Chúng ta

Chủ tịch FPT: ‘Bỏ 1 đồng cho CNTT, chúng ta có thể thu được 35 đồng’

Thứ ba, 24/4/2018 | 09:53 GMT+7

Chia sẻ bài học từ Estonia, đất nước chọn phát triển bằng CNTT, Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng “nếu ứng dụng CNTT ở Việt Nam, bỏ 1 đồng cho CNTT, chúng ta có thể thu được 35 đồng”.

DSC-5654-2696-1524300874-3021-1524468955

Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phát biểu khai mạc lễ kỷ niệm 15 năm Danh hiệu Sao Khuê, Công bố và trao danh hiệu Sao Khuê 2018 diễn ra ngày 21/4. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Chia sẻ về vai trò, tiềm năng của CNTT đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam thời gian tới trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 15 năm Danh hiệu Sao Khuê diễn ra ngày 21/4, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho hay, gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Văn phòng Chính phủ chủ trì tổ chức đoàn đi khảo sát, nghiên cứu 3 nước có những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực Chính phủ số là Malaysia, Estonia và Pháp.

Trước thềm lễ kỷ niệm 15 năm Sao Khuê (ngày 19/4), Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, người đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (PSDC), đã dẫn đoàn Việt Nam có chuyến khảo sát ở Pháp

“Có thể khẳng định, Pháp là quốc gia hàng đầu về kinh tế số”, Chủ tịch Trương Gia Bình bày tỏ. “Chính phủ số đã tạo cho chúng tôi một niềm hứng khởi chưa từng có, một nguồn cảm hứng vô tận, bởi dường như chúng ta đã biết mình cần làm gì, làm như thế nào và giờ đây chỉ cần một điều nữa, đó là một khát vọng to lớn để Việt Nam có thể nhanh chóng bắt kịp làn sóng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và có thể có một vị trí rất xứng đáng trên toàn thế giới”.

Với Estonia, quốc gia giành lại độc lập vào năm 1991, khi ấy, chỉ một phần ba dân số có điện thoại; chỉ các văn phòng chính phủ hay công ty lớn mới có máy tính cá nhân. Hai mươi năm sau, người Estonia là những lãnh đạo trong ngành CNTT ở châu Âu với hàng trăm nghìn việc làm mới được tạo ra. 

Năm 2007, Estonia là nước đầu tiên trên thế giới cho phép bầu cử trực tuyến trong tổng tuyển cử. “Ngày nay, Estonia là một trong những nước tiên tiến nhất về công nghệ trên thế giới, còn tiên tiến hơn nhiều cả Mỹ, Anh và nhiều nước tây Âu. Nó là nước điện tử (e-country) nơi mọi thứ đều số thức hoá, từ e-banking, e-paying, e-vote, e-tax và hệ thống chính phủ điện tử e-government của nó là tốt nhất thế giới”, một bài phân tích của Wall Street từng nhận định.

skype-2-940x626-4884-1524468955.jpg

Lĩnh vực CNTT được ưu tiên phát triển khiến start-up tại Estonia không chỉ có số lượng mà còn rất chất lượng. Nhiều start-up Estonia đã trở thành những công ty thành công mà bạn có thể nhận ra như Skype, Transferwise, Pipedrive, Cloutex, Click & Grow, GrabCAD, Erply, Fortumo, Lingvist... Ảnh: Năm 2005, eBay mua Skype với giá 2,6 tỷ USD khiến hai sinh viên Estonia trở thành ‘tỷ phú tức thời”. Sau đó Skype được Microsoft mua lại năm 2011 với giá 8.5 tỷ USD. Hiện Skype vẫn tuyển dụng 450 nhân viên tại khu ngoại ô Talinnn, chiếm khoảng ¼ tổng số nhân viên của Skype.

Từ dẫn chứng với bài học thành công của quốc gia Bắc Âu, anh Bình cho rằng, tại Estonia, đất nước từ mức thu nhập trung bình, chỉ trong vòng 18 năm đã vào danh sách các quốc gia tiên tiến nhất thế giới; và mọi khởi nguồn cho sự thay đổi diệu kỳ đều là do họ chọn phát triển bằng con đường CNTT. “Ngân sách Estonia chi cho CNTT trong những năm đầu là 1%, đến nay là 1,4%; nhưng hiệu quả đã tiết kiệm được 800 năm thời gian lao động và tiết kiệm được 2% GDP”, anh Bình dẫn chứng. “Nói cách khác, nếu ứng dụng ở Việt Nam, bỏ 1 đồng cho CNTT, chúng ta có thể thu được 35 đồng. Và nếu Việt Nam thực sự triển khai những chương trình như vậy với khát vọng Việt, vì người dân và doanh nghiệp Việt, chúng ta sẽ đạt được hiệu quả tương tự”. 

Chủ tịch VINASA gợi ý, nếu chương trình có thể bắt đầu thực hiện ngay từ năm nay, đây sẽ là cơ hội rất lớn cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp CNTT Việt Nam có thể tham gia, góp phần vào xây dựng một Chính phủ hành động, một Chính phủ kiến tạo, một Chính phủ liên khiết, vì dân và vì doanh nghiệp.

Điểm lại hoạt động của VINASA, Chủ tịch Trương Gia Bình khẳng định, trong suốt 16 năm qua và 15 năm tổ chức chương trình Danh hiệu Sao Khuê, Hiệp hội đã nỗ lực quên mình vì một mục đích cao cả. Anh Bình tiết lộ, năm 2018 cũng là năm chương trình Sao Khuê đưa thêm hạng mục mới về ứng dụng các công nghệ tiên tiên nhất trong xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn…

“Ở Pháp, đoàn chúng tôi đã được Đại sứ Việt Nam tại Pháp cho biết Tổng thống Macron vừa tập hợp nhóm chuyên gia hàng đầu nước Pháp về trí tuệ nhân tạo và lập tức Tổng thống quyết định nâng gấp đôi lương cho tất cả các cán bộ liên quan đến ngành này”, anh Bình hào hứng. “Đây là hành động hết sức quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ Pháp. Tôi cho rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ là trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chúng ta đang có cơ hội, hãy dồn sức để phát triển trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam”.

>> FPT lấn sân blockchain với 'ông lớn' Mỹ

Chi Vy

Ý kiến

()