Cuối tháng 4, trong chuyến thăm và làm việc tại Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), Đại học Quản lý Singapore và Đại học Kinh tế TP HCM ký kết văn bản hợp tác trong việc nghiên cứu và báo cáo hệ thống khởi nghiệp tại Việt Nam.
Với tư cách Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), Chủ tịch Trương Gia Bình (phải) đã ký văn bản hợp tác giữa SMU, Đ Kinh tế TP HCM nhằm chuẩn bị báo cáo cho Chính phủ Việt Nam về các giải pháp để thúc đẩy các phát minh sáng tạo (innovations) và môi trường kinh doanh khởi nghiệp tại Việt Nam dựa trên kinh nghiệm của Singapore. |
Bày tỏ vui mừng thăm SMU, gặp gỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp tiêu biểu của Singapore và gặp sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây, Thủ tướng cho biết, ông rất ấn tượng khi thăm Vườn ươm khởi nghiệp của SMU - một trong những cơ sở hàng đầu về hỗ trợ khởi nghiệp tại Singapore, nơi đã ươm mầm cho hơn 170 doanh nghiệp trưởng thành, trở thành những doanh nghiệp mạnh, có danh tiếng tại Singapore và khu vực. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp để ươm mầm lên những doanh nghiệp thành công, Singapore là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này và Việt Nam cũng là quốc gia đang trong giai đoạn đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của mình.
“Chính phủ Việt Nam xác định trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, trường đại học đóng vai trò quan trọng. Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công nghiệp và xã hội. Hỗ trợ lực lượng sinh viên với nhiều ý tưởng sáng tạo và tư duy tươi mới là đầu vào đầy tiềm năng cho các dự án khởi nghiệp, từ đó tạo điều kiện để các nhóm khởi nghiệp phát triển bền vững”, Thủ tướng nói và cho biết, ở Việt Nam, hiện có khoảng 40 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, chủ yếu ở một số trường đại học. Tuy nhiên, việc đưa tài sản trí tuệ, ý tưởng sáng tạo từ các trường đại học ra thị trường và chất lượng dự án khởi nghiệp từ sinh viên ở Việt Nam chưa thật sự cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký hợp tác giữa các cơ quan/tổ chức Việt Nam với SMU. |
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị trường SMU thiết lập chương trình trao đổi sinh viên Việt Nam tham gia thực tập tại các nhóm khởi nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Singapore, và ngược lại; Xây dựng chương trình để cán bộ quản lý của các vườn ươm tại đại học Việt Nam có thể được tập huấn, nâng cao năng lực, thực hành tại vườn ươm thuộc SMU; Tổ chức các sự kiện gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, trình diễn sản phẩm, dịch vụ giữa các nhóm khởi nghiệp từ các trường đại học Việt Nam và SMU.
“Tôi đã hỏi một số ý tưởng khởi nghiệp của các bạn ở đây, thực sự là phong phú và hấp dẫn. Như tôi nói với ngài Hiệu trưởng rằng ĐH Quản lý Singapore không chỉ đào tạo giải quyết việc làm mà là trường đào tạo khởi nghiệp để giải quyết nhiều việc làm. Nhiều hiệu trưởng các trường đại học Việt Nam có mặt hôm nay cũng nên học tập mô hình này”, Thủ tướng chia sẻ và tiết lộ, các cơ quan của Việt Nam sẵn sàng mời các nhóm khởi nghiệp tại ĐH Quản lý Singapore quan tâm tham dự Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2018, TECHFEST 2018.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mong muốn, gần 100 sinh viên Việt Nam ưu tú đang theo học ở trường SMU, một trong những đại học công hàng đầu Singapore, trong quá trình học tập, rèn luyện, sẽ tiếp thu được kỹ năng quản lý tiên tiến nhất, được làm quen và phát triển khả năng trong môi trường sáng tạo nhất. “Các em chính là nguồn nhân lực quan trọng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp của cả Việt Nam và Singapore sau này”.
Giáo sư De Meyer (phải), Hiệu trưởng SMU cho biết, việc hình thành một trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo tại TPHCM như thỏa thuận vừa ký kết sẽ giúp hai trường hợp tác để tổ chức các khóa đào tạo cho cộng đồng kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, VinaCapital sẽ khai trương Quỹ đầu tư 100 triệu USD để hỗ trợ khởi nghiệp tại trung tâm đào tạo này cũng như hỗ trợ các khởi nghiệp công nghệ đầy hứa hẹn tại Việt Nam. |
Thủ tướng cũng nhắc lại chủ trương của Chính phủ Việt Nam là khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho du học sinh Việt Nam trở về nước sau tốt nghiệp, đóng góp vào xây dựng, phát triển đất nước. Ông tin tưởng chính các sinh viên sau này sẽ là những người tiên phong xây dựng các công ty khởi nghiệp Việt Nam và cả Singapore, xây dựng thương hiệu Việt ở các nơi làm việc.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, trong một ngày không xa, rất nhiều gương mặt trẻ ngồi kia sẽ là chủ tịch, tổng giám đốc điều hành các doanh nghiệp Việt Nam tầm cỡ khu vực, quốc tế, kể cả ở Singapore”, Thủ tướng bày tỏ. “Tại sao chúng ta không có niềm tin như thế?”.
Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Thủ tướng và các lãnh đạo, doanh nhân tháp tùng đã cùng nghiên cứu mô hình thành công của Singapore để áp dụng tại Việt Nam. “Đoàn đã nghiên cứu, học hỏi được rất nhiều, ấn tượng nhất là học được Chính phủ điện tử với những hiệu quả cụ thể, sức ảnh hưởng tích cực đến phát triển kinh tế”, anh Bình khẳng định. “Sẽ có đoàn trở lại Singapore học chuyên sâu trong thời gian sớm nhất”.
>> Vừa chào sàn, FPT Retail tặng cổ phiếu thưởng tỷ lệ 70%
Chi Vy
Ảnh: VGP
Ý kiến
()