Chúng ta

Chủ tịch FPT: ‘Công nghệ chỉ là công cụ’

Thứ bảy, 17/11/2018 | 11:45 GMT+7

Anh Trương Gia Bình nhận định, trước tiên khởi nghiệp phải giải bài toán những nhu cầu chưa được đáp ứng, còn công nghệ chỉ là công cụ.

Với vai trò giám khảo chương trình bình chọn Start-up Việt 2018 do VnExpress tổ chức, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh khởi nghiệp chủ yếu làm về ý tưởng, tạo ra những cái chưa ai nhìn thấy.

Người đứng đầu FPT đánh giá cao tư duy công nghệ của các start-up tham gia cuộc thi, trong khi nhấn mạnh công nghệ chỉ là công cụ để giải quyết những nhu cầu chưa được đáp ứng.

Theo anh Bình, hai sản phẩm “Datamart” và “Chatbot” là các start-up hướng đến các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử - mảnh đất màu mỡ để ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

tgb-3-1368-1542351746-1346-1542429811.jp

Chương trình có sự tham gia của hội đồng giám khảo gồm ông Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ), anh Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT, ông Phạm Phú Trường - Tổng giám đốc Công ty tư vấn hội nhập toàn cầu GIBC, ông Phạm Duy Hiếu - Giám đốc điều hành Vietnam Startup Foundation. 

Cụ thể, một trong những dự án đưa ra giải pháp thiết thực trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới là Datamart. Giải pháp bán hàng đa kênh PowerSell do đội ngũ này tạo lập có thể tạo đòn bẩy cho ngành thương mại điện tử tiếp tục nở rộ. Dựa trên phân tích dữ liệu lớn và xử lý thông tin bằng trí tuệ nhân tạo, PowerSell của Datamart có thể giúp các nhà bán hàng trực tuyến quản lý kho hàng, sản phẩm, dữ liệu người dùng... trên các kênh thương mại điện tử khác nhau. 

Giám khảo Trương Gia Bình nhận định dự án này đánh trúng vào nhu cầu của các nhà bán hàng trực tuyến. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử và sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng bán hàng, PowerSell là công cụ kết nối giúp hệ thống hóa quy trình bán hàng, từ đó mang lại trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho người tiêu dùng.

Đánh giá về Datamart - quán quân của Start-up Việt 2018, anh Bình cho rằng dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử là ý tưởng rất hay. Đây là thị trường có hàng triệu người mua, người bán, quy mô dữ liệu lớn vô cùng, là mảnh đất màu mỡ để ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

tgb6-4598-1542351747-1425-1542429811.jpg

Chủ tịch FPT đại diện Ban giám khảo trao giải cho Datamart - Quán quân Star-up Việt 2018.

Start-up Việt 2018 là chương trình bình chọn đơn vị khởi nghiệp xuất sắc do Báo VnExpress tổ chức. Sau 2 tháng tuyển chọn từ hơn 400 hồ sơ đăng ký dự thi, kết quả chung cuộc Datamart giành cú đúp giải thưởng gồm giải quán quân cùng gói đầu tư 5 tỷ đồng từ Tập đoàn Asanzo. 

Tại sự kiện chung kết Start-up Việt 2018 diễn ra vào ngày 15/11, anh Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT đã giải đáp nhiều thắc mắc của các thành viên tham gia chương trình. Hầu hết khi tìm đến với anh Trương Gia Bình, các chủ doanh nghiệp đều có một mục tiêu chung: làm sao để giải quyết các khó khăn và giúp công ty tăng trưởng.

Không có một khuôn mẫu nhất định cho mọi doanh nghiệp, trước khi đưa ra tư vấn, anh Bình đều đặt ra hàng loạt câu hỏi cho người sáng lập: "Em bán gì? Đã có sản phẩm chưa? Thị trường là gì? Khách hàng là ai? Vấn đề là gì? Em muốn gì?". Quá trình trao đổi diễn ra nhanh và sau khi hiểu rõ về mô hình cũng như các đề bài mà doanh nghiệp đang đối mặt, anh Bình mới đưa lời khuyên cụ thể hoặc trực tiếp giới thiệu các đơn vị hỗ trợ, đầu mối liên lạc.

01a8e481552db573ec3c-6293-1542-7128-9502

Tại Start-up Việt 2018, anh Trương Gia Bình đã đưa ra nhiều tư vấn cho các đơn vị khởi nghiệp.

Cùng với những lời giải cụ thể cho từng trường hợp, Chủ tịch FPT còn dẫn chứng nhiều công thức thành công khi khởi nghiệp. "Xét chung về cộng đồng thì cần những người có ảo tưởng lớn và họ cần phải thất bại, thất bại dăm ba lần thì sẽ thành công", anh chia sẻ.

