Chúng ta

FPT tăng hơn nghìn tỷ vốn điều lệ

Thứ hai, 8/6/2020 | 10:25 GMT+7

Vốn điều lệ mới của FPT là trên 7,8 nghìn tỷ đồng.

FPT vừa báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM về việc thay đổi thông tin công bố vốn điều lệ. Theo đó, FPT ghi nhận số vốn điều lệ mới là 7.839.874.860 đồng.

Việc tăng vốn của FPT được thực hiện thông qua phát hành hơn 102 triệu cổ phần trả cổ tức năm 2019 bằng cổ phiếu, với tổng mệnh giá phát hành hơn 1.020 tỷ đồng. Số lượng phát hành tương ứng với 15% vốn điều lệ. Vốn phát hành được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2019 trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Cùng thời điểm, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của FPT do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp cũng ghi nhận thay đổi lần thứ 48. Thông tin được công bố bất thường và đã được thông báo trên website công ty.

fpt-von-dieu-le-5097-1591581385.png

Kết thúc quý I, FPT đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 17% và 18,9% so với cùng kỳ 2019. Ảnh: Cucumber.

Về cổ tức, ĐHĐCĐ FPT diễn ra hồi tháng 4 chốt phương án chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 tỷ lệ 20% (2.000 đồng/cổ phiếu), bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức cho năm 2019 cả bằng tiền và cổ phiếu là 35%. Và ngày 6/6, FPT đã hoàn tất chi trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cổ tức còn lại của năm 2019.

Đây là năm thứ 7 liên tiếp FPT duy trì mức chi cổ tức trên 30% mỗi năm kể từ năm 2013 đến nay với tỷ lệ chi trả bằng tiền mặt thường cân bằng hoặc cao hơn tỷ lệ chia bằng cổ phiếu.

Trong khi đó, với chính sách trả cổ tức năm 2020, ĐHĐCĐ tổ chức ngày 8/4 biểu quyết tỷ lệ cổ tức là 20% bằng tiền, 2.000 đồng/cổ phiếu. Mức chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2020 sẽ do ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 quyết định.

Đại hội cũng phê duyệt chương trình phát hành cổ phiếu ưu đãi (ESOP) cho người lao động và lãnh đạo. Đối với người lao động, công ty sẽ phát hành không vượt quá 0,5% tổng số cổ phần lưu hành của công ty. Việc phát hành sẽ chia làm 3 đợt 2021, 2022 và 2023, số lượng cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm.

Đối với việc phát hành ESOP cho ban lãnh đạo giai đoạn 2020-2025, tối đa không quá 0,25% lượng cổ phiếu lưu hành. Giá phát hành theo mệnh giá, hạn chế chuyển nhượng 10 năm và nếu ban lãnh đạo rời đi phải bán lại với giá bằng mệnh giá.

Trước đó, năm 2019, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 27.717 tỷ đồng, tăng 19,4% so với năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 4.665 tỷ đồng, tăng 20,9% so với năm 2018. Doanh thu và lợi nhuận từ thị trường nước ngoài tiếp tục tăng trưởng cao, đạt tương ứng 11.452 tỷ đồng, tăng 25,7% và 1.896 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Mới đây (ngày 1/6), Forbes Việt Nam công bố “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất” năm 2020, trong đó, FPT là thương hiệu Công nghệ duy nhất trong Top 50.

Kết thúc quý I, FPT đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 17% và 18,9% so với cùng kỳ 2019. Con số này tương đương 6.631 tỷ đồng và 1.142 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch so với đầu năm.

Năm 2020, FPT đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 17% và lợi nhuận 18% so với 2019 như đã đưa ra đầu tháng 1, và uỷ quyền cho HĐQT thực hiện các kịch bản kinh doanh khác nhau tùy theo diễn biến thực tế.

>> Forbes: 'FPT là công ty công nghệ niêm yết tốt nhất Việt Nam'

Tân Phong

Ý kiến

()