Trong báo cáo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016, các chuyên gia của Credit Suisse, Thụy Sĩ, nhận định công ty hàng đầu thị trường Internet và CNTT như FPT rất đáng được lưu tâm.
Trang The Financialist vừa dẫn bài bình luận của ngân hàng Credit Suisse về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016 với tựa đề “Good Morning, Vietnam”.
Theo đó, Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng là 6,3% trong năm 2016, cao thứ ba trong nhóm các nền kinh tế mới nổi, sau Trung Quốc (6,6%) và Ấn Độ (7,8%). Do tình hình kinh tế toàn cầu chưa có nhiều khởi sắc nên đà tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị chậm lại (từ 7,1% năm 2015 còn 6,9% năm 2016), nhưng khi so sánh với mức bình quân của khu vực châu Á (trừ Nhật Bản), tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang vượt trội tới 10-15%.
"Chào buổi sáng Việt Nam" - Hãy chú ý đến FPT. |
Credit Suisse cho rằng, dòng vốn FDI vẫn đang ồ ạt đổ vào và dự báo sẽ đạt 13 tỷ USD trong năm nay, giảm so với mức 14,5 tỷ đồng năm ngoái. Ngân hàng hàng đầu Thụy Sĩ nhận định nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng GDP, theo cách “chậm hơn, nhưng an toàn hơn” (slower, but safer).
Tuy nhiên, việc đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa dễ dàng bởi tính thanh khoản hạn chế, số lượng doanh nghiệp được niêm yết chưa nhiều cùng những hạn chế về room cho khối ngoại. “Các công ty trong thị trường tiêu dùng như Vinamilk hay Internet và CNTT như FPT là rất đáng được để mắt tới”, các chuyên gia phân tích của Credit Suisse khuyến nghị.
Phần cuối của bài phân tích, Credit Suisse cảnh báo về tỷ lệ an toàn vốn của ngành ngân hàng Việt Nam khi các nhà phân tích tỏ ra thận trọng trong việc xem xét ngành ngân hàng và bất động sản Việt Nam. “Năm nay có thể sẽ là một năm nhiều thử thách với các cổ đông ngân hàng Việt Nam”, báo cáo nêu.
Viễn thông và Công nghệ là hai mảng cốt lõi của FPT. Kết thúc năm 2015, khối Công nghệ (gồm ba mảng là Phát triển phần mềm, Tích hợp hệ thống và Dịch vụ CNTT) ghi nhận doanh thu 8.605 tỷ đồng trong năm 2015, tăng 22,3% và LNTT đạt 926 tỷ đồng, tăng 25,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, khối Viễn thông (gồm hai mảng là Dịch vụ viễn thông và Nội dung số) ghi nhận doanh thu tăng 16% và LNTT tăng 11,6% so với cùng kỳ, đạt tương ứng 5.484 tỷ đồng và 1.044 tỷ đồng.
Năm 2016, FPT đặt kế hoạch doanh thu 45.796 tỷ đồng (tăng 14,5% so với năm 2015) và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.151 tỷ đồng (tăng 10,5% so với năm 2015). Vào năm 2020, tập đoàn kỳ vọng doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 30%; Mức tăng trưởng doanh thu từ các dịch vụ số hóa cho khách hàng bình quân trên 70% mỗi năm.
>> FPT cam kết hoàn thành kế hoạch năm 2016
Nguyên Văn
Ý kiến
()