Chúng ta

'Cần đổi mới nền giáo dục một cách có ý thức'

Thứ bảy, 12/7/2014 | 23:09 GMT+7

GS.TS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh với CBNV khối Giáo dục FPT rằng đổi mới giáo dục không ngẫu hứng hoặc vì một lợi ích nào đó và cần phải áp dụng công nghệ vào trong giảng dạy.

> Tọa đàm về công nghệ giáo dục

Sáng 12/7, Tọa đàm về công nghệ giáo dục với GS.TS khoa học Hồ Ngọc Đại do Dự án Công nghệ giáo dục - ĐH FPT tổ chức, đã diễn ra tại sảnh tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội. Tham dự chương trình có CBNV khối giáo dục đại diện ba miền Bắc, Trung, Nam.

Bằng lối nói chuyện hài hước và sắc sảo, GS Hồ Ngọc Đại - người được biết đến là nhà giáo dục cấp tiến, đã tái hiện lại câu chuyện về việc hình thành và phát triển công nghệ giáo dục từ những năm tháng ông còn học tập tại Nga. Qua nhiều năm học hỏi và nghiên cứu, ông phát hiện ra chân lý của giáo dục, để phục vụ tốt nhất cho việc giảng dạy, người giáo viên cần nắm chắc 3 nền tảng kiến thức: Triết học, Tâm lý học và Khoa học chuyên ngành.

k

GS Hồ Ngọc Đại chỉ ra chân lý của giáo dục.

Ông cũng chỉ ra 4 mệnh đề triết học làm chân lý cho nghiệp vụ sư phạm hiện đại, đó là: Loài người tự sinh ra chính mình bằng lao động tự do, người là một thực thể tinh thần, trẻ em là một thực thể tự nhiên, cá nhân hiện đại tự sinh ra chính mình.

Qua đó, GS đúc kết, công nghệ thực ra là một quá trình thật được tổ chức một cách tối ưu. Còn công nghệ giáo dục là tố chức và kiểm soát quá trình tự học một cách có ý thức. Thầy giáo cấp cho học sinh quy trình, công nghệ để học sinh tự tìm hiểu lấy, tự làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình. Chúng ta không cho trẻ những gì có sẵn mà phải để cho các em tự làm lấy từ đầu. Chừng nào mà thầy không cần giảng, trò không cần cố gắng thì nền giáo dục mới tiến xa được. “Phải đổi mới giáo dục một cách có ý thức, không ngẫu hứng hoặc vì một lợi ích nào đó”, ông nhấn mạnh.

nd-5-281923-1413026980.jpg

GS chỉ ra 4 mệnh đề triết học.

Theo Giáo sư, việc đổi mới cần bắt đầu từ cấp tiểu học, nếu không có nền tảng tư duy ngay từ giai đoạn này thì lên các cấp khác học rất vất vả. Muốn trẻ em học tập tốt thì cần phải yêu thương và tôn trọng thực sự. Các em phải tự ăn, tự học mới có thể trưởng thành, phát triển. Đặc biệt, người lớn phải dựa vào trẻ để dạy trẻ, chứ không áp đặt lối tư duy của mình để đào tạo. “Chúng ta không nên bắt trẻ noi gương một ai đó, mỗi người hiện đại phải là một cá thể riêng biệt”, ông nói.

Đối với bậc đại học hiện nay, do sinh viên vẫn duy trì tư duy cũ nên khó áp dụng hơn. Song, chính vì vậy cần phải thay đổi toàn diện, từ đầu theo một quy trình chặt chẽ. "Chúng ta coi sinh viên năm nhất như một số 0 để đào tạo theo công nghệ của mình", GS Đại cho hay. Tuy nhiên, GS lưu ý, công nghệ này cần có điểm khác biệt. Nếu với học sinh tiểu học việc tự học vẫn cần thầy thì sinh viên phải tự học mà không cần người hướng dẫn. Ở độ tuổi này, các em phải tự tin vào bản thân mình mới đạt được thành công.

Ông cũng đánh giá cao ĐH FPT trong việc áp dụng sớm công nghệ giáo dục vào giảng dạy. Điều này sẽ giúp nhà trường tạo ra sự khác biệt và gặt hái nhiều thành tựu hơn trong tương lai.

l

Anh Tùng khẳng định tính bổ ích và cần thiết của công nghệ giáo dục.

Theo Hiệu trưởng ĐH FPT Lê Trường Tùng, việc tự học rất cần thiết trong thời đại hôm nay vì mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Bản chất của công nghệ giáo dục là tổ chức và kiểm soát quá trình tự học, là triết lý hoàn toàn khác so với phương pháp thầy giảng trò ghi truyền thống. Người làm giáo dục cần giúp học sinh tiếp thu tri thức một cách tự nhiên nhất, chứ không phải học để thi, thi xong rồi quên.

Hiện ĐH FPT cũng đang triển khai Dự án Công nghệ giáo dục. Bước đầu đã áp dụng phương pháp tự học ở một số môn và kết quả rất khả quan. Sinh viên đã tự xây dựng tri thức cho mình với sự hướng dẫn, định hướng của thầy. Để thực hiện được tốt, mỗi giáo viên cần hiểu rõ sinh viên của mình, do vậy ĐH FPT đã bố trí mỗi lớp không quá 30 người. Nhà trường cũng sẽ tận dụng thế mạnh về CNTT để hỗ trợ công nghệ giáo dục nhằm giúp tiến trình này nhanh chóng và dễ dàng hơn.

l

Rất đông CBNV khối giáo dục đã đến dự chương trình.

Việc triển khai phương pháp mới này ở các nơi khác nhau có thể khác nhau nhưng phải trên một nền tảng triết lý thống nhất. GS Hồ Ngọc Đại đã làm được điều này và ĐH FPT đang học tập những điều tinh túy để áp dụng.

"Những chia sẻ của GS sẽ góp phần thống nhất quan điểm và tư tưởng của dự án này cho đội ngũ CBNV của nhà trường, từ đó giúp công tác thực hiện thuận lợi hơn. Mọi người sẽ thấy được đây là xu thế tất yếu của giáo dục và ta cần đi trước một bước. Chúng ta có thể làm chưa tốt nhưng phải đúng hướng", anh Tùng khẳng định.

Nhận thấy tầm quan trọng của Công nghệ giáo dục trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học, trường ĐH FPT đã đầu tư đội ngũ nghiên cứu về mô hình này để tìm ra cơ chế tối ưu hóa hiệu quả dạy - học và tự học ở các cấp (Đại học, Cao đẳng, PTTH). Nhóm có tên gọi Dự án Công nghệ giáo dục (Learning and Teaching Innovatio Taskforce – LTIT). Ngoài việc nghiên cứu chuyên sâu và triển khai Công nghệ giáo dục, dự án còn tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt chuyên môn và phát hành Tạp chí Công nghệ giáo dục hằng tháng.

Nhàn Nhã

Ảnh: ĐH FPT

Ý kiến

()