Chúng ta

'Giáo dục theo Constructivism tất yếu sẽ lan tỏa'

Thứ tư, 15/10/2014 | 11:14 GMT+7

"Giáo dục Việt Nam đang cố gắng vượt thoát khỏi tình trạng trì trệ. Những học thuyết tiến bộ như Constructivism tất yếu sẽ được nghiên cứu, lan tỏa và có chỗ đứng trong các nhà trường ở Việt Nam", chuyên gia Dự án Công nghệ Giáo dục Dương Trọng Tấn, đánh giá.
> Seminar số 2 thể hiện đúng 'chất' Constructivism

Constructivism (Chủ nghĩa kiến tạo) đang là một từ khóa trong FPT. Theo Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình Constructivism "là sức mạnh làm nên tôi và FPT ngày hôm nay”. Anh coi đó là "từ khóa phép thuật" cho sự thành công của tập đoàn.

Trước khi Construstivism được nhắc đến mạnh mẽ trong tập đoàn học thuyết này đã được manh nha áp dụng trong hai dự án của Khối Giáo dục là FPT GEM, Công nghệ Giáo dục của ĐH FPT và bước đầu mang lại kết quả khả quan.

con-4-378903-1413431259.jpg

Anh Dương Trọng Tấn - chuyên gia Dự án Công nghệ Giáo dục chia sẻ về Constructivism. Ảnh: Nhàn Nhã.

Dự án Công nghệ Giáo dục thuộc ĐH FPT, bắt đầu hoạt động từ tháng 5 năm nay, với nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các công nghệ giáo dục nhằm ứng dụng vào quá trình dạy và học tại những đơn vị thuộc khối Giáo dục FPT. Đây là một bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu Smart Education trong ba mục tiêu chiến lược GSM (Global-Smart-Mega) của ĐH FPT.

Constructivism đang được áp dụng cho môn Lịch sử ở trường THPT FPT - môn này được cho là khó và không hấp dẫn với học sinh cấp ba. Theo phương pháp Khởi , học sinh sẽ tham gia đóng kịch, làm video clip về các tình huống lịch sử, tập viết bài theo phong cách sử ký, giáo viên bớt giảng giải... Kết quả cho thấy lớp học rất vui vẻ, các em hứng khởi tham gia, không còn buồn tẻ như trước.

Chủ nghĩa Kiến tạo cũng được ứng dựng để dạy và học cho các môn lập trình thuộc khoa Quốc tế, ĐH FPT. Sinh viên được học theo các phương pháp: Dựa theo vấn đề (problem-based learning), thông qua dự án (project-based learning) trên nền tảng phương pháp lớp học đảo ngược (flipped classroom), có sử dụng công nghệ Google Classroom để gia tăng tính chủ động của sinh viên. Nhờ đó, sinh viên thêm hào hứng, tham gia học và thử nghiệm nhiều hơn. 

"Chúng tôi kỳ vọng lớp học không chỉ vui vẻ, thu hút hơn mà thành tích học tập của học sinh, sinh viên cũng được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên, việc thí điểm mới được thực hiện nên chưa có gì nhiều để bình luận. Hàng loạt môn mới cũng đang trong tình trạng chờ để được đổi mới cách dạy và học", chuyên gia Dự án Công nghệ Giáo dục Dương Trọng Tấn, cho hay.

"Thuyết kiến tạo (Constructivism) là cách tiếp cận giảng dạy và học tập cho rằng con người chủ động tự xây dựng hiểu biết về thông tin cho bản thân - người học kết nối thông tin mới với thông tin hiện tại để kiến thức mới có ý nghĩa với cá nhân đó. Theo quan điểm của thuyết kiến tạo, con người xây dựng kiến thức của riêng họ và thể hiện kiến thức từ trải nghiệm của mình. Việc học tập không phải diễn ra nhờ quá trình chuyển thông tin từ giáo viên hay giáo trình đến bộ não của học sinh, thay vào đó, mỗi người học tự xây dựng hiểu biết hợp lý mang tính cá nhân của riêng họ". (Martin & Loomis, trích trong sách dịch "Xây dựng đội ngũ nhà giáo" sắp xuất bản của ĐH FPT).

