Chúng ta

Lợi nhuận mọi mảng nhà F đều tăng trưởng trên 20%

Thứ năm, 8/11/2018 | 14:21 GMT+7

Sau tái cấu trúc, tỷ suất lợi nhuận của tập đoàn tăng gấp đôi so cùng kỳ.

Ngày 7/11, FPT đã tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư quý 3 để thông báo kết quả kinh doanh 9 tháng với sự tham dự của hơn 60 nhà đầu tư tại Hà Nội và TP HCM thông qua hệ thống phòng họp Telepresence.

PTGĐ FPT - anh Nguyễn Thế Phương đã chủ trì buổi gặp gỡ cùng với sự tham gia của lãnh đạo và đại diện các đơn vị thành viên gồm FPT Software, FPT IS, FPT Telecom.

fpt-fbly-2383-1541658533.jpg

Ảnh Ban lãnh đạo FPT trong buổi công bố thương vụ M&A Intellinet hồi tháng 7. Ảnh: Nguyễn Thắng.

PTGĐ FPT Nguyễn Thế Phương cho biết, 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh của FPT tương đối khả quan. Tất cả lĩnh vực kinh doanh đều tăng trưởng cao về cả doanh thu và lợi nhuận.

Kết thúc 9 tháng năm 2018, doanh thu của FPT đạt 16.261 tỷ đồng, trong đó khối Công nghệ chiếm 54% và tăng trưởng 24% so với cùng kỳ; khối Viễn thông chiếm 40%, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ; khối Giáo dục và Đầu tư chiếm 6%, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận của toàn tập đoàn trong 9 tháng đạt 2.738 tỷ đồng. Trong đó, khối Công nghệ và Viễn thông chiếm 79%, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

PTGĐ FPT khẳng định, sau tái cấu trúc, tỷ suất lợi nhuận của tập đoàn tăng gấp đôi, đạt 16,8%.

Đề cập kết quả kinh doanh của các khối, anh Phương nhấn mạnh đến tốc độ tăng trưởng doanh thu từ các thị trường nước ngoài, doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số của lĩnh vực xuất khẩu phần mềm và kết quả tuyển sinh các cấp của khối Giáo dục.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu tại các thị trường nước ngoài của lĩnh vực xuất khẩu phần mềm đều tăng trưởng trên 26%, đặc biệt thị trường châu Á - Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng 62%.

Doanh thu chuyển đổi số của FPT trong 9 tháng tăng trưởng 40%. Đây cũng được xem là dịch vụ chủ lực của lĩnh vực Xuất khẩu phần mềm.

Sau khi nghe anh Phương trình bày, các nhà đầu tư đã đặt khá nhiều câu hỏi về định hướng 2019 của FPT cũng như các hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, viễn thông, tích hợp hệ thống, giáo dục và nội dung số.

Trả lời về định hướng kinh doanh của FPT trong năm 2019, anh Phương cho biết hiện tập đoàn đang trong giai đoạn làm kế hoạch nên chưa có con số chính xác. Tuy nhiên, định hướng của tập đoàn là duy trì tốc độ tăng trưởng cao khoảng 20% một năm.

Nhiều nhà đầu tư cũng bày tỏ mối quan tâm đến hoạt động của Intellinet (Công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ) sau khi FPT hoàn tất thương vụ M&A vào tháng 7 vừa qua. Theo anh Phương, hai bên mới tiến hành hợp nhất kết quả kinh doanh được khoảng một quý nên thời điểm này còn quá sớm để nói về thành quả. Tuy nhiên, tính đến nay, các chỉ tiêu kinh doanh đều phù hợp với kế hoạch đặt ra của hai bên.

Theo chị Nguyễn Thị Đan Phượng, Trưởng ban Marketing - Truyền thông và Quản lý đối tác chiến lược (MCP) của FPT Software, từ sau khi mua lại Intellinet, FPT không chỉ có lợi thế khi bán các dịch vụ theo hình thức dịch vụ trọn gói (full services) với các tập đoàn lớn trên thế giới mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng nhân sự bản địa có trình độ chuyên môn cao.

>> OKR 'phủ sóng' Hội nghị lãnh đạo FPT Telecom

Thu Huyền

Ý kiến

()