Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà vừa ký quyết định về việc thành lập đơn vị mới thuộc Vùng kinh doanh số 5.
Theo đó, FPT Telecom Sài Gòn có thêm các Trung tâm kinh doanh từ số 12 đến 16. Các đơn vị mới được thành lập trên cơ sở tách một số quận/huyện từ 11 Trung tâm kinh doanh hiện có. “Hiện lượng khách hàng thực tế của các trung tâm kinh doanh lớn thuộc Vùng 5 đang ở mức cao nên việc tách các đơn vị để dễ quản lý và vận hành”, một Giám đốc TTKD thuộc Vùng 5 tiết lộ.
Tập thể quản lý Vùng 5 tại giải chạy RUN MORE trong Hội nghị lãnh đạo FPT Telecom 2018. |
Như vậy, từ 1/1/2018, FPT Telecom Sài Gòn (Vùng 5) có 16 trung tâm kinh doanh (TTKD SG) phân chia theo khu vực và Trung tâm Phát triển dự án. Cụ thể: TTKD SG 1 (quận 9); TTKD SG 2 (quận 6 và quận 11); TTKD SG 3 (Phú Nhuận và quận Tân Bình); TTKD SG 4 (quận 1, quận 3, quận 4); TTKD SG 5 (quận Bình Thạnh và quận 2); TTKD SG 6 (quận 5 và quận 10); TTKD SG 7 (huyện Củ Chi); TTKD SG 8 (quận Thủ Đức); TTKD SG 9 (huyện Hóc Môn); TTKD SG 10 (huyện Bình Chánh); TTKD SG 11 (quận Bình Tân), TTKD SG 12 (quận 12); TTKD SG 13 (Gò Vấp); TTKD SG 14 (Tân Phú); TTKD SG 15 (quận 8) và TTKD SG 16 (quận 7 và Nhà Bè).
TP HCM có 24 quận/huyện, và hiện Vùng 5 đã phủ gần kín, trừ huyện ven viển Cần Giờ. Theo GĐ Vùng 5 Phạm Thanh Tuấn, toàn FPT Telecom Sài Gòn hiện có hơn 520 nhân viên kinh doanh và các cán bộ quản lý.
Cùng thời điểm với việc thành lập mới các TTKD, Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà cũng bổ nhiệm 13 vị trí quản lý mới tại Vùng 5. Cụ thể: GĐ TTKD 1 Võ Duy Phúc; GĐ TTKD 5 Nguyễn Minh Cương; GĐ TTKD 6 Nguyễn Văn Khánh; PGĐ TTKD 7 Võ Minh Thu; GĐ TTKD 8 Trần Đăng Hưởng; GĐ TTKD 9 Doãn Giang Nam; GĐ TTKD 10 Lâm Khánh Phương; GĐ TTKD 11 Nguyễn Anh Huy; PGĐ TTKD 12 Trần Quốc Hưng; PGĐ TTKD 13 Trần Trọng Nghĩa; PGĐ TTKD 14 Phùng Chí Can; PGĐ TTKD 15 Võ Minh Toàn và GĐ TTKD 16 Hồ Nam Triều.
Ba vị trí Giám đốc TTKD giữ nguyên gồm: GĐ TTKD SG3 Lê Thanh Quang; GĐ TTKD SG2 Lê Nam; GĐ TTKD SG4 Nguyễn Võ Đăng Khoa.
GĐ Vùng 5 Phạm Thanh Tuấn - thủ lĩnh của những chú Sói. |
Ban Giám đốc Vùng 5 hiện có anh Phạm Thanh Tuấn - GĐ Vùng và chị Trần Thị Ngọc Điều - PGĐ. Biệt danh của FPT Telecom là 'cáo', tên viết tắt của đơn vị - FOX. Tuy nhiên, từ khi Vùng 5 - FPT Telecom Sài Gòn - có Giám đốc mới là anh Phạm Thanh Tuấn, đơn vị này định vị họ là những chú sói. Họ rèn luyện cách thức hoạt động như những bầy sói: nâng cao tinh thần tập thể (theo bầy đàn), nhanh nhạy và khả năng tổ chức săn mồi rất linh hoạt.
