Chúng ta

Seminar số 2 thể hiện đúng 'chất' Constructivism

Thứ bảy, 4/10/2014 | 10:42 GMT+7

Không khí sôi nổi với những ý kiến tranh luận, phản biện sắc sảo của người tham gia khiến seminar số 2 về "Constructivism - Chủ nghĩa kiến tạo" trở nên hấp dẫn và thể hiện đúng bản chất của học thuyết.
> 'Constructivism là sức mạnh làm nên tôi và FPT'

a

Chiều ngày 3/10, tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, seminar số 2 trong dự án "TGB - Seminar on Leadership" về chủ đề "Constructivism - Chủ nghĩa kiến tạo" đã diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng. Chương trình thu hút 100 CBNV FPT tham dự, đông gấp hơn hai lần buổi đầu tiên về chủ đề " The Lean Startup - Khởi nghiệp tinh gọn". "Tôi mong ở seminar này, các bạn sẽ tích cực và sắc sảo hơn", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình mở đầu buổi thảo luận.

a

Bằng cách chỉ ra những nghịch lý trong thực tế như nhiều người học giỏi vẫn không thành công hay dân tộc Do Thái dù có số lượng ít nhưng lại chiếm tới 30% giải Nobel thế giới..., anh Bình dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn để vào chủ đề kiến tạo.

co-20-914210-1413426985.jpg

Anh Dương Trọng Tấn, chuyên gia nhóm Công nghệ Giáo dục ĐH FPT, là báo cáo viên của seminar số 2. Với cách trình bày và đối đáp hóm hỉnh, anh tạo được nhiều tiếng cười cho khán giả.

a

Anh Bình liên tục đặt ra các câu hỏi "xoay" báo cáo viên khiến anh Tấn khá vất vả để "đáp trả". Cách hỏi của anh Bình thông minh, hóm hỉnh, giúp truyền cảm hứng cho cả hội trường, làm không khí thêm hấp dẫn.

a

Bên cạnh những cuộc tranh luận hào hứng của các nhóm, phần ý kiến của TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc cũng khiến khán phòng thêm sôi nổi. Khi báo cáo viên Dương Trọng Tấn nói chỉ còn 2-3 slide nữa sẽ hết phần trình bày, anh Ngọc thốt lên: "Ơ, thế đã sắp hết à? Chưa hiểu cái gì cả", khiến mọi người cười ồ và vỗ tay hưởng ứng. Vốn là người cụ thể và chi tiết, TGĐ góp ý báo cáo viên nên trình bày thuần tiếng Việt, cố gắng cắt nghĩa các từ tiếng Anh, nêu rõ ràng định nghĩa và chỉ rõ Constructivism là lý thuyết hay cách học... Những ý kiến của TGĐ lại dấy lên những phản biện khác nhau.

a

Sau khi báo cáo viên hoàn thành phần trình bày, anh Trương Gia Bình giải thích và bổ sung các ý kiến. Khác với nhiều chương trình theo hướng một chiều (nói - nghe), trong seminar thứ hai này, anh Bình yêu cầu chia thành 4 nhóm, buộc mọi người đều phải tham gia, thảo luận về sự khác nhau của "Instructivism" và "Constructivism" trong lĩnh vực giáo dục.

a

Các nhóm sôi nổi cùng tìm ra lời giải. Theo anh Nguyễn Quang Hưng, FPT Polytechnic, hình thức seminar lần này có hiệu ứng tốt, tạo không khí sôi nổi, mọi người cùng trao đổi thẳng thắn, đúng chất "Constructivism". Báo cáo viên đã đưa ra định hướng và gợi ý, giúp mọi người hiểu được các khái niệm, cùng trao đổi, học hỏi, từ đó rút ra kinh nghiệm, định nghĩa riêng về kiến tạo cho bản thân.

a

Phần trình bày của các nhóm khá thú vị và chỉ ra được hầu hết các điểm khác biệt của hai hình thức học Instructivism và Constructivism. Riêng nhóm anh Phan Phương Đạt, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT, đưa ra quan điểm thú vị tóm tắt về kiến tạo qua 4 từ theo vòng tròn "Làm - Nghiệm - Ngộ - Dụng".

a

Seminar số 2 thực sự thu hút từ đầu đến cuối nhờ việc mọi người đều hăng hái tranh luận, tiếp cận vấn đề ở nhiều góc cạnh, thậm chí trái chiều, góp phần xây dựng nội dung phong phú về kiến tạo.

a

Anh Trương Gia Bình đánh giá buổi seminar này hay và tốt hơn lần trước. Anh khuyến khích CBNV tích cực học tập và nhấn mạnh ý tưởng đưa FPT trở thành một "tổ chức học hỏi." Sau khi tổng kết lại những từ khóa then chốt về Chủ nghĩa kiến tạo, anh cũng thông báo về chủ đề seminar tiếp theo là Chính sách Thành Cát Tư Hãn.

Tử Quyên

Ý kiến

()