Chúng ta

Cáp quang biển AAG bắt đầu sửa từ ngày 17/4

Thứ năm, 9/4/2020 | 13:35 GMT+7

Sự cố xảy ra ngày 2/4 trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG dự kiến sẽ được sửa chữa từ ngày 17/4 đến 21/4.

Thông báo về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gateway) vào ngày 2/4 vừa được đối tác quốc tế thông báo tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam.

Nhà điều hành AGG cho hay dự kiến đến ngày 17/4 tàu sửa chữa mới di chuyển đến điểm sự cố và thực hiện mối hàn đầu tiên. Đơn vị này thông báo mối hàn cuối hoàn tất ngày 21/4 trước khi tàu sửa chữa chôn cáp. Như vậy, sau gần 20 ngày gặp sự cố, công tác sửa chữa mới hoàn tất.

aag-cap-quang-3965-1471948825-8142-7664-

Ảnh: Xlpecables.

Trước đó, vào lúc 20h20 ngày 2/4, cáp AAG xảy ra sự cố trên nhánh S1 kết nối từ Việt Nam đi Hong Kong (Trung Quốc) khiến toàn bộ lưu lượng đường truyền đi qua hướng này bị mất. Sự cố trên tuyến AAG khiến các nhà cung cấp dịch vụ bị sụt giảm đáng kể băng thông đi quốc tế.

Các nhà mạng có khai thác dung lượng băng thông Internet trên tuyến cáp AAG đều cho biết đã triển khai ngay các biện pháp san tải nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến tốc độ truy cập của người dùng Việt Nam.

Các chuyên gia cũng cho biết, sự cố xảy ra ngày 2/4 trên cáp biển quốc tế AAG không ảnh hưởng tới chất lượng các trang Internet, ứng dụng trong nước như học tập, đào tạo từ xa sử dụng các nền tảng phần mềm do doanh nghiệp trong nước phát triển và server đặt tại Việt Nam.

Đây được coi là sự cố cáp quang đầu tiên tại Việt Nam trong năm 2020. Trước đó, trong hai ngày 2- 3/3, việc sửa chữa, khắc phục sự cố trên hai tuyến cáp quang biển quốc tế AAG và IA đã lần lượt được hoàn tất sau khi gặp sự cố vào cuối năm 2019.

Sự cố diễn ra trong bối cảnh tần suất sử dụng Internet tại Việt Nam đang đăng cao do nhu cầu học tập, làm việc và giải trí tại nhà trong mùa dịch Covid-19.

Số liệu thống kê trong nước cho thấy, lưu lượng lưu chuyển qua trạm trung chuyển internet quốc gia (VNIX) tăng đến 40% trong thời gian vừa qua. Lưu lượng dữ liệu tháng 3 tăng đột biến tới 90% so với tháng 2, tập trung chủ yếu từ các ứng dụng hội nghị, làm việc trực tuyến, dạy và học trực tuyến, giải trí trực tuyến...

Cáp AAG có chiều dài 20.191km, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.  Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (nhánh cáp rẽ vào Việt Nam dài 314km, điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Philippines và Mỹ (Guam, Hawaii và California).

Kể từ khi hoạt động, AAG nhiều lần gặp trục trặc, gây ảnh hưởng tới chất lượng Internet Việt Nam đi quốc tế. Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư thêm nhiều tuyến cáp mới, giảm sự phụ thuộc vào tuyến cáp biển quan trọng này.

>> Chủ tịch FPT: ‘Cú hích Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chưa từng có’

Thủy Minh

Ý kiến

()