Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng đầu năm 2015. Theo đó, sau khi trừ các chi phí hoạt động trong kỳ, FPT Telecom báo lãi 643 tỷ đồng, tăng 9,73% so với cùng kỳ 2014.
Số dư tiền và tương đương tiền cuối quý 3 của công ty đạt 892 tỷ đồng. Cuối quý 3, FPT Telecom có số dư lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 1.219 tỷ đồng, gần tương đương vốn điều lệ của công ty tại cùng thời điểm (1.246 tỷ đồng).
Mới đây, FPT Telecom cũng trở thành công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên được cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ internet (ISP) ở Myanmar. |
FPT cũng mới công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm. Tập đoàn ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 29.257 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.969 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.202 đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.
Cụ thể, khối Công nghệ ghi nhận doanh thu 5.737 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 30% và lợi nhuận trước thuế đạt 600 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ; khối Viễn thông ghi nhận doanh thu tăng 12% và lợi nhuận trước thuế tăng 7% so với cùng kỳ, đạt tương ứng 3.975 tỷ đồng và 815 tỷ đồng; và khối Phân phối - bán lẻ các sản phẩm công nghệ có doanh thu và lợi nhuận trước thuế tăng lần lượt 20% và 19%, đạt tương ứng 19.089 tỷ đồng và 500 tỷ đồng sau 9 tháng.
Trước đó, ngày 13/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản cho phép SCIC “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.
Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FPT (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMC)...
Cụ thể, SCIC sẽ thoái hoàn toàn 6% lượng cổ phiếu FPT đang sở hữu. Hiện SCIC là cổ đông lớn thứ hai tại FPT sau Chủ tịch Trương Gia Bình (7,14%). Đối với FPT Telecom, SCIC sẽ thoái toàn bộ 50,2% vốn cổ phần.
Trong tuần từ ngày 26 đến 31/10, cổ phiếu FPT tiếp đà tăng với 4 phiên tăng, một phiên đứng giá. Cụ thể, mã FPT đã tăng từ 47.600 đồng lên 49.300 đồng/cổ phiếu.
>> ‘Tăng trưởng sẽ tăng thưởng’
Nguyên Văn
Ý kiến
()