'Sói ca' Phạm Thanh Tuấn chính là người đưa tinh thần anh em Vùng 5 lên một tầm cao mới. Khi mới tiếp nhận chức vụ Giám đốc FPT Telecom Sài Gòn, hàng loạt chương trình khích lệ tinh thần, tạo động lực cho anh em Vùng 5 như: Cafe sáng thứ 7 cùng Ban Giám đốc Vùng hay Câu lạc bộ Sói khỏe được triển khai định kỳ.
Song song đó, anh Tuấn cũng tổ chức các buổi chạy dành cho cấp quản lý các Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn định kỳ vào mỗi dịp cuối tuần. Từ đó, tính máu lửa trong sinh hoạt và kinh doanh đã lan tỏa khắp Vùng. Vùng 5 đã trở nên mạch lạc, bài bản và vững bước là ngọn cờ đầu của FPT Telecom, cả tổng số thuê bao hiện có và phát triển mới.
Trung tuần tháng 11, Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà quyết định tuyên dương và khen thưởng đối với tập thể Vùng 5 cho thành tích đạt kết quả kinh doanh nổi bật trong quý 3. Theo đó, Vùng 5 - FPT Telecom Sài Gòn nhận mức thưởng 10 triệu đồng.
Cùng thời điểm, Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà cũng ký quyết định nhân sự với 3 cán bộ quản lý thuộc Vùng 6 - miền Đông Nam bộ. Theo đó, PGĐ Trung tâm chăm sóc khách hàng Nguyễn Hữu Hoài Hưng được bổ nhiệm làm GĐ FPT Telecom Đồng Nai. Trong khi đó, anh Trần Anh Tuấn, nguyên Giám đốc chi nhánh Đồng Nai trở thành tân Giám đốc FPT Telecom Vũng Tàu.
Mới đây, chia sẻ chương trình hành động 2018-2020 tại Hội nghị Lãnh đạo FPT Telecom, TGĐ Nguyễn Văn Khoa khẳng định sẽ có 6 đầu việc quan trọng phải thực hiện trong giai đoạn này. “Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà chúng ta cần phải triển khai cho FPT Telecom chính là công tác nhân sự”, anh Khoa nhấn mạnh và bổ sung, trong 5 năm qua, đơn vị đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ trong FPT Telecom “và luân chuyển một hồi thì chúng ta hết cán bộ dự nguồn”.
Theo lãnh đạo FPT Telecom, việc chủ động và sớm phát hiện cán bộ có triển vọng, các tài năng trẻ để sớm đưa vào các chương trình tạo nguồn là giải pháp quan trọng để bổ sung đội ngũ quản lý của thế hệ tiếp nối. Cụ thể, các cấp quản lý phải hoạch định nhân sự ngay tại các đơn vị “nằm vùng”, gồm công tác phát hiện, biểu dương, đào tạo và giới thiệu để FPT Telecom nhanh chóng có lứa cán bộ mới, sẵn sàng đảm đương nhiệm vụ, công tác luân chuyển cán bộ.
“Dàn quản lý mới sẽ sẵn sàng trong đào tạo, nắm bắt những điểm mới để đáp ứng ở các khu vực mà chúng ta sẽ mở rộng”, anh Khoa nêu yêu cầu và làm rõ định mức. “Mỗi năm, FPT Telecom sẽ tìm ra 50 người và qua nhiều nhiệm vụ, quá trình làm việc sẽ bổ sung được 25 người tham gia kỳ Hội nghị lãnh đạo ngay trong năm tới”. Như vậy, trong ba năm 2018-2020, toàn hệ thống FPT Telecom sẽ bổ sung ít nhất 150 vị trí mới, tính từ GĐ chi nhánh trở lên.
>> Soi chiến lược FPT Telecom 2018
Nguyên Văn
Ý kiến
()