Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất năm 2017 do Forbes Việt Nam công bố trong số 49, phát hành ngày 29/5, xuất hiện nhiều tên tuổi mới, là những doanh nghiệp đang trong top dẫn đầu của nhiều ngành kinh tế, như: VietJet, Sabeco, Petrolimex, Novaland… So với năm ngoái, danh sách năm nay có 12 gương mặt mới, trong đó 9 công ty mới lần đầu lọt vào danh sách và 3 công ty quay trở lại danh sách. FPT lần thứ 5 liên tiếp nằm trong danh sách, kể từ lần đầu tiên được tạp chí này công bố năm 2013.
Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà là đại diện duy nhất của ngành CNTT - Viễn thông trong danh sách những “Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam” trong lễ vinh danh được tạp chí này tổ chức hồi tháng 4. Ảnh: Tín Phùng/Forbes Việt Nam. |
Forbes Việt Nam nhận định, năm 2016, FPT chưa hoàn thành kế hoạch doanh thu 45.000 tỷ đồng do ảnh hưởng từ thay đổi chính sách phân phối của Apple, cùng việc Microsoft ngừng kinh doanh sản phẩm Lumia khiến doanh thu mảng phân phối và bán lẻ chỉ đạt 22.000 tỷ đồng, giảm gần 5% so với năm 2015. "Bù lại, doanh thu viễn thông và phát triển phần mềm của FPT đều tăng trưởng xấp xỉ 20%", tờ này viết.
Dẫn phân tích từ Chứng khoán Bảo Việt, tạp chí này cho rằng, không tính mảng phân phối, các mảng còn lại của FPT đều tăng trưởng, trong đó doanh thu công nghệ từ thị trường nước ngoài tăng 40%, đóng góp 31% vào tổng lợi nhuận (năm 2015 là 23%) cho thấy chiến lược toàn cầu hóa đang đi đúng hướng và trở thành động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
"Vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu ngành công nghệ thông tin, FPT đặt mục tiêu doanh thu năm 2017 đạt 46.000 tỷ đồng, dựa trên những dự báo tăng trưởng tích cực từ các thị trường tích hợp hệ thống và giải pháp hạ tầng, viễn thông và truyền hình trả tiền, bán lẻ CNTT và thiết bị di động", Forbes Việt Nam đánh giá.
Đại hội đồng cổ đông FPT 2017 quyết định mức cổ tức năm 2016 là 35% (20% tiền mặt và 15% cổ phiếu). Kết thúc 4 tháng, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 12.975 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 904 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, sau thuế còn 759 tỷ đồng, tăng 18%. Như vậy, bình quân mỗi ngày, FPT báo lãi hơn 6 tỷ đồng.
Dữ liệu thống kê cho biết, 50 công ty trong danh sách năm nay chiếm trên 60% giá trị vốn hóa của hai sàn HSX và HNX, tương đương tỷ lệ năm trước. Tổng lợi nhuận của các công ty đạt gần 79.500 tỷ, tăng 49% so với danh sách năm trước. Hầu hết công ty trong danh sách niêm yết ở HSX, chỉ có bốn doanh nghiệp niêm yết ở sàn HNX.
Ngành xây dựng, bất động sản xuất hiện nhiều đại diện do năm qua thị trường bất động sản giao dịch sôi động. Thị trường chứng khoán diễn biến khả quan và việc tái cơ cấu ngành ngân hàng bước sang năm thứ sáu với một số chuyển biến tích cự khiến lĩnh vực tài chính tăng số đại diện. Trong khi đó, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh khiến nhiều công ty trong ngành phụ trợ như logistics đạt kết quả kinh doanh khả quan. Ngược lại, lĩnh vực dầu khí, cao su tự nhiên vẫn chưa phục hồi hoàn toàn khiến cả hai ngành không có công ty nào trong danh sách. Ngành công nghệ duy nhất có FPT.
“Danh sách các công ty niêm yết tốt nhất năm nay cho thấy các công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, bất động sản… đang tiếp tục chiếm ưu thế. Một số lĩnh vực nguyên vật liệu hàng hóa như cao su, dầu khí… chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh”, bà Nguyễn Lan Anh, thư ký tòa soạn Forbes Việt Nam, cho biết.
Danh sách được Forbes Việt Nam thực hiện theo phương pháp xếp hạng công ty niêm yết của Forbes (Mỹ), có cân nhắc đến đặc thù các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam.
>> Bình chọn FPT Tech Awards 2016
Nguyên Văn
Ý kiến
()