Chúng ta

FPT Software cán mốc 200 triệu USD

Thứ sáu, 18/11/2016 | 14:32 GMT+7

Tối 17/11, hệ thống ghi nhận FPT Software đã chạm mốc doanh thu 200 triệu USD.

“200 triệu USD là to hay nhỏ?”, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đặt câu hỏi trên trang cá nhân và cho rằng: “Làm phần mềm mà 200 triệu USD (khoảng 4.400 tỷ đồng) là rất to đấy”.

Anh Tiến lý giải, ví như Samsung là công ty lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, năm 2016 dự kiến họ xuất khẩu 30 tỷ USD, nhưng để xuất khẩu như vậy, họ cần nhập 25-28 tỷ USD linh kiện. Hay một đôi giầy của Nike là 50 USD, phần thuê nhân công làm ở các nhà máy tại Việt Nam chỉ 2-4 USD. “Nhưng trong mỗi 100 USD phần mềm xuất khẩu, chúng ta đóng góp 84-86 %”, Chủ tịch nhà Phần mềm tiết lộ con số rất ý nghĩa để khẳng định trí tuệ của người Việt trong lĩnh vực CNTT.

Đầu tháng 10, FPT Jaoan chính thức cán mốc doanh thu 100 triệu USD (tương đương hơn 2.200 tỷ đồng). Như vậy, thị trường Nhật Bản chiếm hơn 50% tổng doanh thu của FPT Software.

IMG-0598-JPG-5289-1479442291.jpg

Chủ tịch FPT Software chia sẻ trong sự kiện Open Door Day ngày 12/11 tại F-Town, quận 9. Ảnh: Trần Hùng.

Báo cáo mới nhất của FPT thể hiện toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của tập đoàn. Sau 9 tháng, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận kết quả khả quan với 4.169 tỷ đồng doanh thu, tăng 27% và 604 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ trong sự kiện mới đây, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho rằng ở những ngành nghề khác, người mới ít có cơ hội để theo kịp những người đi trước. Tuy nhiên, trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là những mảng FPT Software đang tập trung đầu tư như IoT, Cloud... việc rút ngắn khoảng cách với những nước hàng đầu là "nằm trong tầm tay".

"Chúng tôi rất tự hào là đang làm việc với 43 tập đoàn trong danh sách Fortune 500 - Top tập đoàn hàng đầu thế giới. Tôi thường chia sẻ với đồng nghiệp trẻ rằng, chúng ta chưa làm được sản phẩm gì để cả thế giới dùng nhưng chúng ta đang làm sản phẩm cho một số hãng mà sản phẩm của họ được cả thế giới sử dụng. Tôi tin rằng thế hệ tiếp theo của FPT Software có thể làm được vì chúng tôi đang ở rất gần chỗ đó rồi", anh Tiến chia sẻ.

Ngoài phần mềm, phía FPT Software cũng đang đẩy mạnh Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong các lĩnh vực như điện toán đám mây (Cloud), Internet vạn vật (IoT) hay gần gũi hơn là Digital Transformation (Chuyển đổi kỹ thuật số) đang thu những 'trái ngọt'.

Năm 2013, FPT Software đạt doanh thu kỷ lục trong lĩnh vực phần mềm tại Việt Nam với 100 triệu USD. Ba năm tiếp theo đơn vị lần lượt chạm đến các mốc 138 triệu USD (2014) và 181 triệu USD (2015). Doanh thu dự kiến của đơn vị trong năm 2016 là 230 triệu USD,

FPT Software đang hướng đến 1 tỷ USD doanh thu và 30.000 nhân sự vào năm 2020. Mới đây, ngày 24/10, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vinh danh FPT Software đứng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm.

>> 'Vào FPT Software, bạn phải selfie ở New York'

Nguyên Văn

Ý kiến

()