Đại diện Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (FPT IS), đối tác vận hành hệ thống vé tàu điện tử của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay, hiện vẫn còn nhiều vé tàu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019 trên tuyến Bắc - Nam trên hệ thống.
Cụ thể, hệ thống vé tàu điện tử ngành Đường sắt đang bán vé tàu đi đến tất cả các ga trên tuyến đường sắt Bắc Nam vào thời gian trước Tết từ ngày 25/1/2019 đến ngày 3/2/2019 (tức từ ngày 20 đến 29 tháng Chạp), sau Tết từ ngày 8/2/2019 đến 20/2/2019 (tức từ ngày 4 đến 16 tháng Giêng).
FPT IS chung tay với các đối tác giúp Đường sắt Việt Nam đưa thêm hình thức thanh toán điện tử qua Momo và Payoo khi mua vé tàu qua mạng, tạo thuận lợi cho hành khách. |
Trong đó, giai đoạn trước Tết còn khoảng 12.500 vé có ga đi Sài Gòn, Biên Hòa ga đến từ Nha Trang đến Hà Nội, gồm: khoảng 11.500 vé trên các mác tàu chạy trong thời gian từ ngày 25/1/2019 đến 29/1/2019 và ngày 3/2/2019; Khoảng 1.000 vé trên các mác tàu chạy trong thời gian từ ngày 30/1/2019 đến ngày 2/2/2019. Tuy nhiên, số chỗ còn chủ yếu là ghế phụ đi các ga phía Bắc, các chỗ đường ngắn đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn.
Giai đoạn sau Tết còn khoảng 60.000 vé có ga đi từ Hà Nội đến Nha Trang và ga đến Biên Hòa, Sài Gòn.
Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn thông tin, số lượng vé này sẽ còn biến động do hành khách đặt giữ chỗ mà không thanh toán, hành khách trả lại vé...
Người dân có thể mua trực tuyến một cách nhanh chóng qua hai website chính thức của ngành đường sắt là dsvn.vn và vetau.com.vn, hay ứng dụng ví điện tử MoMo, tổng đài bán vé 1900 0109 (Hà Nội) và 1900 1520 (TP HCM) hay đến các nhà ga, điểm bán vé của ngành đường sắt.
Hành khách có thể thanh toán trực tuyến hoặc thanh toán bằng các hình thức thu hộ như ví điện tử Payoo, ví điện tử MoMo, VNPost và tại các ngân hàng có liên kết với Napas.
Dịp Tết năm nay, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn bán hơn 300.000 vé tàu, mở bán từ ngày 1/10. Để đáp ứng nhu cầu đi lại, công ty cũng bán thêm vé ghế phụ được bố trí ngồi bằng ghế nhựa với giá được tính bằng 80% giá vé loại chỗ thấp nhất quy định tại bảng giá vé trên tàu.
Từ năm 2014, để khắc phục những bất tiện và khó khăn của hình thức mua vé tại ga, tại đại lý hoặc tổng đài, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã kết hợp với FPT IS xây dựng hệ thống bán vé điện tử, triển khai được chia làm 3 giai đoạn trong vòng 7 năm.
Trang web cũng cung cấp thông tin tổng quan nhất đối với từng mác tàu như: Thông tin cụ thể về thời gian tàu di chuyển từ ga đi - ga đến để người đi tàu chủ động sắp xếp thời gian; số chỗ còn và giá vé của tất cả loại chỗ; các chương trình khuyến mãi...
Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn khuyến cáo, người dân không mua vé thông qua “cò” bên ngoài, các website không phải của ngành đường sắt, các đại lý trá hình (sử dụng tên miền giống website bán vé chính thức của ngành đường sắt để bán vé tàu với giá đắt gấp 2-3 lần vé thật).
>> Nhà Hệ thống tận lực phát triển sản phẩm 'Made by FIS'
Bước hợp tác giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và FPT IS đã mang lại nhiều tiện ích cho người mua vé khi FPT IS lần lượt tích hợp các mô hình công nghệ hiện đại vào quản lý vé phát hành và đăng ký mua vé trực tuyến trên website dsvn.vn và vetau.com.vn. Tính đến nay, hành khách đi tàu hỏa hoàn toàn có thể tự in vé mà không cần phải ra ga lấy vé như trước, có thể thanh toán qua kênh Payoo hoặc ví điện tử Momo. Các hình thức này giúp hành khách mua và thanh toán vé tàu một cách dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi hơn chỉ với điện thoại thông minh. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giải pháp Dịch vụ vận tải hành khách FPT, trong năm ngoái, Đường sắt Việt Nam đã bán ra tổng số hơn 9,7 triệu vé; Trong đó có gần 1,4 triệu vé mua qua mạng, tăng 3,5 triệu vé so với năm ngoái. |
Hà An
Ý kiến
()