Phiên thảo luận về Trách nhiệm xã hội (CSR) là một trong ba phiên thảo luận quan trọng trong ngày đầu của Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU (ngày 8/3). Trong đó, FPT là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất được mời lên phát biểu nhờ những đóng góp của mình cho xã hội.
Với khoảng 10 phút chia sẻ, chị Thanh đã nêu rõ những khác biệt của FPT trong mảng CSR. Theo đó, FPT dành sự quan tâm và đầu tư đúng mức đối với cộng đồng.
![]() |
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận về Trách nhiệm xã hội. |
“Hằng năm, trong các cuộc họp chiến lược, FPT đã đưa ra chiến lược CSR của mình và tiến hành bảo vệ như chiến lược kinh doanh”, chị nói.
Theo chị, nếu như trước đây, các tổ chức kinh tế chỉ quan tâm đến việc làm sao có được lợi nhuận cao nhất, thì ngày nay mọi người đều hiểu rằng, không thể có một nền kinh tế phát triển trong một xã hội bất ổn và một môi trường bị tàn phá. Bởi vậy, lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn quan tâm, hài hoà 3 yếu tố: Profit, People, Planet (3P) trong chiến lược kinh doanh của mình.
![]() |
Chị Thanh trình bày về Chiến lược 3P trong thực hiện CSR tại FPT. |
Tại FPT, tập đoàn luôn dành một phần lợi nhuận để chăm lo cuộc sống vật chất, tinh thần cho nhân viên công ty, một phần nữa cho các hoạt động cải thiện xã hội và phải tuân thủ các quy định để không huỷ hoại môi trường xung quanh, cũng như đề ra các sáng kiến để bảo vệ môi trường.
Đi sâu vào từng vấn đề, Giám đốc FPT HCM đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố People (cộng đồng). Theo đó, FPT chia cộng đồng làm 2 mảng: Cộng đồng người lao động và cộng đồng xã hội.
Ở mảng thứ nhất, FPT luôn coi con người là tài sản lớn nhất của công ty. Từ đó, tập đoàn đã chủ trương xây dựng nhiều chính sách đãi ngộ, minh bạch về lương, chế độ phúc lợi, bồi dưỡng nhân tài… nhằm thu hút và giữ chân nhân lực.
![]() |
"FPT luôn coi con người là tài sản quý nhất của công ty", chị Thanh chia sẻ. |
Ngoài việc tổ chức các chương trình đào tạo cho CBNV theo từng cấp bậc, FPT cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển văn hóa doanh nghiệp. “FPT luôn có những ngày truyền thống. Ở mảng CSR, chúng tôi là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở Việt Nam dành riêng một ngày để toàn thể CBNV trong tập đoàn dành thời gian suy nghĩ hoặc đóng góp một hành động thiết thực cho cộng đồng”, chị Thanh nhấn mạnh.
Hướng tới cộng đồng xã hội, từ hội nghị Chiến lược FPT 2011, FPT nhận thức rõ, những hoạt động thiện nguyện đơn lẻ của tập đoàn hằng năm đem lại không nhiều kết quả. Do đó, với vị thế của của mình, tập đoàn xác định sẽ sử dụng những giá trị cốt lõi là công nghệ để hỗ trợ cho sự phát triển của xã hội.
![]() |
Chị Thanh lắng nghe câu hỏi từ ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Hội đồng Phát triển bền vững doanh nghiệp Việt Nam, chủ tọa của phiên thảo luận. |
FPT cùng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các cuộc thi giải Toán nhanh qua Internet cho các bậc học từ cấp 1 đến cấp 3 - Violympic, đến nay đã thu hút hơn 11 triệu thành viên tham gia.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng đã hỗ trợ công nghệ để xây dựng mạng lưới thiện nguyện lớn nhất cả nước Vicongdong, thu hút hơn 50.000 thành viên đến từ trên 500 nhóm thiện nguyện. Mạng lưới Vicongdong cũng đã tổ chức thành công giải thưởng Chim Én, trở thành giải thưởng có tính đại chúng và lôi kéo nhiều bạn trẻ thi đua bằng những dự án thiết thực giúp đỡ xã hội.
Ngoài ra, FPT còn chú trọng đến việc ươm mầm tài năng trẻ thông qua các quỹ khuyến học, học bổng, chính sách đào tạo mới…
Ở hai nội dung Profit (Lợi nhuận) và Planet (Môi trường), do thời gian thảo luận giới hạn nên các đại biểu đã được giới thiệu thông qua slide trình chiếu.
Phần trình bày của FPT đã nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngay sau phiên thảo luận kết thúc, đại diện một số công ty đã đến bắt tay và chia sẻ với chị Thanh về công tác CSR.
![]() |
Đại diện doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ sự quan tâm của họ tới hoạt động CSR của FPT. |
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và truyền thông Cuộc sống, bày tỏ sự ngưỡng mộ với những việc mà FPT đã làm được. Theo đó, chị mong muốn trong thời gian tới, một số dự án thiện nguyện của công ty chị có thể phối hợp với FPT để thực hiện.
Cùng với phần trình bày của chị Thanh, các đại biểu cũng đã lắng nghe phần trình bày về nội dung Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện trách nhiệm xã hội của ông Florian Beranek, Cố vấn trưởng CSR, UNIDO, dự án CSR Việt Nam, và nội dung Quan tâm đến thế hệ kế cận của bà Lara Vu, Trưởng Ban Quan hệ đối tác khu vực tư nhân, UNICEF Việt Nam.
Phiên thảo luận về Trách nhiệm xã hội là một trong 3 phiên thảo luận quan trọng trong ngày đầu của Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU lần thứ ba. Trong đó, FPT là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất được mời phát biểu.
Hai nội dung trước được bàn tới là cơ hội và thách thức khi đầu tư tại ASEAN và cơ hội kinh doanh tại ASEAN trong một số lĩnh vực như: da giày, nông thủy sản, thương mại.
Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU diễn ra trong hai ngày 8-9/3 tại Khách sạn Melia, 44 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, do Liên minh châu Âu, ASEAN, Bộ Công thương Việt Nam, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Kinh doanh EU - ASEAN, Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC), Phòng Thương mại và công nghiệp ASEAN (ASEAN CCI) phối hợp tổ chức nhân dịp Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 19, được diễn ra tại Hà Nội từ ngày 7 đến 9/3.
Trong lần thứ ba tổ chức, ngày đầu tiên của hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp EU, ASEAN và Việt Nam.
Mục đích chính của hội nghị nhằm giới thiệu những tiềm năng về thương mại - đầu tư của Việt Nam, ASEAN và EU, đồng thời tạo cơ hội để doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các đối tác ASEAN cũng như EU.
Bên cạnh đó, chương trình cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp ASEAN, EU và Việt Nam đối thoại với các Bộ trưởng kinh tế ASEAN và EU về 6 ngành kinh tế quan trọng: nông nghiệp, công nghiệp ôtô, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng và dược phẩm.
Thanh Nga
Ý kiến
()