Chúng ta

25 triệu người Bangladesh sử dụng sản phẩm do FPT phát triển

Thứ ba, 30/7/2019 | 11:12 GMT+7

Hiện FPT triển khai nhiều dự án cho Chính phủ Bangladesh, trong đó có quản lý thuế, hoạch định nguồn lực và quản lý tài sản doanh nghiệp.

Ngày 24/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh tổ chức hội thảo "Bangladesh số - Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và Bangladesh" với mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin. Hai đại diện FPT tham gia là Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến và anh Nguyễn Thành Lâm - Giám đốc Trường Đại học Trực tuyến FUNiX tại TP HCM.

Tại Hội thảo, khách mời có nhiều chia sẻ xoay quanh các vấn đề về Công nghệ số, những cơ hội, thách thức về nhân lực trong ngành CNTT tại Việt nam và Bangladesh, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác về việc đào tạo và cung cấp nhân lực CNTT giữa hai nước.

Đại diện Bộ Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin Bangladesh - Quốc vụ khanh Zunaid Ahmed Palak nhấn mạnh, công nghệ kỹ thuật số đang đóng vai trò quan trọng tại Bangladesh. Chính phủ Bangladesh rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam, luôn sẵn sàng hợp tác với các doanh nhân Việt Nam muốn đầu tư vào Bangladesh, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT.

Đặc biệt trong sự kiện, thông tin có hơn 25 triệu người Bangladesh đang sử dụng sản phẩm do FPT tham gia phát triển cũng được công bố. Trong đó có các dự án lớn như cung cấp và triển khai hệ thống quản lý thuế thu nhập tích hợp cho Cơ quan Thuế Bangladesh, hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT, cung cấp và Triển khai phần mềm hoạch định nguồn lực và quản lý tài sản doanh nghiệp… Đại diện chính phủ Bangladesh cho hay những dự án công nghệ thông tin quy mô lớn có đóng góp quan trọng vào công cuộc tin học hóa. Tất cả nhằm thực hiện mục tiêu của chính phủ trở thành quốc gia số vào năm 2021, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các công ty CNTT của hai nước. 

Đại sứ Việt Nam tại Bangladesh Trần Văn Khoa cho biết Việt Nam đang có nguồn nhân lực CNTT lớn thứ hai ở châu Á. "Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 300.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT từ các trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia vào thị trường CNTT. Với kết quả này, Việt Nam có thể giúp Bangladesh phát triển nhân lực có kỹ năng về CNTT".

Ông Khoa cũng kêu gọi các công ty CNTT của Việt Nam xem xét về khả năng đầu tư dài hạn vào Bangladesh để sử dụng lực lượng lao động có kỹ năng CNTT tại địa phương.

fpt-toan-cau-hoa-1562-1564459943.jpg

Anh Nguyễn Thành Lâm - Giám đốc Đại học Trực tuyến FUNIX tại TP HCM giới thiệu mô hình FUNiX - giải pháp cho bài toán đào tạo số lượng lớn nhân lực ngành CNTT hiện nay.

Tham gia hội thảo, anh Nguyễn Thành Lâm - Giám đốc Trường Đại học Trực tuyến FUNiX tại TP HCM chia sẻ về vai trò của giáo dục trực tuyến trong bối cảnh thế giới chuyển đổi số, đồng thời giới thiệu mô hình Đại học trực tuyến FUNiX - một giải pháp cho bài toán đào tạo số lượng lớn nhân lực ngành CNTT.Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho biết vai trò quan trọng của an ninh mạng trong thời điểm này. Hai nước cần phát triển công nghệ để đảm bảo an ninh mạng của chính mình chứ không phải từ bất kỳ quốc gia nào khác.

Theo anh Lâm, với mô hình học trực tuyến tại FUNiX, bên cạnh chương trình đào tạo trực tuyến từ các trường công nghệ hàng đầu, FUNiX còn phát triển đội ngũ hàng nghìn Mentor là những chuyên gia trong ngành CNTT. Các mentor đồng hành với sinh viên chia sẻ những kỹ năng, kiến thức chuyên môn mà chính công việc hiện tại của họ yêu cầu.

Sau 4 năm thành lập, hiện FUNiX có khoảng 3.300 sinh viên ở nhiều lứa tuổi trên 23 quốc gia và hơn 2000 mentor. "FUNIX là trường đại học cho tất cả mọi người: tất cả những ai muốn học đều có thể học. Tất cả những người có kiến thức đều có thể dạy. Chúng tôi tạo ra một trường đại học với chất lượng quốc tế và giá cả hợp lý ở các nước đang phát triển", anh Lâm chia sẻ.

Theo anh, áp dụng mô hình học trực tuyến này là cách hiệu quả để đào tạo số lượng lớn lập trình viên cho các nước đang phát triển và nhiều tiềm năng về CNTT như Bangladesh và Việt Nam.

Trong Tầm nhìn "Bangladesh số" vào năm 2021, chính phủ nước này đặt mục tiêu tạo ra khoảng hai triệu việc làm mới trong lĩnh vực CNTT và nâng doanh thu xuất khẩu dịch vụ CNTT lên 5 tỷ USD. Do vậy, Chính phủ Bangladesh đang dành ưu tiên cao nhất cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác về giáo dục, đào tạo với các nước có thế mạnh về CNTT như Việt Nam.

Theo ông Syed Almas Kabir - Chủ tịch Hiệp hội Dịch vụ Thông tin và Phần mềm Bangladesh, nếu Bangladesh và Việt Nam hợp tác hiệu quả, trong tương lai, cả hai quốc gia có thể đạt được các vị trí hàng đầu trong lĩnh vực CNTT và phần mềm.

Quốc vụ khanh Bộ Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin Bangladesh. Ảnh: ĐVCC

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến và Giám đốc Đại học Trực tuyến FUNIX tại TP HCM trao đổi cùng Quốc vụ khanh Bộ Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin Bangladesh. 

Hiện FPT là công ty Việt Nam duy nhất tại Bangladesh. Công ty triển khai nhiều sự án CNTT lớn cho chính phủ từ năm 2014. Năm 2015, FPT vượt qua 5 nhà thầu quốc tế khi được Cơ quan thuế Bangladesh lựa chọn triển khai dự án "Cung cấp, triển khai và bảo hành, bảo trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT" (IVAS) sau 2 giai đoạn đấu thầu căng thẳng. Năm 2017, FPT IS vận hành Hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT cho Cơ quan thuế Bangladesh sau 12 tháng triển khai. Đây là dự án lớn nhất của đơn vị này tại nước ngoài.

Dân số tại Bangladesh hiện có hơn 168 triệu người. Từ một đất nước chuyên gia công xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới, Bangladesh hiện được đánh giá cao trên thị trường công nghệ thông tin và viễn thông toàn cầu. Trong Tầm nhìn "Bangladesh số" vào năm 2021, chính phủ nước này đặt mục tiêu tạo ra khoảng 2 triệu việc làm mới trong lĩnh vực CNTT và nâng doanh thu xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin lên 5 tỷ USD.

Huyền Trang

Ý kiến

()