Sự kiện do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, FPT và Tổ chức giới chủ Pháp (MEDEF) đồng phối hợp tổ chức. Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng cho biết, một trong ba hướng lớn Việt Nam tập trung vào để nâng cao sức cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư là phát triển kinh tế theo hướng số hóa.
Những kinh nghiệm cốt lõi tạo nên thành công của Pháp trong việc triển khai chính phủ điện tử; khả năng hợp tác song phương như trao đổi chuyên gia giỏi để chia sẻ các giải pháp, góp phần phát triển chính phủ điện tử tại Việt Nam... là hai trong những nội dung các cuộc làm việc ngày 19/4 tại Paris. Ảnh: FFR. |
“Đối với quá trình phát triển Chính phủ số và tạo lập nền kinh tế số hóa tại Việt Nam, chúng tôi coi đây là chìa khóa để chủ động vượt qua thách thức nhằm nắm bắt các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong năm nay, một trong những mục tiêu quan trọng, ưu tiên hàng đầu mà Chính phủ, Thủ tướng Việt Nam đã chỉ đạo là triển khai các dự án đầu tư làm nền tảng cho chiến lược phát triển Chính phủ số tại Việt Nam; kỳ vọng điều này sẽ là tiền đề cho phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Trao đổi tại sự kiện, nhiều doanh nghiệp Pháp bày tỏ mong muốn tìm hiểu về năng lực chuyển đổi số của Việt Nam cũng như việc đầu tư và xúc tiến thương mại giữa hai nước. Trong đó, đại diện Airbus và Schneider Electric mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với Việt Nam nói chung và FPT nói riêng trong lĩnh vực công nghệ.
Tại các buổi làm việc, chuyên gia Pháp đã trao đổi những vấn đề về Chiến lược phát triển chính phủ số và dữ liệu mở gắn với cải cách hành chính Nhà nước, cũng như về xuất phát điểm xây dựng chiến lược, nhu cầu quản lý và lộ trình thực hiện. Ảnh: FFR. |
Hiện Airbus và FPT ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển các giải pháp dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ IoT Skywise của Airbus. Mới đây, FPT cũng đã ký với GeoPost thỏa thuận hợp tác cung cấp dịch vụ và nguồn tài nguyên (con người và trí tuệ) về CNTT với tiêu chí tiết kiệm chi phí, đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn tài nguyên và giúp GeoPost cải thiện dịch vụ. Đồng thời, FPT sẽ là trợ lực mạnh mẽ cho việc mở rộng thị trường sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương của GeoPost nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ của FPT trong khu vực.
Theo xếp hạng chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2016, Pháp đứng thứ 2. Mặc dù tụt một bậc so với năm 2014 nhưng trên thực tế, Pháp đã triển khai xây dựng chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp từ rất lâu. Bài học thành công của Pháp xuất phát từ chiến lược đúng đắn về xây dựng chính phủ điện tử gắn với cải cách hành chính nhà nước.
Đoàn FPT có Chủ tịch Trương Gia Bình, người đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (PSDC). Cạnh đó là anh Nguyễn Văn Khoa, PTGĐ FPT, CEO FPT châu Âu - anh Lê Hồng Hải và CEO FPT Pháp - anh Ngô Duy Khang. |
Trước đó, đầu tháng 10/2017, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký ban hành quyết định thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Theo đó, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính - nắm chức Trưởng ban.
Đảm nhiệm vị trí Phó ban là ông Don Di Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina Capital. Các thành viên gồm: Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương; ông Trần Trọng Kiên, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch; ông Vũ Văn Tiền, thành viên Ban cố vấn Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam; và ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bình Thuận.
>> FPT bắt tay GeoPost 'nắm' cơ hội mang về nhiều triệu USD
Thu Huyền
Ý kiến
()