Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tuần giao dịch có thể nói là khá tích cực. Chỉ số VN-Index kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ở mức 674,09 điểm, tăng 3,5% so với tuần trước đó. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 1,17% lên 83,32 điểm.
Điểm đáng chú ý trong tuần vừa qua là việc mặc dù đã qua thời điểm cơ cấu danh mục đầu tư của hai quỹ ETF, tuy nhiên, giao dịch của thị trường bỗng nhiên trở nên sôi động hơn nhờ sự đột biến đến từ giao dịch thỏa thuận của các cổ phiếu lớn như FPT, VNM...
Trong phiên cuối tuần trước, giá trị giao dịch của mã FPT đạt hơn 1.126,5 tỷ đồng, chiếm hơn 60% toàn sàn Chứng khoán TP HCM (HOSE). |
Tổng khối lượng giao dịch trên thị trường trong tuần vừa qua đạt hơn 899,25 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 19.193,4 tỷ đồng, tức tăng 9,72% về khối lượng và 24% về giá trị so với tuần từ 12 - 16/9.
Trên sàn HOSE, giá trị giao dịch trong tuần vừa qua tăng mạnh 28,2% so với tuần trước đó và đạt hơn 16.627,28 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giao dịch đạt hơn 702,8 triệu cổ phiếu, tăng 16,6%.
Tuần vừa qua, VNM vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về giá trị giao dịch trên thị trường, đạt tới hơn 2.639,8 tỷ đồng (19,57 triệu cổ phiếu). Đứng thứ hai và thứ ba là FPT và ROS, với giá trị giao dịch lần lượt là 1.621 tỷ đồng (33,6 triệu cổ phiếu) và 1.515 tỷ đồng (64,3 triệu cổ phiếu).
Điểm đặc biệt trong giao dịch của ba mã nói trên là việc giao dịch thỏa thuận chiếm tỷ trọng khá lớn. Cụ thể, giao dịch thỏa thuận của VNM tuần vừa qua lên tới hơn 1.293 tỷ đồng (9,7 triệu cổ phiêu), còn ở FPT và ROS đạt lần lượt 1.234,6 tỷ đồng (25,3 triệu cổ phiếu) và 1.402,8 tỷ đồng (60 triệu cổ phiếu).
Chốt phiên chiều ngày 23/9, mã FPT tăng 800 đồng, lên 47.400 đồng. Điểm đáng chú ý là mức giao dịch thỏa thuận lên tới 22,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 1.126,5 tỷ đồng. Điểm đặc biệt trong giao dịch thỏa thuận của FPT là đa phần do khối ngoại thực hiện thỏa thuận nội khối và phần lớn ở mức giá trần.
Trong tuần qua, mã FPT có 4 phiên tăng, một phiên giảm. Từ mức giá 45.300 đồng, mã FPT đang đứng ở mốc 47.400 đồng.
Kết thúc 8 tháng đầu năm nay, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế (LNTT) lũy kế đạt lần lượt 24.544 tỷ đồng và 1.719 tỷ đồng, trong đó có 500 tỷ từ thị trường nước ngoài.
Ngày 7/9, FPT đã hoàn tất chi trả tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. FPT chi khoảng 460 tỷ đồng tạm ứng cổ tức lần này.
>> Đầu tư SCIC mua thành công 20% cổ phiếu FPT đăng ký
Nguyên Văn
Ý kiến
()