Hiện, nhóm chuyên gia đang nghiên cứu lý thuyết, bước đầu thử nghiệm tại các cơ sở của khối Giáo dục gồm khoa quốc tế ĐH FPT, THPT FPT, bộ môn CF - ĐH FPT và sắp tới là FPT Polytechnic, chương trình sau đại học của ĐH FPT.

Trong tháng 10, dự án đã ra mắt trang neoedu.fpt.edu.vn để cung cấp thông tin nhiều hơn tới đông đảo cán bộ nhân viên của ĐH FPT, nhằm đẩy mạnh đổi mới giáo dục hướng tới Smart Education.

Anh Dương Trọng Tấn cho rằng, Constructivism chỉ là một trong nhiều lý thuyết được áp dụng vào giáo dục. ĐH FPT không chỉ chọn Constructivism mà còn nghiên cứu và áp dụng nhiều lý thuyết khác. "Trong bối cảnh giáo dục hiện nay vẫn nặng về giảng giải và ghi nhớ, Constructivism được kỳ vọng sẽ thay đổi về chất công tác giảng dạy và học tập. Với việc áp dụng thuyết kiến tạo, giáo dục có thể chuyển từ học thụ động sang chủ động, từ ghi nhớ sang tạo dựng ý nghĩa và sáng tạo...", anh nói.

8-452661-1413431259.jpg

Anh Nguyễn Trọng Khôi, Giám đốc Dự án FPT GEM, cho biết học sinh của GEM hứng thú hơn với cách học kiến tạo. Ảnh: C.T.

Một dự án giáo dục khác đang áp dụng thành công thuyết kiến tạo trong học tập là FPT GEM, cũng thuộc ĐH FPT. FPT GEM ra đời xuất phát từ mong muốn xây dựng một chương trình đào tạo tiên tiến cho đông đảo học sinh Việt Nam, đặc biệt ở môn ngoại ngữ trong bối cảnh tiếng Anh trở thành hành trang không thể thiếu của người lao động tương lai.

Nhóm dự án của anh Khôi biết đến Constructivism từ một số chương trình thực nghiệm giáo dục với những câu quen thuộc: mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thầy thiết kế, trò thi công. Trong quá trình hình thành dự án, nhóm mong muốn tìm kiếm một sản phẩm có tính hiệu quả cao, giúp người học nhanh chóng nắm bắt kiến thức, triển khai như một công nghệ giáo dục trên nền tảng CNTT, có thể phổ biến rộng cho nhiều người và dễ dàng tiếp cận. Chương trình tiếng Anh T2K đi kèm Constructivism là một sản phẩm đáp ứng hầu hết các tiêu chuẩn đó.

Giải pháp mang tính hệ thống và chỉnh thể của T2K được ví như là một bản giao hưởng "Công nghệ và Sư phạm". Dự án đang triển khai chương trình đào tạo tiếng Anh cho học sinh độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi với mục tiêu truyền tải nguyên lý cơ bản của việc học tiếng Anh cho trẻ nhỏ và giúp các em có một phương pháp học tập hiệu quả ngay từ những năm học đầu tiên.

Trong chương trình học tại FPT GEM, Constructivism được áp dụng khá nhiều, với 3 nguyên lý sư phạm chủ yếu: Học tập chủ động (Active learning), học tập hợp tác (Collaborative learning) và học tập phân hóa (Differentiated learning).

Bên cạnh đó, môi trường học tập cũng tạo điều kiện cho học sinh làm việc nhóm, thể hiện ý kiến và tự do trong phong cách học, chú trọng các yếu tố như: Sự chú ý của học sinh, động lực thúc đẩy, không gian và thời gian, tiến trình - thói quen, quy định...

gem-43-318899-1413431259.jpg

Học sinh của FPT GEM được học theo phương pháp kiến tạo. Ảnh: FPT GEM.

Hiện gần 400 lượt học sinh tham gia FPT GEM. Phần lớn các em đều đánh giá cao cách học, đặc biệt là phần trò chơi và tương tác giữa giáo viên và học sinh. Về hiệu quả kiến thức cũng có một số phát hiện thú vị. Một số học sinh đã xây dựng được khả năng tự học và tự khám phá kiến thức. Có những nội dung chưa học hoặc tương tự nhưng chưa được giáo viên nhắc đến, các em đều có thể vượt qua. Học sinh không còn máy móc mà linh hoạt hơn trong các câu trả lời, có những đáp án đầy sáng tạo và khoảng 80% trả lời yêu thích chương trình.

