Chúng ta

13 phiên giao dịch, Chủ tịch FPT có thêm gần 120 tỷ đồng

Thứ bảy, 31/10/2015 | 17:00 GMT+7

Tuần qua, cổ phiếu FPT vươn lên đứng số một thị trường về giá trị giao dịch.

Trong tuần từ ngày 26/10 đến 31/10, cổ phiếu FPT tiếp đà tăng với 4 phiên tăng, một phiên đứng giá. Cụ thể, mã FPT đã tăng từ 47.600 đồng lên 49.300/cổ phiếu.

Xét về giá trị, FPT đứng đầu thị trường với giá trị giao dịch đạt mức bình quân 92 tỷ đồng, tiếp đến là VIC của Vingroup với 90 tỷ đồng. Trong đó, hai phiên FPT có mức giao dịch vượt 100 tỷ đồng là ngày 26/10 (Hơn 2,6 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 126 tỷ đồng) và 28/10 (gần 2,7 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 130 tỷ đồng).

Theo dữ liệu, khối lượng giao dịch của FPT tăng trung bình 2,5 lần so với tháng trước đó, cho thấy nhà đầu tư đang thay đổi đánh giá về cổ phiếu FPT so với trước đây.

2015-10-31-151146-4594-1446279588.png

Diễn biến giá cổ phiếu FPT trong tháng 10. Nguồn: Stockbiz.

Tính từ khi có thông tin (ngày 13/10) Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn tại hàng loạt doanh nghiệp, trong đó có FPT, cổ phiếu của tập đoàn trải qua 13 phiên giao dịch, với 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 9 phiên tăng, từ mốc 45.500 đồng lên 49.300 đồng.

Theo dữ liệu của Stockbiz, các cổ đông tổ chức giữ nhiều cổ phiếu FPT gồm: Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 6,05%; Red River Holding - 5,72%; Deutsche Bank AG, London Branch - 4,97%; Deutsche Bank AG - 3,80%; Government of Singapore - 3,56%); The Caravel Fund (International) Ltd. - 2,55% và hai cổ đông cá nhân lớn nhất là Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình - 7,14% và CEO Bùi Quang Ngọc - 3,72%. Như vậy, trong đợt tăng giá vừa qua, Chủ tịch FPT có thêm gần 120 tỷ đồng, CEO FPT là hơn 50 tỷ đồng.

Theo số liệu ngày 31/12/2014 của VnExpress, với 943,158 tỷ đồng, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đứng ở vị trí 18 trong bảng xếp hạng, tụt 3 bậc so với năm 2013. Tuy nhiên, với đà tăng chứng khoán vừa qua, anh Bình hiện đứng thứ 9 trong bảng danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán của BizLive.

Trước đó, ngày 13/10, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản cho phép SCIC “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”. 

Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FPT (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMC)...

Cụ thể, SCIC sẽ thoái hoàn toàn 6% lượng cổ phiếu FPT đang sở hữu. Hiện SCIC là cổ đông lớn thứ hai tại FPT sau Chủ tịch Trương Gia Bình (7,14%). Đối với FPT Telecom, SCIC sẽ thoái toàn bộ 50,2% vốn cổ phần.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 29.257 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 105% kế hoạch luỹ kế. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 1.969 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ, đạt 99% kế hoạch luỹ kế.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 3.202 đồng, tăng 8% so với cùng kỳ.

Khối Công nghệ (gồm ba mảng là Phát triển phần mềm, Tích hợp hệ thống và Dịch vụ CNTT) ghi nhận doanh thu 5.737 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 30% và LNTT đạt 600 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

Khối Viễn thông (gồm hai mảng là Dịch vụ viễn thông và Nội dung số) ghi nhận doanh thu tăng 12% và LNTT tăng 7% so với cùng kỳ, đạt tương ứng 3.975 tỷ đồng và 815 tỷ đồng.

Khối Phân phối - Bán lẻ các sản phẩm công nghệ (gồm hai mảng là Phân Phối và Bán lẻ) có doanh thu và LNTT tăng lần lượt 20% và 19%, đạt tương ứng 19.089 tỷ đồng và 500 tỷ đồng sau 9 tháng. Riêng mảng bán lẻ ghi nhận doanh thu tăng trưởng 53% và LNTT tăng 255% so với cùng kỳ năm 2014.

Định hướng toàn cầu hóa tiếp tục duy trì kết quả khả quan với doanh thu từ thị trường nước ngoài sau 9 tháng tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 3.409 tỷ đồng, tương đương 156 triệu USD.

>> Chủ tịch FPT chia sẻ bí quyết lãnh đạo

Nguyên Văn

Ý kiến

()