Chúng ta

iKhiến số 2: Tranh luận gay gắt về triển khai hay không nên triển khai sản phẩm

Thứ sáu, 27/5/2022 | 11:15 GMT+7

Tham gia Chung khảo iKhiến số 2, akaFocus là sáng kiến gây nhiều tranh cãi nhất khi Hội đồng thẩm định tranh luận về ý nghĩa sản phẩm từ khi đội thi trình bày đến cả đến phần thảo luận đánh giá.

Chiều 26/5, số chung khảo thứ 2 của iKhiến đã diễn ra với 8 sáng kiến đến từ 6 CTTV, chia làm 2 bảng. Chương trình được tổ chức kết hợp online và offline tại FPT Tower (Hà Nội) và FPT Tân Thuận (TP HCM).

Bảng A (Sáng kiến về sản phẩm, dịch vụ) có 4 đội thi đến từ FPT Telecom, FPT Software, FPT Education. Tại bảng B (Sáng kiến về quy trình quản trị, công cụ và phương tiện làm việc), 4 cái tên tranh tài đại diện gồm FPT Smart Cloud, FPT Software, FPT Online và FPT IS.

Dàn giám khảo "cầm cân nảy mực" số này có anh Vũ Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng, anh Trần Thanh Hải - FPT Telecom, anh Đào Duy Cường - FPT Software, anh Trần Thanh Hà - FPT Retail, anh Đào Gia Hạnh - FPT IS, chị Nguyễn Thị Thanh Hương - FPT Online, anh Phan Trường Lâm - FPT Education, anh Ngô Minh Vương - Synnex FPT, chị Bùi Thị Vân Anh - FPT HO và anh Lê Trung - FPT Telecom. 

Với sự góp mặt của 2 đội thi đại diện FPT Software đều đến từ Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng AI (QAI Quy Nhơn), anh Vũ Hồng Chiên - Giám đốc QAI đã có mặt đồng hành cùng đội thi.

HN-IK2.jpg

Đầu cầu FPT Tower (Hà Nội). Ảnh: Hà Trần

akaFocus đến từ QAI, FPT Software - sản phẩm tranh tài bảng B - là sản phẩm gây nhiều tranh cãi nhất tại Chung khảo tháng 5, khi giám khảo tranh luận từ trong thời gian thi đến cả phần thảo luận xếp hạng.

akaFocus là một nền tảng phân tích năng suất lao động của nhân viên FPT Software. Sáng kiến gồm dịch vụ cài vào máy tính nhân viên; phân tích dữ liệu; đưa ra báo cáo năng suất và cảnh báo để người quản lý có quyết định.

akafocus-1653623614-4997-1653623704.png

akaFocus đã được sử dụng 2.000 nhân viên nhà Phần miền, dự kiến tháng 6 triển khai toàn bộ cho 20.000 nhân viên FPT Software. 

Nhóm tác giả cho biết khi FPT Software chuyển sang làm việc từ xa (WFH), làm sao kiểm soát được năng suất, tiến độ các dự án là vấn đề được đặt ra. akaFocus giúp quản lý xem các báo cáo thống kê, giúp tìm các vấn đề gặp phải, đưa ra chính sách về năng lực, nhắc nhở vận động, cảnh báo khi sử dụng ứng dụng có thể liên quan bảo mật…

Anh Lê Trung đặt câu hỏi liệu việc "scan" này có phản ánh đúng thời gian làm việc, tại sao không đánh giá bằng việc hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu thay vì thời gian sử dụng các ứng dụng; và liệu đã làm rõ ứng dụng nào là làm việc hay không làm việc. 

281418464-1084344758838179-1997488669917

Nhóm tác giả tham dự từ đầu cầu Tân Tuận, TP HCM.

Đại diện nhóm tác giả cho biết akaFocus, từ dữ liệu thời gian sử dụng trên máy tính, đưa cho quản lý cái nhìn và kế hoạch điều chỉnh nếu có, chứ không phải dựa trên đó để đánh giá một nhân viên tốt hay không. Anh Lê Trung phản biện nếu năng suất tốt thì kết quả phải tương đồng và đặt câu hỏi thành quả có tăng lên không khi sử dụng ứng dụng. Đội thi cho biết không có thông tin về chỉ số thành quả hay doanh thu.

Anh Vũ Hồng Chiên giải thích, sản phẩm này không phải để đánh giá năng suất nhân viên mà đưa ra các dữ kiện để quản lý có chiến lược trong việc quản lý khối lượng công việc, cải thiện hiệu quả của đơn vị, và đồng ý rằng có một số ứng dụng không thể phân định được để làm việc hay không, và ở một vị trí công việc, thời gian nhân viên dùng máy tính không nhiều.

