Tại Đại hội đồng cổ đông FPT Retail năm 2018 diễn ra sáng nay (ngày 28/3) ở TP HCM, HĐQT trình kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP) năm 2018. Theo đó, FPT Retail phát hành 1% nếu tỷ lệ hoàn thành kế hoạch từ 90 đến dưới 100%. Tỷ lệ phát hành 2% nếu hoàn thành 100% kế hoạch.
Sáng nay (28/3), Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail - FRT) tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên 2018. Mới đây, HOSE thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 40 triệu cổ phiếu FRT. |
Giá phát hành ESOP là giá thấp nhất giữa mệnh giá với giá thị trường tại thời điểm phát hành. Dự kiến FPT Retail phát hành ESOP vào năm 2019 sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm liền trước. 50% số cổ phiếu mới phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
HĐQT cũng trình phương án phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 70%, tương đương số lượng phát hành 28 triệu cổ phiếu. Nguồn thực hiện là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính đã kiểm toán 2017.
Tỷ lệ phát hành ESOP của FPT Retail. |
Tại Đại hội, Chủ tịch FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp đã trình bày kết quả kinh doanh năm 2017, thông báo kế hoạch kinh doanh năm 2018 cũng như chia sẻ các hướng đi chiến lược của công ty trong thời gian tới trước các nhà đầu tư và cổ đông tham dự. Bên cạnh đó, Đại hội cũng báo cáo các hoạt động của HĐQT trong năm 2017, phương án phân chia lợi nhuận và cổ tức năm 2017, đồng thời bầu bổ sung thành viên HĐQT.
Kết thúc năm 2017, FPT Shop đạt doanh thu 13.147 tỷ đồng, tăng 21,1% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 289,8 tỷ đồng, tăng 39,7% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 2.034 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với năm 2016 và chiếm 15,47% tổng doanh thu của công ty.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Euromonitor và Retail Asia Publishing, FPT Shop có doanh số/m2 vượt trội so với các đối thủ trong Top 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, với 15,717 USD/m2 (doanh thu/m2 diện tích sàn), FPT Shop đã trở thành nhà bán lẻ hiệu quả nhất.
Năm 2018, FPT Retail đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu lên mức 16.020 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế lên mức 377 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước.
Kế hoạch tăng trưởng bình quân (CAGR) của FPT Retail trong giai đoạn 2018-2020 là 19,5%/năm cho doanh thu và 26%/năm cho lợi nhuận sau thuế.
Các chỉ tiêu năm 2018 của FPT Retail. |
Theo chị Nguyễn Bạch Điệp, trong bối cảnh thị trường điện thoại đang có xu hướng chững lại, FPT Retail đã và đang triển khai đồng thời nhiều chiến lược kinh doanh mới để đảm bảo tốc độ tăng trưởng kép của công ty.
“Cốt lõi của những chiến lược này chính là kích cầu người dùng bởi chính những lợi ích và giá trị tăng thêm thiết thực cho họ. Bước đầu triển khai những chiến lược này đã đóng góp đáng kể vào tổng doanh thu và đảm bảo được tốc độ tăng trưởng của FPT Retail”, chị Điệp nhấn mạnh. “Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh các chiến lược: Phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh sản phẩm Apple, Chương trình F.Friend, Trợ giá điện thoại, Thúc đẩy mảng bán hàng online và tiếp cận khách hàng đa kênh…”.
Trước đó, ngày 14/3, FPT Retail đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Trong đó, FPT Retail đăng ký niêm yết 40 triệu cổ phiếu tương ứng vốn điều lệ 400 tỷ đồng của công ty. Hiện tại, Tập đoàn FPT nắm 47% cổ phần, hai quỹ đầu tư là Dragon Capital và VinaCapital nắm 34,32%, còn lại thuộc về các cổ đông khác.
FPT Retail hiện là nhà bán lẻ lớn thứ hai tại Việt Nam trong ngành kỹ thuật số và hàng công nghệ với tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) doanh thu đạt 45.1%/năm trong giai đoạn 2013-2017 và tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) lợi nhuận sau thuế đạt 92%/năm trong giai đoạn 2014-2017 với hơn 480 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành.
>> FPT bắt tay GeoPost 'nắm' cơ hội mang về nhiều triệu USD
Nguyên Văn
Ý kiến
()