Tại đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 27/3 được tổ chức tại TP HCM, nhiều cổ đông quan tâm tới hoạt động bán lẻ dược phẩm của FPT Retail - mảng kinh doanh mới được doanh nghiệp triển khai chưa đầy 2 năm, trong thời điểm thị trường điện thoại di động bắt đầu bão hoà.
Thừa nhận liều lĩnh khi nhận hơn 70 tỷ đồng công ty cho mượn để đầu tư cá nhân vào lĩnh vực này dù hoàn toàn không có kinh nghiệm, chị Nguyễn Bạch Điệp nhấn mạnh quy mô thị trường dược phẩm rất lớn, khoảng 4,5 tỷ USD và thậm chí thực tế có thể cao hơn do nhiều hàng hoá không chứng từ chưa đưa vào tính toán.
Bên cạnh đó, mức sống của người dân đang lên kéo theo nhu cầu về sức khoẻ tăng cao. “Trên truyền hình có đến 1/3 quảng cáo là về thực phẩm chức năng”, chị Điệp lấy ví dụ và nhấn mạnh, có đến 30.000 nhà thuốc lớn nhỏ đã được mở, nhưng chưa thật sự có ai dẫn đầu thị trường này.
Chị Nguyễn Bạch Điệp thừa nhận liều lĩnh khi nhận hơn 70 tỷ đồng công ty cho mượn để đầu tư cá nhân vào lĩnh vực dược phẩm. |
Khi bắt đầu lấn sân ngành mới, Tổng giám đốc Nguyễn Bạch Điệp xác định phải mua lại một chuỗi nhà thuốc quy mô nhỏ nhằm hạn chế rủi ro và đánh giá hiệu quả. "Không ít đơn vị từng đánh tiếng bán lại cửa hàng, thương hiệu... khi biết chúng tôi có ý định tham gia bán lẻ dược phẩm. Tuy nhiên, FPT Retail đã chọn Long Châu bởi lúc đó họ sở hữu 4 cửa hàng với doanh thu bình quân hàng tháng của mỗi cửa hàng lên đến 3 tỷ đồng, tạo sự hứng thú và tò mò lớn nơi những con người “đặt nền móng” cho FPT Pharma.
Sau hai năm tiếp quản, nhiều phương án mở nhà thuốc như mở gần bệnh viện, gần đối thủ lớn... các chuỗi nhà thuốc được phân loại A, B, C tuỳ thuộc vị trí và doanh thu. Tính đến cuối năm ngoái, chuỗi nhà thuốc Long Châu tổng cộng 22 cửa hàng. Năm 2019 được coi là năm bản lề cho sự mở rộng của FPT Long Châu. Trước mắt, đầu năm nay đã có 2 nhà thuốc được mở tại Đồng Nai và sắp tới sẽ đến Tiền Giang, Kiên Giang, Long An.
Tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2018, mảng dược phẩm đã mang về hơn 380 tỷ đồng doanh thu trong năm 2018. Trong đó, doanh thu thuốc và thực phẩm chức năng lần lượt chiếm khoảng 58% và 30%, phần còn lại đến từ trang thiết bị y tế và dược mỹ phẩm.
FPT Retail ước tính trung bình mỗi ngày chuỗi nhà thuốc đang ghi nhận 1,6 tỷ đồng doanh thu. Hiện cửa hàng có doanh thu cao nhất lên đến 9 tỷ đồng/tháng, thấp nhất khoảng 700 triệu đồng/tháng, người đứng đầu nhà Bán lẻ cho biết. Theo chị Điệp, một trong những lý do khiến FPT Long Châu thu hút khách hàng và có lượng lớn toa thuốc kê đơn là nhờ nhà thuốc này có số lượng mặt hàng đa dạng với hơn 6.000 sản phẩm.
Đại hội đồng cổ đông thường niên FPT Retail diễn ra sáng 27/3 tại quận 1, TP HCM. |
Với khoảng 50 nhà thuốc mới sẽ được mở dần trong năm 2019, mục tiêu năm nay mảng dược phẩm đạt doanh thu 500 tỷ đồng, chấp nhận lỗ ròng khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, về dài hạn, Ban lãnh đạo tự tin đưa ra lộ trình doanh thu của FPT Long Châu năm 2020 sẽ là 2.000 tỷ đồng - không còn lỗ; năm 2021 là 4.300 tỷ, và năm 2022 sẽ thu 6.500 tỷ từ 700 nhà thuốc.
Chia sẻ với cổ đông, HĐQT cho rằng việc lỗ nhẹ trong hai năm đầu xây dựng chuỗi là bình thường, thậm chí có phần khả quan hơn so với khi công ty bắt đầu phát triển chuỗi bán lẻ điện thoại 6 năm trước (lỗ do đầu tư vào nguồn lực tập trung xây dựng logistic, tăng số lượng nhà thuốc, phát triển đội ngũ nhân sự…).
"Cả nước hiện có hơn 30.000 nhà thuốc lớn nhỏ nhưng chưa có doanh nghiệp nào thống lĩnh thực sự. Cơ hội còn rất lớn nên nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là tăng số lượng lên 70 cửa hàng trong năm nay và 700 cửa hàng vào cuối năm 2022", chị Điệp nói và bật mí sẽ cân nhắc khả năng phân phối hoặc đầu tư nhà máy sản xuất dược phẩm nếu tình hình thuận lợi.
Chủ tịch FPT Retail cũng cho rằng có nhiều chỉ số chứng minh dược phẩm là ngành hàng tiềm năng. Điển hình như quy mô thị trường vào khoảng 4,5 tỷ USD (tương đương ngành hàng điện thoại và cao hơn điện máy, laptop), tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn đảm bảo hai chữ số do không phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chi tiêu cho dược phẩm của người Việt khoảng 30 USD một năm...
Ngoài ra, ở mảng công nghệ thông tin, nhà Bán lẻ sẽ mở thêm 100 cửa hàng mới, triển khai chiến dịch 1.000 tỷ đồng phụ kiện, chú trọng kinh doanh sim số, thẻ cào, phát triển các chương trình bán hàng trả góp F-Friends và trợ giá bán hàng Subsidy.
Năm 2019, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ đạt 418 tỷ, tương đương mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 20% so với năm 2018.
>> Giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều giá trị thực của FPT Retail
Năm 2018, FPT Retail ghi nhận tổng doanh thu đạt 15.298 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2017. Doanh thu online đạt mức 2,432 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 21%. Lợi nhuận trước thuế đạt 435 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2017. Tính đến tháng 12/2018, tổng số cửa hàng FPT Shop là 533, tăng 60 cửa hàng so với cuối kỳ tháng 12/2017. Doanh số trung bình trên của hàng đạt 2.4 tỷ đồng/cửa hàng/tháng, tăng nhẹ so với năm 2017. |
Hà An
Ý kiến
()