Trước FPT, các cách tiếp cận kiến tạo đã được áp dụng rộng rãi từ lâu trên thế giới và từng có thời kì rộ lên như là một phong trào cải cách mạnh mẽ ở các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp. Hiện nay, các phương pháp học tập tích cực, học tập theo dự án, học tập dựa trên vấn đề, học tập khai phá... đã được áp dụng rất rộng rãi ở mọi cấp học.

UNESCO cũng đề nghị các giáo viên của thế kỷ 21 phải thành thạo trong áp dụng các phương pháp này. Các chương trình giáo dục Montessori (do nhà cải cách giáo dục nổi tiếng Maria Montessori khởi xướng, bà cũng là người đóng góp nhiều cho Constructivism) cũng đã phổ biến trên khắp thế giới.

Ở Việt Nam, ngoài ĐH FPT, một số dự án đã áp dụng Constructivism. Điển hình là hệ thống trường thực nghiệm theo Công nghệ Giáo dục Hồ Ngọc Đại. Việc thí điểm và áp dụng Constructivism vào trong giảng dạy của ngôi trường này đã thu được nhiều kết quả khả quan. Từ năm 2013, sách công nghệ Hồ Đọc Đại đã chính thức hết trạng thái "thí nghiệm" và được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép áp dụng đại trà.

Vài năm trở lại đây nhóm Cánh Buồm (www.canhbuom.edu.vn ) cũng đã dày công biên soạn lại sách tiểu học theo định hướng "học thông qua việc làm (learning-by-doing)" cũng có áp dụng thuyết kiến tạo.

Ngoài ra, một số trường đã áp dụng các phương pháp giảng dạy theo lí thuyết Constructivsm như học tập dựa vào vấn đề (problem-based learning), học qua dự án (project-based learning), học tập tích cực (Active learning), học bằng việc làm (Learning by doing), lấy học sinh làm trung tâm (Student-centered theory)....

"Giáo dục Việt Nam đang cố gắng vượt thoát khỏi tình trạng trì trệ. Cuộc khủng hoảng hiện nay ắt sẽ dẫn các nhà giáo dục phải tìm những con đường khác. Những học thuyết tiến bộ như Constructivism sẽ tất yếu được nghiên cứu, lan tỏa và có chỗ đứng trong các nhà trường ở Việt Nam", anh Tấn đánh giá.

Bắt nguồn từ bộ câu hỏi về giáo dục của nhà triết học cổ đại người Hy Lạp Socrates, Jean Piaget và Vygotsky đã nghiên cứu và đưa ra học thuyết Kiến tạo vào đầu thế kỷ 20. Từ đó cho tới nay, gần một thế kỷ trôi qua, học thuyết này đã được ứng dụng vào nhiều ngành khoa học, đặc biệt là trong giáo dục.

Thuyết Kiến tạo đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, trở thành xu hướng tất yếu của đổi mới giáo dục ở nhiều quốc gia trong những thời kỳ khác nhau. Có thể kể ra một số ví dụ như ở Mỹ, Singapore, Nhật, Phần Lan,...những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

Ở Mỹ có một số nhóm, hội, Hiệp hội những người trung thành với thuyết Kiến tạo (Association of Constructivist Teaching). Hoạt động của những tổ chức này là giao lưu, gặp gỡ, hội thảo, đào tạo, chia sẻ tài liệu giảng dạy giữa các giáo viên, các nhà giáo dục, đặc biệt là hoạt động xuất bản sách liên quan. Những hội này còn kết nạp rất nhiều thành viên từ các quốc gia khác có chung chí hướng.

Mỹ cũng là nơi hội tụ của nhiều công trình nghiên cứu, các bài viết về thuyết Kiến tạo. Đặc biệt, hệ thống trường phổ thông của Mỹ áp dụng khá triệt để học thuyết này trong dạy và học. Chỉ riêng ở bang Chicago, có tới 290 áp dụng thuyết Kiến tạo trong chương trình giảng dạy. Những cái tên tiêu biểu như Dalton School (New York), Greater Brunswick Charter School ( New Jersey), Dodson (Nashville, Tennessee).

Tử Quyên

Ý kiến

()