Chúng ta

Ba công ty nhà F lọt Top 100 công ty đại chúng lớn nhất

Thứ ba, 31/12/2019 | 09:18 GMT+7

Tập đoàn FPT, FPT Telecom và FPT Retail được Forbes Việt Nam xếp hạng thuộc Top 100 công ty đại chúng lớn nhất dựa trên tiêu chí doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và giá trị vốn hoá.

Lần đầu tiên Forbes Việt Nam thực hiện và công bố danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất” tại Việt Nam dựa trên bốn tiêu chí doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và giá trị vốn hóa theo phương pháp xếp hạng danh sách Global 2000 (2.000 công ty lớn nhất toàn cầu) của Forbes (Mỹ).

Khác với danh sách “50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất” (đối tượng các doanh nghiệp niêm yết tại HOSE và HNX) công bố vào tháng 6 hàng năm nhấn mạnh đến hiệu quả và tăng trưởng, danh sách “100 công ty đại chúng lớn nhất” mở rộng phạm vi tới các doanh nghiệp giao dịch trên UPCoM và công ty đại chúng chưa niêm yết.

Lĩnh vực ngân hàng đứng đầu danh sách này, theo sau là các ngành dầu khí, bất động sản, bán lẻ. Nhiều thành viên các tập đoàn kinh tế tư nhân như FPT có mặt trong danh sách bên cạnh sự có mặt của nhiều tập đoàn lớn, tổng công ty nhà nước cổ phần hóa.

Tập đoàn FPT (FPT Corp) đứng vị trí 28 trong danh sách này, trong khi Viễn thông FPT (FPT Telecom) xếp hạng 46 và Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) nằm ở vị trí 99.

fpt-top-10-8939-1577758593.jpg

FPT và 2 công ty thành viên thuộc Top 100 công ty đại chúng lớn nhất. Ảnh: Nguyễn Thắng

Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp xếp hạng của danh sách Global 2000 của Forbes để xếp hạng “100 công ty đại chúng lớn nhất.” Bước đầu, tập hợp danh sách các công ty đại chúng bao gồm các công ty cổ phần có trên 100 cổ đông chưa niêm yết và các công ty niêm yết tại HOSE, HNX và UPCOM. Sau đó, tập hợp số liệu tài chính về tổng doanh thu, lợi nhuận, tổng tài sản và giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp trong báo cáo tài chính kiểm toán thường niên gần nhất - năm 2018.

Vốn hóa các doanh nghiệp niêm yết chốt mức giá đóng cửa ngày 13/12/2019, vốn hóa doanh nghiệp chưa niêm yết xác định bằng cách lấy số cổ phần nhân với P/E trung bình của các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành.

Kế tiếp, Forbes Việt Nam chấm điểm các doanh nghiệp trên bốn chỉ tiêu tài chính. Tổng điểm cuối cùng của các doanh nghiệp xác định vị trí thứ hạng của các công ty trong danh sách. Danh sách có sự tính toán định lượng của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt.

Kết thúc năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 23.214 tỷ đồng và 3.852 tỷ đồng, tương đương 106% và 111% kế hoạch cả năm. Tổng tài sản là hơn 29.725 tỷ đồng.

Năm 2018, doanh thu của FPT Telecom đạt 8.822 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2017 và bằng 101,7% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.458 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2017. Tổng tài sản là 11.724 tỷ đồng.

Chốt năm 2018, nhà Bán lẻ FPT ghi nhận doanh thu đạt 15.298 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 348 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 5.354 tỷ đồng.

Đóng phiên giao dịch ngày 13/12, giá trị vốn hoá của FPT đạt 38.760 tỷ đồng; của FPT Telecom đạt khoảng 11.567 tỷ đồng; và của FPT Retail là gần 1.792 tỷ đồng.

>> 11 tháng, FPT cán đích lợi nhuận năm 2019

Thuỷ Minh

Ý kiến

()