Chúng ta

Cổ phiếu FPT Retail 'cháy hàng' ngày đầu lên sàn

Thứ năm, 26/4/2018 | 09:26 GMT+7

Ngay sau khi niêm yết, giá cổ phiếu FRT đã tăng hết biên độ dao động 20% lên mức 150.000 đồng/cổ phiếu. Nhà đầu tư vẫn quyết giữ, bán dư bán liên tục ở mức 0 trong khi dư mua lên đến hàng triệu cổ phiếu sau phiên ATO.

Sáng nay (ngày 26/4), FPT Retail đã niêm yết thành công cổ phiếu với mã FRT trên sàn của Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). Giá chào sàn cho cổ phiếu FRT là 125.000 đồng/cổ phiếu, theo đó vốn hóa của FPT Retail đạt 5.000 tỷ đồng, tương đương hơn 200 triệu USD.

DSC-7229-JPG-4866-1524709374.jpg

Chủ tịch kiêm CEO FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp thực hiện nghi thức đánh cồng ngày đầu giao dịch tại HOSE.

Ngay sau tiếng cồng đánh dấu mở phiên giao dịch, lập tức cổ phiếu này trở thành “hàng hot” sàn chứng khoán khi hàng loạt nhà đầu tư đổ xô mua vào nhưng lượng bán ra rất thấp. Với mức giá tham chiếu là 125.000 đồng, cổ phiếu FRT đã tăng trần hết biên độ cho phép (tăng 20% so với giá tham chiếu) trong phiên giao dịch ATO (xác định giá mở cửa), đạt 150.000 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, cơ bản nhà đầu tư vẫn giữ, dư bán liên tục ở mức 0 trong khi dư mua lên đến trên hàng triệu cổ phiếu vào lúc 9h15 cùng ngày.

FPT Retail đăng ký niêm yết 40 triệu cổ phiếu tương ứng vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Tính đến ngày niêm yết, chủ sở hữu thương hiệu FPT Shop có 370 cổ đông, với 108 cổ đông nội bộ và 262 cổ đông bên ngoài. Trong đó, tập đoàn FPT nắm 47% cổ phần, hai quỹ đầu tư là Dragon Capital và VinaCapital nắm 34.32%, còn lại thuộc về các cổ đông khác.

FRT là cổ phiếu thứ 440 của đại gia đình HOSE. Theo Chủ tịch kiêm CEO FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp, cổ phiếu FRT khi niêm yết tại HOSE kỳ vọng sẽ tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, tạo điều kiện cho các cổ đông có thể chuyển nhượng vốn dễ dàng, tạo cơ hội tiếp cận với nhiều nguồn tài chính khác nhau trong nước và quốc tế, làm tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển, chuẩn mực hóa hoạt động quản trị, tăng tính minh bạch của công ty, và giúp FPT Retail quảng bá thương hiệu và nâng cao hình ảnh.

DSC-7242-JPG-2384-1524709374.jpg

Nhà đầu tư liên tục đổ lệnh mua trong phiên ATO (cột bên trái) trong khi lượng bán re (bên phải) nhỏ giọt.

Sau 6 năm đi vào hoạt động, FPT Retail đã trở thành nhà bán lẻ lớn thứ hai tại Việt Nam trong ngành kỹ thuật số và hàng công nghệ, với tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu đạt 47%/năm trong giai đoạn 2013-2017 và tốc độ tăng trưởng bình quân lợi nhuận sau thuế đạt 92%/năm trong giai đoạn 2014-2017. FPT Retail hiện có gần 500 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành. Doanh thu năm 2017 đạt gần 600 triệu USD, trong đó 15% đến từ doanh thu online.

Theo số liệu sau kiểm toán, doanh thu của FPT Retail trong năm 2017 đạt 13.800 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016.

Cạnh đó, theo số liệu của Euromonitor và Retail Asia Publishing, FPT Shop có doanh số/m2 vượt trội so với các đối thủ trong Top 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, với 15,717 USD/m2 (doanh thu/m2 diện tích sàn), FPT Shop đã trở thành nhà bán lẻ hiệu quả nhất.

Trong thời gian tới, FPT Retail sẽ mở rộng ngành nghề bằng việc đồng hành, hợp tác mở các cửa hàng chuyên doanh đầy đủ sản phẩm của Apple, tập trung mở rộng ngành nghề kinh doanh với chuỗi cửa hàng dược phẩm. Dự kiến, trong vòng ba năm tới, doanh thu công ty tăng 20% năm, lợi nhuận bình quân tăng 30%.

Năm 2018, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu thuần 16.020 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 377 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 30% so với năm trước. Cổ tức dự kiến 20% bằng tiền mặt.

Sau khi cổ phiếu lên sàn chứng khoán, cổ đông của FPT Retail sẽ đón nhận tin vui khi công ty có kế hoạch thưởng cổ phiếu ‘khủng’ để tăng vốn điều lệ. Theo đó, FPT Retail dự kiến phát hành thêm 28 triệu cổ phiếu mới để thưởng cổ đông, tỷ lệ thực hiện 70% (cổ đông sở hữu 1 cổ phần được 1 quyền nhận thêm cổ phiếu, cứ 10 quyền được nhận thêm 7 cổ phiếu mới).

Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II hoặc quý III/2018, ngay sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông qua hồ sơ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Cạnh đó, FPT Retail cũng có kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) năm 2018. Theo đó, FPT Retail phát hành 1% nếu tỷ lệ hoàn thành kế hoạch từ 90 đến dưới 100%. Tỷ lệ phát hành 2% nếu hoàn thành 100% kế hoạch.

Chị Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ, trong bối cảnh thị trường điện thoại đang có xu hướng chững lại, FPT Retail đã và đang triển khai đồng thời nhiều chiến lược kinh doanh mới để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kép của công ty.

“Cốt lõi của những chiến lược này chính là kích cầu người dùng bởi chính những lợi ích và giá trị tăng thêm thiết thực cho họ”, người đứng đầu nhà Bán lẻ cho hay. “Bước đầu triển khai những chiến lược này đã đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu và đảm bảo được tốc độ tăng trưởng của FPT Retail. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các chiến lược: Phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh sản phẩm Apple, chương trình F.Friend, trợ giá điện thoại, thúc đẩy mảng bán hàng online và tiếp cận khách hàng đa kênh…”.

Nhà F hiện có 3 mã chứng khoán đang giao dịch trên sàn gồm: FPT (mã FPT, sàn HOSE), FPT Telecom (mã FOX, sàn UPCoM), Chứng khoán FPT (FTS, sàn HNX). FRT sẽ là mã thứ 4 của nhà F.

>> Chủ tịch FPT: ‘Bỏ 1 đồng cho CNTT, chúng ta có thể thu được 35 đồng’

Nguyên Văn

Ý kiến

()