Anh Đào Duy Cường - CDTO FPT Software bổ sung, thường đến cuối dự án mới có báo cáo về công việc của các thành viên nhưng "chờ lúc đấy mới biết để hành động thì muộn" và akaFocus hỗ trợ làm việc đó hằng ngày để có bước đi phù hợp.

Chủ tịch Hội đồng Vũ Anh Tú đặt câu hỏi quy định như thế nào là làm việc và như thế nào là không làm việc, và liệu có gian lận được không. Đội thi cho biết hệ thống cho phép nhà quản lý quyết định điều này, linh động theo đơn vị. "akaFocus không lấy thông tin sâu, vi phạm bảo mật như xem nội dung chat, nội dung đọc của nhân viên" - nhóm tác giả nhấn mạnh. Anh Đào Duy Cường bày tỏ, trước đây nhà Phần mềm không có nhu cầu làm việc này nhưng phương thức WFH, hybrid (kết hợp) đã khiến quản lý có nhu cầu "biết nhân viên đang làm gì trên máy".

Màn phản biện trở nên "nóng" hơn khi giám khảo Phan Trường Lâm - FPT Education bình luận: "Từ góc độ người làm giáo dục, tôi cho rằng có lẽ sản phẩm này không nên triển khai. Liệu đây có phản ánh bế tắc của người quản trị dự án?" Anh còn e ngại sản phẩm đi ngược lại văn hóa FPT và không tốt cho sự sáng tạo. "Làm việc trong môi trường sáng tạo mà bị giám sát thì không sáng tạo được. Chắc không ai thoải mái khi biết có ai đấy 'soi' mình".

Đội thi giải thích sản phẩm không lấy thông tin chi tiết và "nếu nghĩ là giám sát thì đi theo hướng tiêu cực, còn đây là sản phẩm giúp cải thiện năng suất. Quản lý cần đánh giá thời gian làm việc để có chiến lược chung cho cả nhóm chứ không phải câu chuyện quan sát từng cá nhân".

Màn phản biện phải dừng lại do giới hạn thời gian. Chia sẻ với báo Chúng ta, anh Vũ Hồng Chiên - Giám đốc QAI cho biết không bất ngờ khi nghe phản biện của Hội đồng thẩm định. "Vì khi triển khai cho những nhân viên FPT Software đầu tiên, tôi đã nhận được phản ứng như thế. Nhưng sau đó, mọi người đã hiểu về sản phẩm, hiểu về mục đích thì hiện giờ đã được sự chấp nhận của hầu hết đồng nghiệp và đã triển khai cho gần 2.000 người, sắp tới là cho toàn bộ công ty, khoảng 15.000-20.000 người". 

Anh nhấn mạnh akaFocus không phải là theo dõi, giám sát nhân viên, không vi phạm bảo mật dữ liệu mà quan trọng là FPT đang tập trung vào việc tăng năng suất để đạt được đẳng cấp World Class, và sản phẩm này là công cụ đắc lực để giúp FPT đưa ra chiến lược cho việc tăng năng suất trong tập đoàn, trong từng công ty thành viên và đến từng khối. "Tuyệt đối sản phẩm này không phải là 'monitor' và 'tracking' nhân viên. Ngoài ra, sản phẩm cũng là một ý để toàn bộ CBNV của FPT ý thức hơn về công việc, thời gian làm việc của mình" - anh nói. 

Anh Đỗ Ngọc Lâm, thành viên đội thi có phần tiếc nuối khi thời gian ít quá đã không thể hiện hết được ý. "Khi nghe giám khảo Phan Tường Lâm nói thế, tôi muốn biết lý do tại sao lại không nên triển khai. Sản phẩm không phải tập trung vào việc kiểm soát nhân viên, mà phân tích đưa ra các báo cáo về năng suất của đơn vị, các vấn đề ảnh hưởng tới năng suất, giúp quản lý đưa ra các chiến lược, các chính sách để cải thiện năng suất. Ngoài ra, sản phẩm còn hỗ trợ nhân viên, nhắc nhở công việc cần làm, tự động log timesheet, log work (bảng chấm công, khối lượng công việc) cho nhân viên; hỗ trợ nhắc nhở các tính năng về cảnh báo nghỉ ngơi mắt, nhắc nhở ngồi lâu tránh ảnh hưởng tới xương khớp, nhắc nhở các ứng dụng hoặc miền có thể vi phạm bảo mật", thành viên đội thi bổ sung.

hn1-ik-1653623196-9995-1653623704.jpg

Chương trình được tổ chức kết hợp online và offline. Ảnh: Hà Trần

Tại chung khảo iKhiến lần này, Hội đồng thẩm định cũng nhận ra xu hướng quay trở lại của các sáng kiến trước đây từng dự thi, như SmartOps Platform, đến từ FPT Telecom. Đây là sản phẩm AIOPS (hệ thống phần mềm có khả năng kết hợp dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, học máy để tăng cường và thay thế các quy trình của phòng công nghệ thông tin) giúp tự động hóa/ tối ưu hóa hoạt động vận hành giám sát, xử lý sự cố của mạng viễn thông/dịch vụ FPT Telecom; giúp tăng năng suất, tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng. 

