Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 và hai áp thấp nhiệt đới gần bờ, từ tối 2/9 đến sáng nay, nhiều địa phương miền Trung có mưa lớn dẫn đến nhiều tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt...
Điển hình tại Hà Tĩnh, mưa lớn trên diện rộng từ đêm qua đã khiến nhiều tuyến đường liên xã và huyện lộ Hương Khê bị ngập từ 30 cm đến một mét, chia cắt các xã Hương Trạch, Lộc Yên, Hương Giang, Phương Điền, Phương Mỹ... Nhà máy thủy điện Hố Hô bắt đầu xả tràn với lưu lượng 1.253 m3/s, khiến nhiều xã thuộc huyện Hương Khê bị ngập cục bộ, một số tuyến đường bị chia cắt, chính quyền địa phương đã lên phương án di dời dân khi cần thiết.
Nhiều tuyến đường bị ngập sâu khiến người dân không thể đi lại. Ảnh: Báo Nghệ An. |
"Lũ đang lên rất nhanh tại huyện Hương Khê và các khu vực lân cận. Nếu tiếp tục xả lũ từ các đập thì nguy cơ ảnh hưởng đến trạm mạch tại ga Hương Phố. Các huyện lân cận nguy cơ ảnh hưởng bởi lũ quét đó là Đức Thọ, Hồng Lĩnh, bởi nơi đây có hạ tầng của FPT", anh Nguyễn Đắc Cường, Trưởng phòng Kỹ thuật FPT Telecom Hà Tĩnh, nói và cho biết hoạt động kinh doanh và triển khai dịch vụ đang gặp khó khăn. Hiện lũ lên nhanh cùng diễn biến khó lường của thời tiết nên thông tin liên tục cập nhật để đảm bảo an toàn cho CBNV.
Tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ngập, việc đi lại hết sức khó khăn như Phan Bội Châu, Trường Chinh, Lý Thường Kiệt, Đặng Thái Thân, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong…. ngập sâu 0,3-0,5m, có đoạn ngập hơn nửa bánh xe. Nhiều trường trên địa bàn cho học sinh nghỉ học, một số phụ huynh không nắm được lịch, đưa con đến trường sau đó phải đưa về.
"TP Vinh nhiều đoạn đường bị ngập. Mưa lớn vẫn đang tiếp tục diễn ra trên diện rộng. Hiện hạ tầng chi nhánh không bị ảnh hưởng nhưng hoạt động kinh doanh và triển khai dịch vụ gặp nhiều khó khăn", anh Nguyễn Khắc Hiếu, Giám đốc FPT Telecom Nghệ An, thông tin.
Bên cạnh mưa lớn đang diễn ra tại các chi nhánh Vùng 3 như Hà Tĩnh và Nghệ An... FPT Telecom tại Vùng 4 như Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng hay Huế... cũng tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để ứng phó với hai áp thấp nhiệt đới trên biển đông.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7 giờ sáng nay (3/9), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9. Còn với áp thấp nhiệt đới khác trên Biển Đông, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 100 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Thủy điện Hố Hô, tỉnh Hà Tĩnh xả tràn vào sáng ngày 3/8. Ảnh: Báo Tiền Phong. |
Để chủ động ứng phó với thời tiết xấu, GĐ FPT Telecom Vùng 4 - anh Nguyễn Thế Quang yêu cầu các chi nhánh phải đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên. Thường xuyên hỏi thăm và liên lạc với gia đình CBNV ở những vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của mưa bão. "Các chi nhánh tiếp tục triển khai phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Về lâu dài cần ngầm hóa các tuyến cáp quan trọng", anh nói.
Dự báo, khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 300-500 mm/đợt, riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế 500-700 mm/đợt, có nơi trên 700 mm/đợt).
>> Bão Podul đổ bộ, hạ tầng FPT Telecom không ảnh hưởng
Việt Nguyễn
Ý kiến
()