Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, hiện tại, FPT mới chỉ trả 30 triệu USD cho thương vụ này. “Giá trị thương vụ tương đối linh hoạt và không cố định. Ngoài khoản "cứng" 30 triệu USD đã thanh toán, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Do đó, tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD”, anh Bình chia sẻ về thương vụ trong sự kiện tổ chức trực tuyến từ FPT Cầu Giấy (Hà Nội) với Intellinet tại Mỹ.
Đại diện FPT và Intellinet hoàn tất thương vụ tại Atlanta ngày 12/7. Đoàn FPT gồm Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến (thứ ba từ trái qua), Giám đốc Chiến lược FPT Software Bùi Hoàng Tùng (thứ hai từ trái qua), Giám đốc FPT USA - Đặng Trần Phương (ngoài cùng bên trái) và Giám đốc Tài chính FPT Software Nguyễn Khải Hoàn (người ký bên trái). |
Tiết lộ lý do chỉ mua 90% mà không phải là toàn bộ, PTGĐ FPT Nguyễn Thế Phương cho rằng, Intellinet muốn tham gia cùng FPT để cùng nhau hướng tới một chiến lược cung cấp giá trị cao hơn trong làn sóng về chuyển đổi số đang tăng cao. “Họ cũng muốn hưởng thành quả cùng nhau để đi chung. Intellinet nhìn thấy giá trị họ thu được trong tương lai”, anh Phương cho hay.
Thương vụ mới sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số. Điều này đáp ứng nhu cầu bức thiết của khách hàng khi phải quản trị nhiều đối tác trong cùng một dự án chuyển đổi số có quy mô lớn. Sự kết hợp giữa thế mạnh của FPT và Intellinet cũng giúp FPT đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Mỹ cũng như giúp Intellinet trở thành công ty tư vấn toàn cầu.
Người đứng đầu FPT nhận định, để tư vấn thành công, nhà F cần các chuyên gia có 20-30 năm làm việc trong ngành công nghiệp chuyên sâu như tài chính ngân hàng, hàng không, bán lẻ…. “Intellinet giúp FPT nhanh chóng có đội ngũ đó. Hai bên kết nối lại có thể cung cấp được giải pháp mà khách hàng mong muốn, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ chuyển đổi số tổng thể cho khách hàng từ A-Z”, anh Bình thông tin thêm về thương vụ kết hợp với Intellinet.
Trong khi đó, CEO Intellinet - Mark Seeley bật mí công ty Mỹ đã tìm hiểu nhiều đối tác khác nhau và tiêu chí xem xét đầu tiên là văn hóa, kế đến là giá trị mà hai bên có thể đem lại cho khách hàng. “Intellinet có quy mô nhỏ hơn FPT nhưng chúng tôi có thể tư vấn cho khách hàng lộ trình chuyển đổi số’, CEO Intellinet trả lời trực tuyến từ Mỹ. “Sự kết hợp giữa Intellinet và FPT sẽ mang đến cho khách hàng những giá trị tốt hơn. Với sự đồng thuận của FPT, chúng tôi giữ lại 10% và đó là điều tốt nhất cho công ty và khách hàng”.
Chủ tịch FPT - anh Trương Gia Bình trong buổi họp tối 12/7 tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Thành lập từ năm 1993, với doanh thu 30 triệu USD năm 2017, Intellinet được Consulting Magazine đánh giá là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ, đạt tốc độ tăng trưởng 25% trong mấy năm gần đây. Intellinet hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ với 150 chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm chuyên sâu và 200 khách hàng lớn.
Mỹ là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của FPT. Trong năm 2017, thị trường này đã mang về cho FPT 50 triệu USD, tăng trưởng 17% so với năm 2016. Tại Mỹ, FPT đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 200 khách hàng trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng - tài chính, viễn thông, ô tô… FPT đặt mục tiêu đạt doanh thu 100 triệu USD từ thị trường Mỹ trong vòng một năm kể từ sau khi thương vụ này diễn ra.
Chủ tịch FPT kỳ vọng giá trị cộng hưởng của thương vụ tăng cao trong mục tiêu doanh thu chuyển đổi số của tập đoàn tăng trưởng khoảng 50% mỗi năm. “FPT có thể tăng trưởng chuyển đổi số gấp rưỡi cho đến gấp đôi khi có sự hợp tác với Intellinet”, anh Bình hào hứng và thông tin, doanh thu chuyển đổi số riêng trong mảng xuất khẩu phần mềm của FPT trong năm 2017 khoảng 50 triệu USD.
“Doanh thu thị trường Mỹ năm 2017 khoảng 65 triệu USD. Nếu cộng cơ học kỳ vọng trong 12 tháng tới (tính từ tháng 7/2018, thời điểm mua Intellinet đến hết tháng 6/2019) có thể đạt mốc 100 triệu USD. Hiện chúng tôi chưa kỳ vọng tăng trưởng đột biến về lợi nhuận, tuy nhiên, sau thời gian 6-12 tháng có thể nâng biên lợi nhuận ròng của thị trường Mỹ lên mức 20%”, người đứng đầu nhà F nói thêm.
Trong thương vụ mới, FPT đặt vấn đề hai bên cùng có lợi bởi đây không thuần túy là thương vụ M&A mà còn cùng đem lại nhiều cơ hội hơn nữa cho nhau. “Intellinet có cơ hội mở rộng thị trường ra ngoài nước Mỹ”, anh Bình khẳng định.
Chia sẻ về việc vận hành Intellinet, hai bên xác nhận thương hiệu Intellinet sẽ được giữ nguyên và hoạt động độc lập. Hội đồng quản trị của Intellinet có sự thay đổi với 4 thành viên của FPT và một thành viên của Intellinet. Trong khi đó, Ban điều hành giữ nguyên và bổ sung một thành viên của FPT.
>> FPT mua 90% cổ phần công ty tư vấn công nghệ của Mỹ
Mỹ là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của FPT. Trong năm 2017, thị trường này đã mang về cho FPT 50 triệu USD, tăng trưởng 17% so với năm 2016. Tại Mỹ, FPT đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 200 khách hàng trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng - tài chính, viễn thông, ô tô…. Xuất khẩu phần mềm là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Trong nhiều năm qua, doanh thu từ mảng hoạt động này của FPT luôn tăng trưởng trung bình trên 30%/năm và dự kiến sẽ đóng góp 50% vào tổng doanh thu của Tập đoàn. Trong 5 tháng đầu năm 2018, doanh thu mảng xuất khẩu phầm mềm của FPT đạt 2.869 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, chiếm 34% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn. Sau hành trình gần 20 năm tiên phong trong ngành xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về dịch vụ phần mềm, FPT đang nỗ lực để xuất khẩu phần mềm Việt Nam có vị trí cao hơn. |
Tân Phong
Ý kiến
()