Giải pháp giúp giảm 60 triệu/tháng cho người dùng ở đơn vị vận hành khi xử lý sự cố; tiết kiệm 3 triệu USD chi phí triển khai; tiết kiệm 700.000 USD chi phí vận hành.

Đội thi của anh Lê Quốc Dương, Trần Xuân Hậu, Phạm Văn Quyền, Ngô Tiến Dũng, Đặng Minh Chương cho biết sản phẩm là platform (nền tảng) nên có thể dễ dàng mở cho các đơn vị khác sử dụng.

smartops-1653623489-7562-1653623704.png

Sản phẩm AIOPS giúp tự động hóa/ tối ưu hóa hoạt động vận hành giám sát, xử lý sự cố của mạng viễn thông/dịch vụ FPT Telecom.

Giám khảo Vũ Anh Tú đặt câu hỏi sản phẩm từng tham dự iKhiến trước đây, lần trở lại này có gì khác. Đại diện đội thi cho biết trước công nghệ còn sơ khai, gần đây bổ sung nhiều công nghệ mới, độ chính xác tăng từ 85% lên 97-98%, gần như tuyệt đối, giảm nhiễu 27% lên 44%... Khi có sự cố, hệ thống còn cung cấp thông tin về phạm vi, người xử lý để có phương án xử lý nhanh chóng nhất.

Chia sẻ sau buổi thi, anh Lê Quốc Dương - đại diện nhóm tác giả cho biết nhóm đưa sản phẩm quay trở lại iKhiến sau khi sản phẩm có những bước phát triển nhất định vì đánh giá cao sân chơi sáng tạo của tập đoàn và có mong muốn chinh phục cao hơn. "Các câu hỏi Ban Giám khảo đặt ra cho nhóm rất sát với thực tiễn, đặc biệt là vấn đề về khách hàng, những điểm mới, điểm nổi bật của sản phẩm có thể cạnh tranh với đối thủ. Các góp ý và câu hỏi của Ban Giám khảo đã giúp nhóm mình nhìn rõ hơn các vấn đề hiện tại cần làm để hoàn thiện và phát triển sản phẩm hơn trong tương lai".

Chung khảo tháng 5 còn có sự góp mặt của các sản phẩm: akaOCR đến từ FPT Software, Mobi-Foxpay của FPT Telecom, Phát triển hệ thống quản lý học liệu FLM của Đại học FPT (bảng A); Bot nghiệm thu hạng mục triển khai cho khách hàng - FPT Online, FIS Design System, FPT.AI Smart Dialogue Builder (Công cụ giúp tạo nhanh chatbot) - FPT Smart Cloud (bảng B). Nhiều sản phẩm gây ấn tượng mạnh cho Hội đồng thẩm định với những nhận xét như "Rất hay, đúng là chuyển đổi số cho giáo dục", "Không hiểu sao bây giờ mới có sản phẩm này", "Đúng là giải quyết pain point (nỗi đau)"...

akaocr-1653623432-9133-1653623704.png

akaOCR đang được các khách hàng lớn tại Nhật Bản sử dụng. Các giám khảo tỏ ra thắc mắc tại khi QAI đã là đơn vị thứ 3 trong FPT sau FPT.AI và FPT IS làm về OCR. Theo anh Vũ Hồng Chiên, akaOCR của QAI chú trọng thêm phần bảo mật dữ liệu, tự tạo dữ liệu, nhận diện được nhiều loại mẫu (form) khác nhau.  

fis-design-1653623685-9848-1653623704.pn

FIS Design System tự hào đã làm hài lòng khách hàng Hàn Quốc có yêu cầu cao về thẩm mỹ. Đây là kho các mẫu thiết kế có sẵn được xây dựng trên công nghệ Figma, đưa việc thiết kế về thao tác kéo/thả đơn thuần, dễ tiếp cận với nhiều đối tượng nghiệp vụ. Sáng kiến giúp giảm 10% nguồn lực giai đoạn khảo sát/phân tích; 20% thời gian sản xuất so với quy trình cũ; tiết kiệm 17 tỷ đồng cho một dự án. Chất lượng sản phẩm cao, được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng trong và ngoài nước.

Cuối số Chung khảo, bên cạnh tranh cãi xung quanh sản phẩm akaFocus, Hội đồng thẩm định đề xuất sắp xếp cuộc gặp 3 bên FPT Smart Cloud, FPT IS và FPT Software về các sản phẩm OCR.

Kết quả Chung khảo ikhiến số 2 sẽ được công bố vào giao ban tập đoàn đầu tuần tới. 

Thủy Minh

Ý kiến

()