Anh Bình khẳng định với các start-up, cuộc sống là một chuỗi cơ hội bất tận, cần nắm bắt ý tưởng và tận dụng tốt nền tảng công nghệ. Mỗi người đều phải học cách quan sát, nhìn nhận thị trường, khi thấy có những nhu cầu to lớn mà chưa ai giải quyết được thì phải bắt tay vào làm ngay, phải luôn tạo ra sự khác biệt. Để đạt được trình độ này, cũng phải học hỏi và suy nghĩ rất nhiều.

"Start-up không chỉ là tạo ra sản phẩm mà còn phải là tạo ra những cái người ta chưa nhìn thấy và có quy mô tăng trưởng lớn", anh lý giải. 

Video anh Bình chia sẻ tại sự kiện:

Xét ở phương diện công nghệ, Chủ tịch FPT cho biết đây không phải là vấn đề hay thách thức với Việt Nam. Hiện nay trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... đều đã là những điều rất phổ biến. Các đại học đều giảng dạy và công nghệ, những xu hướng mới của thế giới không hề mới lạ với người Việt.

"Start-up trước tiên phải đáp ứng những nhu cầu chưa được đáp ứng, còn công nghệ chỉ là công cụ thôi", anh đánh giá. Ví dụ như câu chuyện thành công của Uber, những ngày đầu chỉ có 2 người và nền tảng công nghệ đã kéo họ đến với nhau. Tức là chúng ta phải tận dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn cùng với sự tham gia của con người.

Để tiếp cận hiệu quả vốn đầu tư và các nguồn hỗ trợ, start-up cần trau dồi tri thức, luôn tìm tòi cái mới. Start-up có thể tìm đến với các hiệp hội phù hợp, được cộng đồng chuyên môn chấp nhận để họ đóng vai trò làm bên thứ ba, giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề một cách thực tế.

"Start-up hiện nay vẫn còn sợ hãi, ngành này phải liều lĩnh, mạnh mẽ táo bạo mà các bạn vẫn hơi rụt rè. Nhưng không sao cả vì các bạn đều khát vọng thành công, sẽ tạo động lực để vượt qua nỗi sợ hãi", anh Trương Gia Bình nhận xét.

Theo anh Trương Gia Bình, thế giới ngày mai được kiến tạo từ những người làm việc cật lực và mang lại lợi ích cho hàng triệu, hàng tỷ người. Đó sẽ là thế giới của số hóa, của dữ liệu như là ''dầu mỏ'' của nền kinh tế. 

46342203-349409899198311-79037-6447-8097

Chủ tịch FPT nhấn mạnh làm start-up phải nhìn thấy những điều người khác không nhìn thấy.

Hiện nay vẫn có những nhóm start-up thành công trong nước và phát triển ra thị trường nước ngoài. Đây cũng là bằng chứng cho việc các doanh nghiệp này đáp ứng được nhu cầu thị trường quốc tế. Singapore thu hút nhiều startup nhờ quy trình đăng ký, đóng cửa rất nhanh, mua bán thuận tiện, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm. Đây cũng là các tiêu chí mà anh Bình cho biết Tập đoàn FPT đang nghiên cứu để xây dựng mô hình tương tự, tạo hỗ trợ tối đa cho các start-up Việt.

>> Đồng sáng lập Grab: 'Đừng khởi nghiệp nếu muốn sống bình thường'

Start-up Việt 2018 được tổ chức bởi VnExpress dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, thuộc đề án 844. khép lại với Gala chung kết ngày 15/11 tại Gem Center, quận 1, TP HCM. 

Start-up Việt 2018 đã trải qua hơn hai tháng để chọn ra Quán quân từ hơn 400 hồ sơ start-up đăng ký dự thi. Cùng với đó, chương trình tổ chức nhiều hoạt động nhằm bồi dưỡng, ươm mầm cho sự trưởng thành của các start-up thuộc top 25.

Điểm nhấn của chương trình là chuỗi hoạt động đào tạo "Khởi nghiệp tinh gọn" với sự đồng hành của 5 vườn ươm khởi nghiệp thuộc nhóm năng động và uy tín nhất Việt Nam. Trong suốt một tháng, các đội liên tục tham gia hoạt động tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm... từ các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm dẫn dắt start-up.

Qua hai mùa tổ chức 2016, 2017, chương trình Start-up Việt nhận được hơn 600 đơn đăng ký từ startup, thu hút hơn 35.000 lượt bình chọn trực tuyến, gần 500 khách mời, vinh danh và hỗ trợ 43 startup truyền thông, kêu gọi vốn, tiếp cận thị trường...Chương trình được đánh giá có sức lan tỏa và tạo tác động xã hội tích cực, chắp cánh cho những ước mơ star-up Việt.

Hà An

Ảnh: BTC

Video: Hà An

Ý kiến

()