Chiều 2/4, giá cổ phiếu FPT Retail (mã FRT, sàn HoSE) bất ngờ tăng 3.400 đồng, từ 49.200 đồng lên 52.600 đồng, tương đương 6,9%. Lượng dư mua giá trần lên đến hàng chục nghì đơn vị nhưng trắng bên bán. Kết phiên, đã có hơn 54.000 cổ phiếu được sang tay.
Trong 2 tuần trở lại đây, cổ phiếu nhà Bán lẻ trải qua 10 lần giảm, trong đó có 8 phiên đỏ liên tiếp và chỉ có 3 lần tăng giá. Và đây là lần đạt tím đầu tiên của mã FRT kể từ tháng 10/2018.
Trước đó, trong phiên họp đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên sáng 27/3 tại TP HCM, chị Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ FPT Retail (sàn HoSE, mã: FRT) đã trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến mức giá khá thấp của cổ phiếu FRT trên sàn.
Cách đây gần 1 năm (ngày 26/4/2018), 40 triệu cổ phiếu FPT Retail lên sàn Chứng khoán TP HCM (HoSE) với giá tham chiếu 125.000 đồng/cổ phiếu. Mã FRT đã tăng hết 20% phiên đầu tiên, lên 150.000 đồng. vốn hóa thị trường FPT Retail tương ứng 6.000 tỷ đồng. Sau 2 phiên trần, cổ phiếu FRT giảm dần đều. Hiện thị giá đang trong khoảng 48.000 đồng/cổ phiếu.
Vấn đề giá cổ phiếu thấp được lãnh đạo nhà Bán lẻ đánh giá là quan trọng, nóng hổi, thực tế. Chị Điệp thừa nhận doanh nghiệp vừa lên sàn năm ngoái, ban điều hành chưa có nhiều kinh nghiệm về giá cổ phiếu. Tuy nhiên, hiện giá cổ phiếu đang được giao dịch khá xa so với giá trị thật.
Chiều 2/4, cổ phiếu của FPT Retail có phiên giao dịch ấn tượng khi tăng kịch trần. |
Người đứng đầu nhà Bán lẻ lập luận, giá thị trường của FPT Retail đang là khoảng 3.200 tỷ đồng, nếu chia đều cho 570 cửa hàng (gồm cả Long Châu và FPT Shop), mỗi cửa hàng có giá khoảng 5,5 tỷ đồng. Tính toán so sánh với chi phí đầu tư, tồn kho, chi phí thương hiệu, đầu tư website cho việc xây dựng mỗi cửa hàng, giá này hoàn toàn không hợp lý.
Để cải thiện, nhà Bán lẻ đang nhờ tư vấn, sắp tới sẽ có một số hành động để cải thiện thanh khoản cho cổ đông, chị Nguyễn Bạch Điệp khẳng định.
Sau phiên sáng tăng điểm với thanh khoản sụt giảm, áp lực bán đã tăng mạnh lên trong phiên chiều nay. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Vn-Index giảm 2,72 điểm (0,28%) xuống 985,81 điểm; Hnx-Index giảm 0,24 điểm (0,22%) xuống 107,48 điểm và Upcom-Index giảm 0,29% xuống 57,1 điểm. Thanh khoản thị trường cũng tăng lên đáng kể với giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt gần 5.500 tỷ đồng cho thấy áp lực bán khá mạnh. Điểm tích cực là khối ngoại vẫn duy trì đà mua ròng tích cực trên cả 3 sàn với tổng giá trị 235 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu FPT đang duy trì sắc xanh liên tục 5 phiên gần nhất. Từ 26/3, mã FPT tăng nhẹ từ 44.400 đồng lên 46.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 3,6%.
Tại đại hội cổ đông thường niên ngày 27/3 vừa qua, cổ đông FPT Retail đã thông qua phương án chia cổ tức năm 2018 tỉ lệ 25%, trong đó 10% tiền mặt, 15% bằng cổ phiếu. Thời gian chi trả cổ tức dự kiến vào quý II hoặc quý III năm nay, sau khi phát hành trả cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ FPT Retail sẽ tăng lên 790 tỉ đồng. Năm 2019, HĐQT công ty đặt mục tiêu cổ tức tiền mặt không thấp hơn 10%.
Năm 2019, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu là 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ đạt 418 tỷ, tương đương mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 20% so với năm 2018.
>> Giá cổ phiếu đang thấp hơn nhiều giá trị thực của FPT Retail
Hà An
Ý kiến
()