệ từ đối tác toàn diện lên chiến lược, chắc mình sẽ có phần...
Năm 2008, chán sống ở Việt Nam, tôi xin được 300.000 USD của FPT sang mở FPT USA trong cơn bão khủng hoảng tài chính. 2017 có thể là cơn bão Trump. Sống trong bão đòi hỏi sự nhạy bén, thích ứng nhanh, may là mình còn bé nên khả năng sinh tồn sẽ cao hơn, đòi hỏi các kỹ năng như tăng mức hiểu, gắn kết với khách hàng; nâng tầm giá trị từ giá rẻ (low cost) sang công nghệ cao, quy tụ nhiều tài năng hơn; tổ chức phẳng hơn; quản lý chi phí… Sau cơn bão sẽ là ánh sáng mặt trời. Hãy hy vọng và suy nghĩ lạc quan vào một tương lai tốt đẹp để "make our American dream bigger”.
>> Sức mạnh Mỹ nhìn từ bầu cử Tổng thống
Bùi Hoàng Tùng
Ý kiến
()